Bà Huỳnh Kim Ngà (127/133bis Điện Biên Phủ, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) bán báo ở đầu hẻm 127 Điện Biên Phủ hơn 16 năm qua. Không chỉ là một sạp báo, bà Ngà còn kiêm luôn việc giữ gìn trật tự an ninh cho con hẻm vì người lạ ra vào hẻm là bà biết liền. Trong quá trình lập lại trật tự vỉa hè, UBND P.Đa Kao yêu cầu bà Ngà không được tiếp tục bán báo nữa khiến bà chới với. Sau khi chính quyền yêu cầu ngưng bán báo, bà Ngà đã làm đơn xin cứu xét gửi cơ quan chức năng cũng như xin phép các hộ trong hẻm được tiếp tục.
|
Tương tự, bà Nguyễn Thị Huệ (57 tuổi) có sạp báo vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, nhưng hơn 2 tuần nay, bà đưa sát vào bức tường của trường mầm non gần đó và thiết kế thành giá treo báo. “Để sạp báo bên trong bán chậm hơn vì bất tiện cho khách, bình thường họ tấp vô mua là đi liền, giờ họ ngại vào trong nên tôi phải ngồi phía ngoài để khách thấy mặt”, bà Huệ nói. Nghĩ về hai đứa con gái sắp vô đại học một tay mình nuôi nấng, chị Huệ lo lắng: “Không cho bán báo lẻ vỉa hè nữa chắc cuộc sống của tôi bế tắc, giờ có tuổi, chân tay đau nhức, biết làm nghề gì”…
Trong hoàn cảnh của bà Huỳnh Kim Ngà, nhiều hàng xóm của bà Ngà rất thông cảm và mong chính quyền địa phương có cách giúp bà tiếp tục được bán báo. Bà Phạm Thị Minh Lý, nhà 127/47 Điện Biên Phủ, xác nhận: “Việc bán báo của bà Ngà không ảnh hưởng xấu gì cho người dân trong hẻm, ngược lại bà Ngà còn giữ gìn trật tự an ninh, rất có trách nhiệm với công việc này nên mong chính quyền xem xét”.
|
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Phó chủ tịch UBND P.Đa Kao, cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận đơn cứu xét của bà Ngà cũng như nhiều hộ buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn phường. Tuy nhiên, việc giữ gìn trật tự lòng lề đường là việc chung, ai cũng phải tuân thủ. Trước mắt, chúng tôi phải dẹp vỉa hè thông thoáng. Sau đó, tùy trường hợp, hoàn cảnh sẽ xem xét bố trí điểm buôn bán phù hợp”.
Ý kiến:
Sẽ bố trí những khu vực hợp lý ở vỉa hè để bán sách, báo
Việc tái lập trật tự lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM góp phần giảm tai nạn giao thông, giữ văn minh trật tự đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc này, TP, quận huyện sẽ phải tính toán để góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân mưu sinh. Trước mắt Q.1 đã có kế hoạch, đề án tổ chức lại cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người dân bán hàng rong tập trung một số điểm, các ngành nghề như bán báo, bán sách, bán hoa, đồ ăn... để người dân có cuộc sống tốt hơn. Các quận huyện khác cũng nghiên cứu, tính toán để có những mô hình như Q.1.
Ở nước ngoài cũng có một số điểm cà phê vỉa hè, bán sách báo rất lịch sự cho khách du lịch, song song đó cũng có vỉa hè cho người đi bộ rất thông thoáng. TP sẽ chỉ đạo các quận bố trí những khu vực hợp lý ở vỉa hè bán sách, báo... nhưng không lấn chiếm hết toàn bộ và đúng quy định của pháp luật. Tại những điểm như thế này, cơ quan chức năng sẽ quản lý, giám sát chặt chẽ để một mặt tạo điều kiện cho người dân nghèo có công ăn việc làm ổn định, một phần vẫn giữ gìn phát triển nét văn hóa, văn minh trật tự đô thị của TP.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Nên xem xét quy hoạch các ki ốt, quầy báo trên vỉa hè
Thời gian qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến chiến dịch sắp xếp vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội và TP.HCM. Bản thân tôi và đông đảo giới báo chí hoàn toàn ủng hộ chủ trương trên. Với cách làm khá đồng bộ, huy động chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng vào cuộc một cách quyết liệt, chúng tôi tin tưởng chiến dịch này sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến một bộ phận khá lớn người dân lâu nay sinh sống, làm kinh tế nhỏ, buôn bán bám vỉa hè. Về mặt văn hóa và thông tin, chúng ta thấy các quầy bán báo đã tồn tại ở các góc phố của nhiều đô thị như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... từ mấy chục năm nay, đáp ứng nhu cầu đọc báo của người dân.
