Ê-kíp thiếu chuyên nghiệp
Đầu năm 2017, khi ra mắt MV Anh thì không, Mỹ Tâm bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tố cáo vi phạm bản quyền. Khi hát lại ca khúc và thực hiện MV, "Họa mi tóc nâu" không xin phép vị nhạc sĩ đã viết lời Việt cho ca khúc này, cũng không chú thích đầy đủ thông tin về sản phẩm mà chỉ ghi nhạc Pháp, lời Việt. Điều này đã khiến nhạc sĩ bức xúc, yêu cầu Mỹ Tâm phải ngừng diễn ca khúc này trên các sân khấu ca nhạc và gỡ bỏ MV tại các trang nhạc trực tuyến.
Sau khi tìm hiểu thông tin, đại diện Mỹ Tâm đã chính thức gỡ bỏ MV khỏi YouTube và gửi lời xin lỗi trên trang cá nhân. “Do chưa tìm hiểu kỹ nên chưa xác minh được tác giả viết lời Việt cho ca khúc Anh thì không nên tạm thời MTE sẽ khóa bài hát này trên YouTube để tôn trọng bản quyền các bạn nhé”, đại diện Mỹ Tâm lên tiếng. Sau khi tự gỡ bỏ MV, nữ ca sĩ nhờ nhạc sĩ Châu Đăng Khoa viết lời và đăng tải lại với tên mới Em thì không.
Noo Phước Thịnh gặp trường hợp tương tự Mỹ Tâm khi bị YouTube gỡ bỏ MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi vì vấn đề bản quyền. Ở thời điểm bị “khai tử”, sản phẩm âm nhạc này cán mốc 30 triệu view và vẫn chưa có dấu hiệu ''hạ nhiệt''. Nguyên nhân khiến MV bị gỡ vì đoạn nhạc bắt đầu từ cảnh Noo bị tai nạn xe hơi được cho là sử dụng ca khúc The way của nhạc sĩ Zack Hemsey được mua độc quyền của công ty Epic Elite.
|
Ngay khi ra mắt, MV Tình yêu ở lại của quán quân Sao Mai 2017 Thu Thủy nhận nhiều phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Cụ thể, người hâm mộ nhóm nhạc nữ A Pink (Hàn Quốc) tung bằng chứng tố nữ ca sĩ đạo nhái MV The Spring của Jung Eun Ji (thành viên nhóm nhạc A Pink). Khán giả cho rằng cả hai MV có sự tương đồng về kịch bản cho đến cảnh quay. Xét về mặt thời gian, MV The spring được ra mắt từ tháng 4.2017 trong khi Tình yêu ở lại đăng tải trên YouTube của Thu Thủy vào tháng 12.2017.
Ngay sau đó, sản phẩm âm nhạc của quán quân Sao Mai 2017 bị YouTube kiểm duyệt, gỡ bỏ chỉ sau một ngày ra mắt. Đạo diễn Vũ Trương, người sản xuất MV Tình yêu ở lại đã phủ nhận việc đạo nhái, đồng thời cho biết bản thân chưa từng xem qua MV The Spring của Jung Eun Ji.
|
Cuối năm 2017, thông tin MV Sống xa anh chẳng dễ dàng của nữ ca sĩ Bảo Anh có nguy cơ xóa khỏi YouTube dù đạt 40 triệu lượt view khiến cộng đồng mạng hoang mang. Cụ thể, để sản phẩm mang đậm dấu ấn cổ trang, nữ ca sĩ đã thêm đoạn nhạc từ hai bản hòa âm của nhà soạn nhạc phim Ivan Torrent vào MV mà không mua tác quyền.
