Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 4: “Cô gái vàng” vuột suất chung cư

31/01/2013 03:00 GMT+7

Được xét cho mua căn hộ giá ưu đãi ở chung cư nhưng do quy định phải nộp tiền một lần trong khi ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt nên “cô gái vàng” Phạm Đình Khánh Đoan, gần 12 năm sau khi sở hữu 3 HCV SEA Games, vẫn phải tiếp tục ở nhà thuê.

Được xét cho mua căn hộ giá ưu đãi ở chung cư nhưng do quy định phải nộp tiền một lần trong khi ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt nên “cô gái vàng” Phạm Đình Khánh Đoan, gần 12 năm sau khi sở hữu 3 HCV SEA Games, vẫn phải tiếp tục ở nhà thuê.

Tiếc... một cái ngước nhìn

VĐV Ester Sumar của Indonesia đoạt HCV 3 kỳ SEA Games 17, 18, 19 ở cự ly chạy 800 m, nhưng đến SEA Games 20 năm 1999 tại Brunei thì phải nhường ngôi cho cú bứt phá mạnh mẽ của cô gái chỉ mới 17 tuổi đến từ Khánh Hòa. Hai năm sau, tại SEA Games 21 ở Malaysia và cũng ở đường chạy 800 m, Sumah lại vẫn bị xếp thứ hai sau Khánh Đoan. Ở SEA Games 21, Khánh Đoan còn về đích đầu tiên ở cự ly 1.500 m, bỏ xa người về nhì là Supriati Sutono (một VĐV khác của Indonesia) đến gần 10 m. 

Cả ba lần chiến thắng ấy đều như cùng một kịch bản với “tiếng hô ở 100 m cuối” từ chiến thuật hợp lý của HLV đội tuyển điền kinh quốc gia Trần Thị Thảo. Khánh Đoan cho rằng, cô Thảo không chỉ có phương pháp huấn luyện rất tốt mà còn biết cách tạo tâm lý cho VĐV trước giờ thi đấu. Cô Thảo không đặt nặng thành tích mà luôn khuyên VĐV “cứ thi đấu như khi tập luyện ở nhà”. Trong các lần thi đấu quốc tế, cô Thảo thường đứng ở khoảng 100 m cuối và dặn: “Khi nào nghe cô hô tên thì tăng tốc liền”. Nghe lời cô, nên khi bên tai vang lên tiếng “Đoan” là “nữ hoàng điền kinh” tung cú nước rút dũng mãnh để lao về đích.


Huấn luyện học trò  trên bãi cát cạnh thắng cảnh Hòn Chồng - Ảnh: Nhựt Quang
 

Sân vận động Bukit Jalil của Khu liên hợp thể thao quốc gia Malaysia có một màn hình lớn đặt ngay tầm nhìn của VĐV khi về đích. Chính màn hình này đã làm cho Khánh Đoan đến giờ vẫn còn tiếc một điều trong lần tranh tài cự ly 1.500 m năm 2001. Cô kể lại: “Sau khi tăng tốc vượt qua Sutono, ngước nhìn trên màn hình tôi thấy đối thủ còn cách xa mình và sau đó giành HCV với thời gian 4’21”67, chỉ thua 2/100 giây để bằng kỷ lục SEA Games. Nếu không có cái ngước nhìn chớp mắt ấy thì biết đâu đã phá kỷ lục rồi!”.

Đi tìm “Khánh Đoan mới”

Ở SEA Games 2003 tổ chức trên sân nhà, Khánh Đoan đoạt tiếp 2 HCB cự ly 800 m và 1.500 m. Một năm sau, cô nghỉ thi đấu để sinh con gái đầu lòng Tường Vy và bắt đầu theo học Đại học TDTT tại chức. Vy hiện đang học lớp 2, em trai Nguyên Vũ mới 5 tuổi học mẫu giáo, bố Quang Huy là kỹ sư tin học hay đi công tác xa nên một mình mẹ Đoan phải trực tiếp chăm sóc hai con. Được ngành thể thao Khánh Hòa nhận vào làm hợp đồng huấn luyện từ năm 2005, mỗi ngày Đoan rời căn nhà đang thuê ở khóm Quốc Tuấn (TP.Nha Trang) rất sớm để bước vào tập luyện cho các VĐV từ 4 giờ 30 sáng, phải nhờ đến mẹ của mình từ Cam Ranh ra phụ giúp. Chỉ sau 18 giờ mỗi ngày, Đoan mới được gần gũi con để dạy dỗ bảo ban chúng.

