Sập cầu Ghềnh: Những phụ nữ lao đao ở ga Sài Gòn

05/04/2016 12:06 GMT+7

Nhiều nữ tiểu thương kinh doanh tại ga Sài Gòn, cũng như phố Nguyễn Thông, Nguyễn Phúc Nguyên đang rơi vào cảnh lao đao do ế ẩm vì ga vắng khách.

Nhiều nữ tiểu thương kinh doanh tại ga Sài Gòn, cũng như phố Nguyễn Thông, Nguyễn Phúc Nguyên đang rơi vào cảnh lao đao do ế ẩm vì ga vắng khách.

Bà Lan - chủ cửa hàng M Store chia sẻ việc kinh doanh khó khănBà Lan - chủ cửa hàng M Store chia sẻ việc kinh doanh khó khăn
Ghi nhận của Thanh Niên, những ngày qua tại ga Sài Gòn, khách đi tàu vào bến khởi hành rất ít. Vào những giờ cao điểm lên tàu cũng chỉ khoảng hơn 20 người. Khách đến ga cũng chỉ ngồi tại phòng chờ và không có nhu cầu mua sắm, đợi đến giờ lên tàu khởi hành.
Dù không bán được hàng nhưng nhiều tiểu thương tại đây hàng ngày vẫn mở cửa đều đặn. Khách hàng thân thiết những ngày này cũng chỉ là những nhân viên đang làm việc tại ga Sài Gòn.
Khách giảm nghiêm trọng
Tiểu thương Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, chủ quầy kinh doanh giải khát Cantin, trong nhà chờ ga) cho biết, hàng hóa tại quầy chủ yếu là các nhu yếu phẩm hằng ngày như nước ngọt, bia, bánh kẹo… phục vụ khách đi tàu. Khoảng thời gian trước khi cầu Ghềnh sập, quán bán rất đắt khách nên mỗi ngày thu nhập cũng hơn 1 triệu đồng.
Những gian hàng kinh doanh trong nhà chờ ga Sài Gòn vắng hoe khách đã hơn 10 ngày nay
Còn những ngày trở lại đây, khách không còn như xưa, buôn bán giảm nghiêm trọng. Như cả ngày hôm nay chỉ có vài lượt khách ra vào lẻ tẻ, mua vài chai nước ngọt rồi đi nên thu nhập chỉ hơn 200 ngàn đồng. Tình trạng này đã diễn ra hơn 10 ngày nay rồi, nếu cứ tiếp tục đến vài tháng tới thì không biết phải làm sao, trong khi mặt bằng kinh doanh hiện đã 15 triệu đồng một tháng.
“Thời điểm trước khi xảy ra sự cố đường sắt, quán có thuê ba nhân viên làm việc. Nhưng sau sự cố, quán vắng khách quá nên một em nhân viên đã xin nghỉ về quê lo vụ mùa với gia đình. Quán hiện còn hai nhân viên làm, lương mỗi tháng cũng 4 triệu. Cộng tất cả các khoản chi phí lại, mỗi tháng phải chi ra trên 22 triệu đồng. Mong sao cho cầu sớm được khắc phục để tiểu thương có khách, yên ổn làm ăn, chứ kéo dài như thế này thì chỉ còn cách sang quán”, bà Hoa mắt đỏ hoe nói.
Những quán nước trong sân ga, bàn ghế được sắp xếp tươm tất nhưng không có khách để phục vụ
Còn bà Lan (58 tuổi, tiểu thương kinh doanh tại cửa hàng M Store) ngay tại sảnh ga cho biết: “Chưa bao giờ kinh doanh tại ga mà khó khăn như thời gian này, ngồi từ sáng đến tối mong có một người khách ghé vào cũng không có. Ga vắng vẻ như vậy thì đành chịu chứ phải làm sao. Ai kinh doanh tại đây cũng như mình cả, mong sao cầu sớm khôi phục để còn tiếp tục làm ăn chứ tình trạng này mà kéo dài 5 tháng thở lên thì tiểu thương chỉ còn cách đóng tiệm”.
Ga vắng vẻ như vậy thì đành chịu chứ phải làm sao. Ai kinh doanh tại đây cũng như mình cả, mong sao cầu sớm khôi phục để còn tiếp tục làm ăn chứ tình trạng này mà kéo dài 5 tháng thở lên thì tiểu thương chỉ còn cách đóng tiệm”.
Bà Lan, cửa hàng MStore
Bà Lan kể, chồng mất sớm, bà sống vậy làm ăn lo cho con cái. Đến nay con cũng đã lớn nhưng chưa đứa nào có gia đình. Công việc thì bấp bênh. Cả gia đình đều trông chờ vào cửa hiệu kinh doanh này. Nhưng tiền mặt bằng cao cộng tiền chi trả hai nhân viên bán tại quầy mỗi tháng đã hơn 30 triệu đồng, nếu thời gian tới không bán được hàng thì không biết lấy gì trả cho ga.
“Thời buổi kinh tế khó khăn nên buôn bán cái gì cũng không thuận lợi, chủ yếu bỏ công làm lời nhưng cũng đủ chi tiêu cuộc sống hằng ngày. Buôn bán tại ga đã hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ khó khăn như giai đoạn này”, bà Lan lo lắng.
Trong khi đó, cửa hàng Circle K, nằm cạnh cổng ra vào nhà chờ ga, tranh thủ thời gian vắng khách sửa chữa lại khang trang để tiếp tục kinh doanh.
Chị Nguyễn Mộng Thùy Hương (22 tuổi, quê H.Châu Thành, Long An), nhân viên tại cửa hàng cho biết: “Khi sự cố đường tàu xảy ra, quán buôn bán giảm hơn 2/3 so với trước. Có ngày chẳng có lượt khách nào khiến ai cũng lo lắng. Nhân tiện, cửa hàng lâu chưa sửa nên giờ sửa luôn”.
Cửa hàng Circle K tranh thủ lúc vắng khách sửa sang lại quán
Không thể cầm cự nổi
Không chỉ nhiều gian hàng kinh doanh trong khu vực nhà chờ ga ế ẩm, mà nhiều quầy bán nước trong sân ga vắng cũng chẳng kém. Theo ghi nhận, các quán tại đây dù không có khách nhưng bàn ghế vẫn được bày ra đầy đủ. Nhân viên bán hàng cũng chỉ ngồi bấm điện thoại vì không có việc gì làm. Vào những giờ cao điểm khách tập trung về ga đi tàu, nhưng cũng chỉ có vài khách ghé vào quán uống nước.

