Con cái ở với cha mẹ nhiều thì nguy cơ tự tử sẽ cao?

04/05/2022 17:07 GMT+7

Một chuyên gia chỉ ra trong một nghiên cứu của UNICEF năm 2017 , việc con cái sống tách riêng cha mẹ được xem là có tính bảo vệ trước hành vi tự tử. Có nghĩa ở với cha mẹ nhiều sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn.

Trong buổi tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên” diễn ra vào ngày 4.5 do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng, Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã chỉ ra trong một nghiên cứu của UNICEF năm 2017 có một phát hiện là việc con cái sống tách riêng cha mẹ được xem là có tính bảo vệ trước hành vi tự tử. Có nghĩa là con cái ở với cha mẹ nhiều, tiếp xúc với cha mẹ và các thành viên trong gia đình nhiều thì có nguy cơ tự tử cao. Chia sẻ này đã nhận được nhiều sự quan tâm.

Thạc sĩ Thanh Tùng chia sẻ tại tọa đàm

HOA NỮ

Những dấu hiệu để nhận biết trẻ sẽ có nguy cơ tự tử

Tại tọa đàm, nhiều người phải giật mình khi nghe những con số được liệt kê như có khoảng 41.000 người tự tử mỗi năm, cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử. Tình trạng tự tử ở thanh niên 15-24 tuổi đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua và có xu hướng càng ngày càng trẻ hoá. Hay nam giới tự sát có tỷ lệ thành công cao gấp 4 lần nữ. Nữ có xu hướng và ý định tự tử cao gấp 3 lần nam. Những người ly hôn có xu hướng tự tử nhiều hơn những người có gia đình vẹn toàn 2.5 lần. Tỷ lệ nghiện rượu cao, mức sống thấp và lối sống văn hoá bị vô hiệu hoặc lêch lạc góp phần làm tăng tỷ lệ tự tử trong cộng đồng. Đặc biệt các sự việc tự tử 73% xảy ra ở nhà, 12% ở khu vực công cộng, 7% ở trường, 5% ở nhà bạn bè. Một điều đáng buồn là đến 87% khi có ai đó ở gần nhưng lại không kịp cảnh báo, giúp kịp. Các gia đình có trẻ em tự tử nhìn chung đang gặp khủng hoảng về tài chính, cá nhân trẻ bị cắt giảm chi tiêu, đối xử hà khắc hơn…Những con số này đã được PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, nêu ra tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam cũng chỉ ra các dấu hiệu để nhận diện tự sát là với những câu nói như: không còn làm phiền ai nữa đâu, chả còn gì quan trọng cả, mọi việc đều vô ích thôi, chả còn gặp ai nữa đâu mà nói… Hay những hành động như sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, viết nhật ký sẽ cho người này món quà này hay người kia món quà kia mà mình yêu thích, tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hành động như để trả ơn bố mẹ…

Bạn trẻ trình bày ý kiến và những đề xuất tại tọa đàm

HOA NỮ

Thạc sĩ Thanh Tùng thì cho biết trong một nghiên cứu của UNICEF năm 2017 về “Bản chất vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam” đã có một số phát hiện rất đáng lưu ý là tỷ lệ tự tử ở nữ giới sống ở đô thị, người nhập cư và đặc biệt là trẻ tuổi. Thứ 2 các vụ tự tử có các rối loạn cảm xúc và lạm dụng chất và thứ 3 là liên quan đến mô hình gia đình, tiền sử về tự tử trong gia đình, cũng như địa vị kinh tế-xã hội của gia đình và mức độ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

“Bên cạnh đó, có một phát hiện mà cần phải lý giải và đưa ra sự can thiệp dự phòng đó là việc con cái sống tách riêng cha mẹ được xem là có tính bảo vệ trước hành vi tự tử. Có nghĩa là con cái ở với cha mẹ nhiều, tiếp xúc với cha mẹ và các thành viên trong gia đình nhiều thì có nguy cơ tự tử cao. Đây cũng là vấn đề đặt ra đặc biệt là trong dịch Covid-19 như thế này”, thạc sĩ Thanh Tùng nhấn mạnh.

Yếu tố gia đình tác động như thế nào?

Nhấn mạnh về sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đến các vụ tự tử ở trẻ và thanh thiếu niên, thạc sĩ Thanh Tùng cho rằng tại sao trước dịch vấn đề này không được đẩy nóng như hiện nay, bởi lẽ vấn đề này có liên quan rất nhiều đến đại dịch Covid-19.

“Chúng ta thấy trước hết là trẻ em bị thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang online, các em sẽ phải thay đổi cách thức giao tiếp xã hội, các mạng lưới giao tiếp xã hội cũng bị thu hẹp lại, khi có chuyện muốn chia sẻ thì không biết chia sẻ với ai…Hoặc ngay cả những hình thức bạo lực gia đình ở cha mẹ, hay các vấn đề về xâm hại tình dục trong gia đình thì khi học trực tuyến như vậy cũng không phát hiện được dẫn đến những cái chết rất thương tâm. Thì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ”, thạc sĩ Thanh Tùng phân tích.

Cũng theo vị thạc sĩ này, khi các thành viên trong gia đình ngày nào cũng gặp mặt nhau, rồi những áp lực, stress do giãn cách xã hội dẫn đến những xung đột trong gia đình, cha mẹ và các thành viên gây gổ với nhau cũng tác động đến tâm lý của các em.