Thật ra, nhờ được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, năm 2007, Khánh Đoan và võ sĩ Diệp Bảo Minh (HCV wushu thế giới) là 2 VĐV của tỉnh được xét cấp cho mua giá ưu đãi chung cư Hưng Phú đợt đầu tiên với giá 382 triệu đồng (chưa kể thuế). Thế nhưng, do quy định phải nộp tiền một lần nên Đoan phải vay tiền ngân hàng mà cũng không đủ để nộp đúng hạn. Vậy là phải “bán non”, cuối cùng là vẫn không có nhà riêng để ở mà khi tổng kết thì còn... lỗ hơn 20 triệu đồng!    

Sau 4 năm nhận huấn luyện hợp đồng cho các VĐV có hiệu quả và nhận bằng tốt nghiệp đại học năm 2008, Khánh Đoan được vào biên chế chính thức ở tổ huấn luyện cự ly trung bình - dài của Trung tâm huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh trong năm 2009, được kết nạp Đảng năm 2011, rồi đầu năm 2013 nhận phụ trách nhóm cự ly trung bình. Điểm một số mốc như thế để thấy được bước “vượt khó” của cô gái vàng điền kinh đang khả quan dần, và đều có nguyên nhân tích cực từ bản thân mà các VĐV khác cũng nên tham khảo.

Tinh thần ham học của Khánh Đoan cho thấy cô rất có ý chí. Là một học sinh giỏi của Trường THCS Cam Hiệp (Cam Ranh) trước khi được rút về tập trung tại Trung tâm huấn luyện kỹ thuật thể thao Khánh Hòa, Khánh Đoan luôn suy nghĩ đến việc nâng cao trình độ để có bước đi vững vàng cho tương lai. Ngay trong những giai đoạn tập trung đội tuyển quốc gia ở Nhổn, bên cạnh việc hoàn thành giáo án tập luyện của các HLV, Đoan vẫn sắp xếp thời gian để lo việc học. Năm 2000, khi chuyển học lớp 10 THPT Chu Văn An (Nha Trang) ra Nhổn, mỗi tuần 5 buổi tối Đoan đi xe đạp 12 km về Hà Nội học tiếp lớp 11 bổ túc tại Trường Văn hóa - Thể thao, để năm 2002 lấy bằng tốt nghiệp trung học, làm cơ sở cho việc đi học ĐH tại chức năm 2004. Ở đợt tập huấn tại Nhổn năm 2002, lúc này đã có xe máy nhờ tiền thưởng HCV SEA Games, hằng đêm Đoan lại đi về hướng Hà Nội khoảng 8 - 9 km để học vi tính và tiếng Anh.     

Hằng ngày, Phạm Đình Khánh Đoan vẫn truyền đạt một cách nhiệt tình cho các học trò bằng tất cả kinh nghiệm thi đấu của mình. Hy vọng không lâu điền kinh Việt Nam sẽ sớm có những “Khánh Đoan mới” trên đường chạy quốc tế.  

Phạm Đình Khánh Đoan sinh năm 1982 tại Khánh Hòa. HCV chạy 800 m và HCB chạy 1.500 m tại SEA Games 20, 21, HCB 2 nội dung này tại SEA Games 22, Huân chương Lao động hạng ba năm 2001. Đã lập gia đình năm 2004, có hai con: Trần Cát Tường Vy (sinh 2005) và Trần Quang Nguyên Vũ (sinh 2007).

Nhựt Quang

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 1: Lý Đức “teo” 16 kg
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 2: Cú mạo hiểm của cựu nữ hoàng tốc độ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.