Sao lại có cách dạy con: “Mày khóc à, tao giết chết cha mày chừ”

20/05/2022 06:00 GMT+7

Không ít cha mẹ vẫn dạy dỗ con rất lớn tiếng và thậm chí dùng những lời lẽ như mắng nhiếc, mạt sát con mình. Nhưng phụ huynh lại không lường hết được hệ lụy từ chính những cách được cho là đang dạy dỗ con thế này.

Nhiều cha mẹ lại có cách dạy con bằng những lời lẽ lớn tiếng và khó nghe

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Dạy dỗ hay mạt sát con?

Ngay bên cạnh nhà, cứ mỗi lần con cái làm sai điều gì là cặp vợ chồng lại thay nhau chửi mắng và xưng hô “mày – tao” với con của mình. Nào là dọa đuổi con ra khỏi nhà, hay là dùng những lời lẽ như mạt sát đứa con: “Mày khóc à, có nín không, tao giết chết cha mày chừ”, hay có lúc là những ngôn từ chửi thề tục tĩu.

Có lần đứa bạn đến nhà chơi, nghe được người cha hàng xóm chửi con bằng những lời tục tĩu, đứa bạn hỏi tôi: “Sao người ta dạy con mà như mạt sát con vậy nhỉ? Tuổi thơ thế này thì đứa bé lớn lên cũng sẽ có thiên hướng bạo lực và hung dữ, hoặc có đứa nó sẽ thu mình lại vì những lời mắng nhiếc quá đáng của những người cha, người mẹ như thế này”.

Là mẹ của 2 đứa con, chị Phan Ngọc Hồng Châu (36 tuổi, ngụ tại hẻm 818 Nguyễn Kiệm, P.3, Q. Gò Vấp, TP.HCM) thừa nhận có những lúc cũng rất dễ nổi nóng với con mình nhưng đặc biệt chị nói thật là chị chưa bao giờ miếng nhiếc hay xưng hô “mày-tao” với con, dù có những lúc rất lớn tiếng.

Chị Châu cho biết nhiều khi vẫn không kiềm chế được cơn nóng nên lớn tiếng la con nhưng chưa bao giờ dùng những lời lẽ khó nghe và xưng hô "mày - tao" với con

NVCC

Chị Châu kể: “Khi bắt đầu làm mẹ, mình cũng đã từng lâm vào tình trạng như thế. Áp lực công việc, gia đình... làm cho mình hay bị căng thẳng và rất dễ nổi nóng. Bé gái lớn của mình lúc nhỏ lại thuộc dạng biếng ăn, con lại hay bệnh vặt, rồi mâu thuẫn trong việc nuôi dạy trẻ giữa 2 thế hệ (ông bà và ba mẹ) ... nói chung rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress và sinh ra tật nóng tính ở người làm cha làm mẹ. Có những lúc đánh con xong thì mẹ cũng bật khóc. Cái cảm giác đó giống như mình đang bị dồn trong ngõ cụt. Bất lực, uất nghẹn. Nhưng may mắn là mình kịp nhận ra việc dùng đòn roi nó không thay đổi hay làm cho con tốt hơn được”.

Theo chị Châu đòn roi chỉ làm con tổn thương bên ngoài, sẽ liền lặn theo thời gian nhưng những lời lẽ mạt sát chắc chắn sẽ đọng lại trong tâm trí con mãi về sau. Và trẻ con cũng cần được tôn trọng. Văn hóa trong giao tiếp cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ.

Hãy luôn dành cho con sự răn dạy của yêu thương

N.D

“Mình thấy nhiều bạn nhỏ suốt ngày bị mắng nhiếc thường rất tự ti, hay co rút lại và ngại tiếp xúc. Bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm, vậy thì sao các con lại không thể. Thay vì dùng những lời lẽ khó nghe, ba mẹ nên ngồi lại nói chuyện ôn hòa với con. Giải thích cho con hiểu cái nào đúng, cái nào sai. Dần dần con sẽ là một đứa trẻ hiểu chuyện. Đây cũng là cách rèn luyện EQ cho trẻ”, chị Châu bày tỏ.

Cùng quan điểm với chị Châu, Trần Thị Minh Hằng (30 tuổi, ngụ tại Chung cư Fresca Riverside, P. Bình Chiểu, TP. Thủ Đức) kể: “Mình có bà chị, cũng thường rất nóng tính với con, mà mỗi lần nóng lên là nói những lời lẽ rất khó nghe. Mình thì không đồng tình với cách dạy con này, nhưng chị mình thì cứ bảo tụi nhỏ lì lắm, nói tiếng nhẹ không có nghe. Con mình mà lúc lì thì mình vẫn lớn tiếng, nhưng lớn tiếng khác với việc dùng những từ ngữ khó nghe và có phần tục tĩu với con mình. Tụi nhỏ học rất nhanh, rồi nó sẽ học theo những lời lẽ đó để ứng xử khi ra ngoài xã hội”.