“Việc lạm dụng trò chơi trực tuyến, thiếu hoạt động về thể chất. Hiện nay các trò chơi trực tuyến có những hành vi liên quan đến tự sát rất nhiều và trẻ có thể bắt chước theo. Chúng ta cũng thấy rằng có những bộ phim chỉ dẫn tự sát một cách rất chi tiết và bắt chước theo mà nhiều khi không nhận thức được hành vi đó nguy hiểm như thế nào. Rồi các em bất thình lình bị mất đi người thân vì đại dịch, các em bị chông chênh và ảnh hưởng đến tâm lý rất nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ tự sát”, thạc sĩ Tùng chỉ ra.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trường trình bày tham luận tại tọa đàm

HOA NỮ

Tiếp cận ở khía cạnh ảnh hưởng của gia đình đến hành vi tự sát của trẻ em và thanh thiếu niên, tiến sĩ Nguyễn Văn Tường, Giảng viên Khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dẫn theo nghiên cứu của Wanger và cộng sự năm 2003 thì cho rằng không có gì ngạc nhiên khi phần lớn các nghiên cứu đều chỉ ra tương quan mật thiết giữa những nguy cơ từ gia đình đối với hành vi tự sát của trẻ em, thanh thiếu niên. Bởi vì, gia đình là nền tảng thiết lập cơ bản cần thiết phát triển xã hội của trẻ em, thanh thiếu niên.

Trong đó là sự tác động về mặt di truyền học, rồi các yếu tố về nhân khẩu học. Các yếu tố nhân khẩu học của gia đình trong các nghiên cứu thường liên quan đến: tình trạng hôn nhân của cha mẹ, vị thế xã hội và thu nhập của gia đình, trình độ giáo dục, khu vực sinh sống (thành thị hay nông thôn), lịch sử bối cảnh gia đình (liên quan đến nghiện thuốc, nghiện rượu và chất kích thích, gia đình đã có người từng có ý định tự sát), tình trạng sức khỏe tâm thần và vấn đề liên quan đến tâm bệnh của cha mẹ…

Rồi ý tưởng và hành vi tự sát được xem như là phản ứng lại với những đặc điểm giáo dục gia đình không phù hợp. Hay sự chia cách với cha mẹ, nhưng không chỉ đơn giản là tình trạng hôn nhân của bố mẹ mà sự chia cách này mang ý nghĩa rằng cha hoặc mẹ đi làm ăn xa và không có nhiều thời gian để tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp với con cái, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cảm nhận hạnh phúc của đứa trẻ…

Phòng ngừa tự sát thế nào?

Để ngăn chặn được nguy cơ tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cần sơ cứu tâm lý và can thiệp khẩn cấp. Trong đó, phải nâng cao năng lực nhận thức, cha mẹ, chuyên viên tâm lý trường học phải nhận biết các dấu hiệu về khả năng tự tử. Cũng cần can thiệp khủng hoảng chuyên sâu, trong thời gian ngắn để làm an dịu, giải quyết khủng hoảng ngay lập tức. Nguy cơ cao thì nên cho nhập viện ngay để điều trị y tế, can thiệp dược lý và gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Sau khi khủng hoảng qua đi, tiếp tục can thiệp tâm lý truyền thống bằng kỹ năng quản lý stress, liệu pháp hành vi nhận thức và tham vấn giáo dục gia đình mà cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Cũng như là cần thiết phải có đường dây nóng chuyên sâu về vấn đề tự tử.

Thạc sĩ, bác sĩ CKI Giang Ngọc Thụy Vy

HOA NỮ

Theo thạc sĩ, bác sĩ CKI Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng khoa Tâm lý y học Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, thì cho rằng rất cần sự chăm sóc đa ngành, đặc biệt là hầu hết những trẻ em vị thành niên thì sẽ không chịu nhập viện, các con vẫn trở về đi học và ở nhà nên việc phối hợp với gia đình và trường học là rất quan trọng

“Chúng ta không chỉ một người đơn độc mà thật sự là cần một tiến trình, ngay từ ban đầu cần xây dựng cho mỗi người có khả năng hồi phục trở lại trước những thay đổi biến cố trong cuộc sống. Thứ 2 là phòng ngừa, xây dựng từ trong gia đình, cộng đồng, trường học…Đến khi có những vấn đề sẵn có kích hoạt thì vẫn có một lực lượng để can thiệp, không chỉ là can thiệp ở bệnh viện, phòng khám mà còn là những nơi khác, những đường dây hỗ trợ cho vấn đề khủng hoảng tự sát”, bác sĩ Thụy Vy chia sẻ.

Dưới góc nhìn của người làm xã hội học, thạc sĩ Thanh Tùng cho rằng nên nhìn nhận đúng về tầm quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần, thông qua nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Cũng như tăng cường nguồn nhân lực về chất lượng và số lượng ở tất cả các cấp thông qua đào tạo, đặc biệt đối tượng tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý…

Đặc biệt, thạc sĩ Thanh Tùng đề xuất những kiến nghị để phòng ngừa vấn nạn tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên: “Dạy những kỹ năng cần thiết để ứng phó với các khó khăn về cảm xúc và tâm lý. Giảm vớt áp lực học hành bằng cách đánh giá lại lượng kiến thức mà học sinh cần học. Đầu tư xây dựng và phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường/ công tác xã hội trường học ở tất cả các trường học. Cung cấp cho phụ huynh những kỹ năng cần thiết như nuôi dạy con, giao tiếp với con cái”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.