Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

'Sao nối ngôi' thi đua tiết kiệm điện

26/05/2024 19:05 GMT+7

Ba từ 'tiết kiệm điện' có lẽ tôi nghe được nhiều nhất là từ mẹ. Mẹ luôn chắt chiu từng chút một để chi tiêu hợp lý trong gia đình. Tôi còn nhớ những buổi trưa hè, thay vì nằm trong nhà bật máy quạt thì mẹ sẽ cùng tôi nằm trên chiếc võng được cột hai đầu vào gốc cây me.

Chiếc võng "tiết kiệm điện" đong đưa qua từng cơn gió và cả tiếng chiếc quạt mo cau phe phẩy, mẹ luôn đưa tôi vào giấc ngủ ban trưa mát lành. Có lần tôi hỏi mẹ tại sao mẹ lại không vào nhà ngủ. Mẹ xoa đầu tôi, bảo: “Mẹ thích quạt cho con mát mà nhà mình cũng tiết kiệm được điện nữa”.

Lớn dần lên, tôi tiếp nhận thêm thông tin từ các phương tiện truyền thông về tiết kiệm điện. Tôi điều chỉnh lại cách sử dụng thiết bị điện và lồng ghép thói quen qua những câu chuyện với con trai ngay từ thơ bé.

'Sao nối ngôi' thi đua tiết kiệm điện- Ảnh 1.

Tủ lạnh luôn được tôi vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng vào cuối tuần

'Sao nối ngôi' thi đua tiết kiệm điện- Ảnh 2.

Con trai tôi rất thích thú với các hoạt động trải nghiệm ngoài trời

'Sao nối ngôi' thi đua tiết kiệm điện- Ảnh 3.

Buổi dã ngoại của cả nhà tại công viên vào cuối tuần

TGCC

Cứ hai ngày một lần tôi gom quần áo của cả nhà lại và bấm chế độ tiết kiệm điện khi giặt. Khi nấu nước bằng ấm siêu tốc, tôi luôn rót đến vạch tối đa và đun sôi, sau đó sẽ rót phần còn dư vào phích nước để tiếp tục sử dụng. Đối với cửa cuốn, tôi thống nhất đến 10 giờ tối mới kéo cửa xuống thay, vì mỗi lần ra vào.

Trước giờ con ngủ, tôi kiểm tra các cửa đã đóng kín rồi mới bật máy lạnh. Ban đầu, tôi sẽ bật 27 độ C, chờ con say giấc tôi mới điều chỉnh lên 29 độ C. Và đến khi gần sáng, tôi sẽ tắt hẳn máy lạnh đi. Căn phòng nhỏ vẫn còn vương lại hơi mát trước đó nên con vẫn ngủ ngon lành.

Khi chuẩn bị mở cửa tủ lạnh, tôi sẽ liệt kê trong đầu những nguyên liệu cần lấy. Cứ như vậy, một lần mở ra, tôi sẽ lấy đủ thứ mình cần cho mỗi bữa ăn. Tôi mua vừa đủ nguyên liệu để không chứa nhiều đồ trong tủ lạnh cũng như thường xuyên dọn vệ sinh tủ.

Những lần mua sắm quần áo, tôi chủ động lựa loại vải không nhăn để giảm bớt việc ủi đồ. Đối với quần tây, áo sơ mi, trước khi phơi tôi sẽ dũi thẳng để giảm các nếp gấp, cũng như rút ngắn thời gian dùng bàn ủi.

Lồng ghép việc tiết kiệm điện vào các tiết học và gia đình

Vào cuối tuần, tôi thường đưa con ra công viên gần nhà chơi. Tôi tự tay chuẩn bị một số món ăn tiện lợi như một buổi dã ngoại. Như vậy vừa tăng gắn kết tình cảm gia đình và hạn chế sử dụng điện. Thời gian buổi tối về nhà, tôi sẽ mở hết tất cả cửa chính và cửa sổ để có thể đón được gió tự nhiên. Khi đọc sách, làm việc trên máy tính những buổi tối thì chỉ cần bật điện bàn thay cho bóng lớn.

Hình ảnh anh nhân viên điện lực đu trên hàng dây điện cao tít hay vất vả lúi húi trong tủ điện những ngày dòng điện bị quá tải khiến tôi càng kiên quyết thực hiện tiết kiệm điện hơn.Tôi suy nghĩ thực hành, không chỉ trong nhà mà sẽ hiệu quả hơn nữa khi giữ thói quen ấy ở mọi nơi.

Tôi nhớ có lần hai mẹ con đi ăn tại một quán nhỏ. Cô chủ quán đưa tay định bật quạt nhưng tôi bảo không cần, vì đã đủ mát rồi. Cô ấy đáp lại bằng lời cảm ơn, vì đã giúp cô tiết kiệm phần nào chi phí.

'Sao nối ngôi' thi đua tiết kiệm điện- Ảnh 4.

Hoạt động vui chơi ngoài trời cho học sinh được tôi tổ chức vào các giờ dạy ở trường

'Sao nối ngôi' thi đua tiết kiệm điện- Ảnh 5.

Các con được hòa mình cùng thiên nhiên, cảm nhận môi trường xung quanh một cách hiệu quả nhất

TGCC

Là giáo viên mầm non, tôi ưu tiên tổ chức hoạt động ngoài trời buổi sáng cho các con ở những nơi có nhiều cây xanh, bóng mát. Vừa giảm được việc sử dụng thiết bị điện trong phòng học mà hơn tất cả, con được hòa mình cùng thiên nhiên, cảm nhận môi trường xung quanh một cách hiệu quả nhất. 

Tôi cũng lồng ghép việc tiết kiệm điện vào những giờ học của mình đến học trò từ những điều nhỏ nhất như mở nước vừa đủ, sử dụng ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ. Học theo tôi, con trai cũng đã biết chủ động tắt đèn, quạt và rất phấn khởi mỗi lần khoe mẹ. 

Cậu bé thích thú khi phát hiện ra khi bật quạt ở mức nhỏ sẽ tiết kiệm điện hơn mức lớn và cả việc tắt điện hoàn toàn vào giờ ngủ. Tôi xoa đầu con và khen thật nhiều để khích lệ cậu bé cùng tiết kiệm điện từ nhà ra ngõ, giống như mẹ tôi vẫn thường xoa đầu tôi khi còn nhỏ.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.

Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.