Sao lại trách cha mẹ?

21/03/2016 13:23 GMT+7

Người ta thường trách "Con hư tại mẹ" hay lỗi xã hội mà dường như quên mất "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính".

Người ta thường trách "Con hư tại mẹ" hay lỗi xã hội mà dường như quên mất "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính".

Mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trước pháp luật - Ảnh minh họa: ShutterstockMỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trước pháp luật - Ảnh minh họa: Shutterstock
Mạnh Tử nói "nhân chi sơ tính bản thiện", có nghĩa phàm là người khi sinh ra đều có bản tánh tốt lành.
Qua thời gian, do nhiễm thói hư tật xấu ở đời mà trở nên gian manh, xảo quyệt. Nhất thiết phải có phương pháp dạy dỗ đúng đắn để họ có thể sống tốt mà tránh đi việc ác.
Nhưng, Tuân Tử lại nói "Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã", ý muốn nói bản tính của con người là ác, những điều thiện là do con người tự đặt ra.
Kỳ thực, con người sinh ra là thiện hay ác rất khó phân giải, nhưng có một câu chuyện tôi hết sức lấy làm tâm đắc.
Trong một giờ học, cô giáo làm một thí nghiệm để giảng giải vì sao lại có người tốt, kẻ xấu. Cô bày ra bốn lọ thủy tinh. Trước sự ngạc nhiên của cả lớp, cô nói bốn hạt đậu này cùng được ươm một lúc.
Hạt thứ nhất đặt trên đất được nén chặt; nó không thể nào nảy mầm được; đó là những người cố tình không muốn nghe điều phải.
Hạt thứ hai gieo trên sỏi đá; nó nảy mầm nhưng không đâm rễ sâu được; đó là kẻ sống hời hợt, không chịu ép mình để tu dưỡng.
Hạt thứ ba gieo trên bông gòn; nó nảy mầm và đâm rễ sâu nhưng èo uột vì thiếu dinh dưỡng; đó là những người biết tự tu dưỡng nhưng không bền chí, luôn bị những điều xấu cám dỗ.
Hạt thứ tư gieo trên đất tốt; nó đâm rễ sâu và cây mọc rất khỏe; đó là người tốt, biết lắng nghe điều hay lẽ phải và luôn tu dưỡng bản thân.
Như vậy, chúng ta được học chung một lớp, một thầy, một cô, một bài giảng nhưng khả năng thẩm thấu điều hay, ý đẹp lại tuỳ hạn định mỗi người.
Suy rộng ra, giáo dục là gốc rễ, giúp con người sống hướng thiện nhưng không thể vin vào đó mà đổ lỗi trách nhiệm cho gia đình, nhà trường khi con người chỉ là một loại động vật tràn đầy những bản năng nguyên sơ, như Freud đã nói "Trẻ em hoàn toàn vị kỷ, chúng có những đòi hỏi mãnh liệt và nằng nặc đòi thỏa mãn những đòi hỏi đó".
Chính vì thế, mỗi ngày trôi qua, dẫu cho chúng ta giật mình khi tỉ lệ thanh thiếu niên phạm tội ngày một gia tăng. Họ sẵn sàng chém, giết nhau vì những lí do tưởng chừng hết sức nhỏ nhặt, nhưng khi hiểu sâu về bản chất con người, chúng ta có thể phần nào lí giải đó hoàn toàn là những bản năng đã bị ẩn giấu quá lâu, tiềm tàng trong mỗi con người những mầm ác chỉ chờ một cú nẩy xung đột xúc tác lại mau chóng hiển lộ.
Người ta thường trách "Con hư tại mẹ" hay lỗi xã hội mà dường như quên mất "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính".
Tôi cho rằng, sau tất cả chỉ có mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình và pháp luật là công cụ chính xác để điều chỉnh con người theo một trật tự chung mà không thể có một ngoại lệ vì gia đình thiếu giáo dục mà biện hộ. Có bao nhiêu đứa trẻ đã lớn lên trong cảnh gia đình tan tác nhưng vẫn cố làm người thiện lương đấy thôi.
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sống tốt. Phận làm cha, làm mẹ đã đau lắm rồi, xin đừng xát muối vào họ thêm nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.