Dạo trước mỗi ngày bán cũng được hơn trăm đĩa cơm, nhưng bữa nay bán hơn mười đĩa cơm cũng khó. Sắp đến kỳ đóng tiền mặt bằng rồi mà kinh doanh chẳng được bao nhiêu, nếu tình hình này kéo dài mà chủ nhà không giảm tiền cho thuê thì chắc không cầm cự nổi.

Chị Hà cho biết

Nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán thức ăn, cà phê, nước… trên đường Nguyễn Thông, Nguyễn Phúc Nguyên, Trần Văn Đang (P.9, Q.3) lượng khách vào bến cũng giảm nghiêm trọng, nhiều người tại đây đang lao đao vì không có khách. Chị Hà, một người dân bán thức ăn trên đường Nguyễn Phúc Nguyên cho biết, quán ở đây bán cho khách đi tàu giá bình dân.
“Dạo trước mỗi ngày bán cũng được hơn trăm đĩa cơm, nhưng bữa nay bán hơn mười đĩa cơm cũng khó. Sắp đến kỳ đóng tiền mặt bằng rồi mà kinh doanh chẳng được bao nhiêu, nếu tình hình này kéo dài mà chủ nhà không giảm tiền cho thuê thì chắc không cầm cự nổi”, chị Hà nói.
Cầu Ghềnh sập, đường sắt Bắc Nam phải chọn ga Biên Hòa làm điểm dừng chân cuối cùng và hầu hết những người có cuộc sống gắn bó với ga Sài Gòn đều bị ảnh hưởng, rơi vào khốn khó.
Tiếp xúc với chúng tôi, những tiểu thương, ai cũng tỏ ra hoang mang, lo lắng những ngày kinh doanh sắp tới. Họ chỉ mong mọi việc được cơ quan chức năng giải quyết sớm để không chỉ hành khách thuận lợi việc đi lại mà họ tiếp tục được phục vụ khách như xưa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.