Ngay sau đó, đại diện của Ivan Torrent gửi thư điện tử thông báo số tiền phạt và tiền mua bản quyền lên đến 270 triệu đồng. Ê-kíp nữ ca sĩ The voice 2012 đã phải thương lượng, đi đến thống nhất bỏ ra 100 triệu đồng mua tác quyền, nhằm bảo vệ đứa con tinh thần trước nguy cơ “xóa sổ”. Đồng thời, giọng ca Yêu một người vô tâm đã gửi thư xin lỗi đến tác giả và nhận sai vì sơ sót đã không kiểm tra kỹ từ đầu.
|
Mới nhất, Châu Khải Phong cũng gặp phải trường hợp tương tự khi phải gỡ bỏ phim ngắn Ngắm hoa lệ rơi vì lý do bản quyền. Khi ca khúc bất ngờ hot trở lại sau một năm ra mắt, Châu Khải Phong chi số tiền lên đến nửa tỉ đồng để đầu tư thực hiện phim ngắn dành tặng người hâm mộ. Chỉ sau một ngày ra mắt, MV đạt mốc 1 triệu lượt xem và lọt top trending trên YouTube. Ngay sau đó, Châu Khải Phong phải tạm tháo phim ngắn Ngắm hoa lệ rơi khỏi YouTube vào trưa 27.4 vì một vài đoạn nhạc nền chưa xin phép.
Phía ca sĩ gốc Nghệ An cho biết sau khi tung phim ngắn, anh và ê-kíp bất ngờ khi có bên thứ ba tố vi phạm bản quyền phần nhạc lồng ghép vào phim. Số tiền bên này yêu cầu lên đến 50.000 USD. Vì không thỏa thuận được mức chi phí mua bản quyền, phía Châu Khải Phong quyết định tạm tháo phim ngắn để chỉnh sửa và đăng tải trở lại trong vòng 24 giờ.
|
Mất bò mới lo làm chuồng
Câu chuyện bản quyền trên YouTube không phải là điều mới mẻ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, vấn đề đăng ký và bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc còn nhiều lỗ hổng. Đó cũng chính là lý do các sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt liên tiếp bị YouTube cảnh báo hoặc gỡ bỏ trong thời gian qua.
Thực tế cho thấy vấn đề bản quyền ở Việt Nam còn bị xem nhẹ. Nhiều sản phẩm khi ra mắt đã dính nghi án đạo nhái, thậm chí, người hâm mộ và nghệ sĩ quốc tế phải lên tiếng tố cáo đã đặt ra câu hỏi lớn về thói quen “xài chùa” và sự thiếu kiến thức, hiểu biết về luật khi sử dụng các đoạn nhạc của người khác vào sản phẩm âm nhạc của mình.
Đáng nói nhất chính là quan niệm “mất bò mới lo làm chuồng”. Hầu hết các nghệ sĩ khi thực hiện MV chưa tìm hiểu kỹ về vấn đề bản quyền, thậm chí có nhiều người biết nhưng vẫn cố tình vi phạm vì nghĩ rằng vài giây không quá quan trọng. Đến khi hậu quả xảy ra, các ê-kíp mới ngỡ ngàng và chấp nhận thiệt hại không hề nhỏ cho việc vi phạm bản quyền. Chẳng hạn nếu nghệ sĩ thương lượng được mức phạt từ bên tố cáo sẽ bảo vệ được đứa con tinh thần của mình. Trong trường hợp hai bên bất đồng ý kiến trong quá trình thương lượng dẫn đến các trường hợp hoặc người nghệ sĩ phải chấp nhận gỡ bỏ những sản phẩm âm nhạc “triệu view” của mình khỏi YouTube hoặc chỉnh sửa và xin lỗi. Tuy nhiên, dù ở trường hợp nào thì số tiền bỏ ra để bảo vệ sản phẩm của mình không hề nhỏ, như câu chuyện Bảo Anh phải bồi thường 100 triệu đồng để “hồi sinh” Sống xa anh chẳng dễ dàng.
Tóm lại, để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, người nghệ sĩ cần "thắt chặt" ê-kíp, nói không với đạo nhái trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Cần sáng suốt nhìn nhận vấn đề để không còn phải hối tiếc hay cuống cuồng tìm cách “xây chuồng” dù “bò đã mất”.
Bình luận (0)