Hãy dành cho con sự răn dạy của yêu thương

Nhìn nhận về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Hệ thống Cambridge Khai Minh, cho rằng cha mẹ không nên dùng những lời lẽ tiêu cực để dạy dỗ con vì những ngôn ngữ tiêu cực sẽ in trong đầu đứa trẻ rất lâu: “Về quy luật tâm lý thì phụ huynh đang dùng sức đè, tức dùng uy quyền của mình để đè các con. Mà bản thân đứa con cũng không dám phản kháng, vì đó là cha mẹ mình, rồi vết thương như thế cứ tự lành lấy. Nhưng khi có một sự cố nào đó cộng dồn lại, sẽ như sóng ngầm và hình thành cơn sóng thần rất nguy hiểm”.

Tiến sĩ Dũng phân tích thêm: “Có 3 lý do mà phụ huynh không nên dạy dỗ con như vậy. Đầu tiên sẽ hình thành hệ lụy về mặc cảm tự ti cho đứa trẻ, thứ 2 sẽ tạo thành một thói quen xấu cho đứa trẻ và đứa trẻ sẽ phản ứng với người khác giống như đã được phản ứng. Và quan trọng nhất là nhân cách của đứa trẻ trong tương lai sẽ bị méo mó và lệch lạc”.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng

NVCC

Cũng theo tiến sĩ Dũng nhiều khi phụ huynh vấp phạm mà không hay, do một phút nào đó nóng giận quá nên mất khôn. Nhưng nếu lỡ xảy ra chuyện rồi thì điều quan trọng là cha mẹ đối diện với con như thế nào sau sự cố đó.

“Lỡ như chẳng may chuyện đã xảy ra, sau đó, lúc trấn tỉnh lại, phụ huynh có thể ngồi nói chuyện với con, ôm con vào lòng và thậm chí hãy nói lời xin lỗi với con. Phải cho con biết rằng sự cố xảy ra là ngoài ý muốn, có thể là do lỗi của con hay một điều gì đó chứ không phải là ba mẹ muốn như thế, ba mẹ vẫn luôn yêu thương con…”, tiến sĩ Dũng khuyên.

Tiến sĩ Dũng cũng cho rằng nhiều người hiện nay hiểu không đúng về quan niệm "thương cho roi cho vọt" của ông bà ta. Cho roi, cho vọt ở đây không phải là đòn roi, mà là sự răn dạy.

“Là sự răn dạy thì cái đánh của người cha không bao giờ để hằn vết lên người con, tiếng chửi của người mẹ không bao giờ gây tổn thương cho con. Mọi người nên hiểu cái roi, cái vọt là sự răn dạy của yêu thương. Nếu đến mức con hư quá phải đánh đòn roi thì sau khi bố đánh, mẹ xoa và ôm con vào lòng. Hoặc thậm chí sau khi bố đánh, chính người bố sẽ đi thoa dầu, chăm sóc vết thương cho con và nói: “Con thấy lỗi chưa? Thấy bố đánh hôm nay có đau không? Đau thì lần sau con đừng có tái phạm nữa”, tiến sĩ tâm lý Hoàng Dũng gửi gắm.

Cũng theo tiến sĩ Dũng, nghề làm cha mẹ là một nghề linh hoạt. Ví dụ khi có 2 đứa con, thì mỗi đứa là một tính cách khác nhau, có thể mình dạy đứa lớn bằng cách này nhưng dạy đứa nhỏ bằng cách khác. Và cũng không nên đổ lỗi cho cuộc sống khiến chúng ta áp lực rồi dễ nổi nóng với con. Mà phải nhìn nhận con như quà tặng, để khi có bất cứ sự cố gì xảy ra chúng ta cũng sẽ can đảm để nhìn lại, để không làm món quà ấy bị tổn thương.

“Với quan điểm của mình thì hãy xem con là quà tặng, và ngày hôm nay chúng ta dành cho con những gì thì ngày sau chúng ta gặt hái được cái đó”, tiến sĩ Dũng nhắn gửi đến phụ huynh để có cách nhìn nhận và dạy dỗ con cái đúng đắn hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.