Tôi đã đi nhiều nước và thấy rằng, tại các thủ đô, các đô thị lớn của họ, trên vỉa hè vẫn có những ki ốt, quầy báo, tạp chí, ấn phẩm quảng bá, hướng dẫn du lịch, mang lại nét đẹp văn hóa cho đô thị. Báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, giá trị của nó phụ thuộc vào tính thời sự theo từng ngày, từng giờ nên việc phát hành nó không giống như các loại hàng hóa khác thường được bán trong cửa hiệu, cửa hàng. Theo tôi, tại VN, các TP lớn nên xem xét, nghiên cứu quy hoạch hệ thống các ki ốt, quầy báo một cách khoa học, ở những vị trí phù hợp nhất, không cản trở người đi bộ. Không chỉ nâng cao vẻ đẹp văn hóa, văn minh đô thị, làm cho đường phố sống động hơn, các quầy báo còn góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân và tạo cơ hội để các cơ quan báo chí tăng lượng phát hành, nhất là trong điều kiện báo chí hiện nay đang gặp khó khăn.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN
Giữ nét văn hóa đọc báo của thị dân
Nét văn hóa đọc báo của người VN nói chung và Sài Gòn nói riêng có từ lâu, không biết xuất phát từ đâu đã có cụm từ “Văn Bắc, báo Nam”, ngụ ý nói tình yêu của người Sài Gòn đối với thói quen đọc báo, thói quen mua báo buổi sáng.
Nói lên điều này có nghĩa là khi sắp xếp lại vấn đề lòng lề đường, vỉa hè theo đúng chủ trương thì cũng cần quan tâm đến các lĩnh vực khác. Duy trì sạp báo vỉa hè là duy trì công tác tuyên truyền, đưa thông tin kịp thời đến người dân, là nét đặc trưng của vỉa hè, tô đẹp cho Sài Gòn, để khách du lịch cũng thấy được nét văn hóa, độc đáo đó. Cụ thể, sau khi giải tỏa lòng lề đường thì có thể giữ lại các sạp báo bằng cách bố trí vị trí thuận lợi, không ảnh hưởng đến giao thông và người đi bộ bởi vị trí sạp báo không chiếm diện tích quá lớn, chỉ là một góc nhỏ, thuận lợi cho người dân mua báo vào mỗi buổi sáng trong vài tiếng đồng hồ.
Ông Đào Kim Phú, Phó chánh văn phòng kiêm Trưởng đại diện Hội Nhà báo VN ở phía nam
Có thể thu phí
Tài nguyên vỉa hè là tài nguyên công, phải được sử dụng hiệu quả. Việc đầu tiên sau khi lấy lại vỉa hè là trả lại cho vỉa hè chức năng quan trọng nhất - phục vụ người đi bộ - sau đó, phần diện tích còn lại sẽ được tính toán sử dụng cho các mục đích khác. Các TP như Hà Nội, TP.HCM nên xác định những đối tượng bán hàng rong, các sạp hàng bán báo, văn hóa phẩm..., nắm số lượng cụ thể sau đó sắp xếp phù hợp ở những vị trí, phần diện tích vỉa hè còn lại không ảnh hưởng đến người đi bộ.
Với đối tượng người nghèo thu nhập thấp có thể miễn phí, với đối tượng kinh doanh có thu nhập có thể thu phí sử dụng vỉa hè, quan điểm anh sử dụng tài nguyên công thì anh phải trả phí. Chính quyền địa phương có thể tổ chức cho từng tuyến phố, từng khu vực tập trung bán hàng rong, chợ đêm, kinh doanh sách, văn hóa, sạp báo... nhưng phải được tổ chức, quản lý rõ ràng, kể cả có thể duy trì các quán cà phê vỉa hè nhưng không được lấn phần vạch dành cho người đi bộ trên vỉa hè.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia
Quy hoạch sạp báo vỉa hè xưa ở Hà Nội
Ngày 24.11.1929 đốc lý Pierre Abel Delsalle đã ra nghị định cho phép các sạp báo được bán ở vỉa hè với điều kiện “phải nép vào sát tường nhà mặt tiền và việc bán báo không ảnh hưởng đến người đi lại”. Nghị định không đánh thuế đối với các sạp báo này, đây là sự ưu ái rất lớn bởi chính phủ thuộc địa thu thuế từ những thứ nhỏ nhất.
Các sạp báo vỉa hè và ki ốt quanh hồ Gươm tồn tại đến năm 1954 thì chấm dứt vì chính quyền mới không cho phép tư nhân được xuất bản báo.
Sang thập niên 1980, các sạp báo vỉa hè xuất hiện trở lại, dần dần thành tụ điểm như trước cửa số 5 phố Lý Thường Kiệt, phố Hàng Trống. Cho đến hôm nay các sạp báo vỉa hè ở phố Hàng Trống vẫn là nơi đông đúc, buổi sáng rất nhiều người thích đọc báo giấy vẫn ngồi trên xe chìa tiền cầm tờ báo rồi đi làm.
Vẫn biết trong chiến dịch trả vỉa hè cho người đi bộ, mọi hàng quán lấn chiếm đều phải chấp hành, tuy nhiên các sạp bán báo, văn hóa phẩm dù là hàng hóa nhưng nó là hàng hóa đặc biệt nên chăng có cơ chế đặc thù nào đó?
Nguyễn Ngọc Tiến, Nhà nghiên cứu văn hóa
Thu Hằng - Ngọc Lê - Phan Thương - Mai Hà (ghi)
|
Bình luận (0)