Sắp ‘chốt’ đặt cược bóng đá: Ai được chơi, chơi giải đấu nào?

05/09/2021 10:55 GMT+7

Tin vui đối với các fan hâm mộ môn túc cầu khi Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo về cá cược bóng đá , đang chờ Hội đồng thẩm định thông qua để trình Thủ tướng xem xét ban hành.

Hơn 30 giải hấp dẫn trên toàn cầu

Cụ thể, theo nguồn tin của Thanh Niên, sau nhiều vòng xin ý kiến rộng rãi, mới đây Bộ Tài chính đã “khoá sổ” và hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24.1.2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Hiện dự thảo đã gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp, Hội đồng thẩm định (bao gồm các thành viên thuộc một số bộ, ngành). “Ngay sau khi được Hội đồng thẩm định cho ý kiến, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ xem xét thông qua ngay”, lãnh đạo một vụ chức năng của Bộ Tài chính cho biết vào ngày 5.9.
Dự thảo lần này có một số điểm mới theo hướng mở rộng danh mục, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho người chơi và doanh nghiệp. Trước đó, theo quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP, các trận đấu và giải thi đấu được lựa chọn để kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế phải được Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) công bố, phê chuẩn.
Thực tế, FIFA chỉ công bố các giải bóng đá do FIFA tổ chức và không phê chuẩn danh mục trận đấu, giải đấu bóng đá quốc tế. Các giải này không diễn ra thường xuyên (được tổ chức 2 - 4 năm/lần), thời gian tổ chức cho 1 giải đấu ngắn (thường từ 10 - 30 ngày/giải đấu), hàng năm FIFA công bố khoảng 4 - 8 giải đấu bóng đá quốc tế do FIFA tổ chức ở tất cả các cấp độ đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ, giải bóng đá nam và nữ, giải bóng đá trẻ.
Năm 2018, Bộ VH-TT-DL đã ban hành danh mục 15 giải đấu không được tổ chức thường xuyên và thời gian tổ chức cho một giải ngắn và áp dụng riêng trong năm 2018. Sau khi ban hành, không doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu để triển khai vì giải đấu ít, không hấp dẫn, vốn điều lệ bắt buộc tối thiểu 1.000 tỉ đồng, nếu làm sẽ bị lỗ.
Ở dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã “gút” lại danh sách gồm có 5 giải đấu lớn hàng đầu thế giới (La Liga, Serie A, Bundesliga, Ligue 1, EPL). Ngoài ra, hàng chục giải đấu khác cũng được đưa vào danh mục gồm: vòng loại, vòng chung kết FIFA World Cup, UEFA Euro, UEFA Champions League, AFC Champions League, Copa America, Cúp quốc gia Anh (FA Cup), Cúp nhà vua Tây Ban Nha (La Copa del Rey), Cúp quốc gia Đức (DFB Cup)…
“Việc mở rộng mới đảm bảo tính hấp dẫn đối với người chơi, đảm bảo phương án tài chính để các doanh nghiệp họ có thể tham gia”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thêm.

Ligue 1 là giải đấu hàng đầu của nước Pháp

AFP

Từ 21 tuổi trở lên mới được tham gia đặt cược

Theo dự thảo mới, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm người tham gia đặt cược phải đủ 21 tuổi trở lên nhằm đảm bảo đủ hành vi dân sự và đã có thu nhập, kiểm soát được khả năng tài chính của bản thân khi đặt cược.
Các đối tượng không được tham gia đặt cược gồm: cán bộ quản lý, điều hành, nhân viên và bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột của cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tham gia đặt cược của chính doanh nghiệp mình tổ chức. Các cầu thủ, trọng tài và bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột của cầu thủ, trọng tài tham gia đặt cược vào các trận đấu và giải thi đấu mà mình tham dự đều bị cấm…
Về phương thức phân phối, vé đặt cược được phân phối qua thiết bị đầu cuối; thông qua điện thoại (điện thoại cố định và điện thoại di động). Trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng mở rộng thêm cả phương thức phân phối qua mạng internet hoặc các ứng dụng công nghệ internet trên điện thoại.
Về hạn mức chơi, dự thảo vẫn giữ nguyên mức cũ theo quy định tại điều 8 Nghị định số 06/2017/NĐ-CP. Theo đó, mức đặt cược tối thiểu cho 1 lần đặt cược là 10.000 đồng, mức đặt cược tối đa mỗi người chơi trong 1 ngày cho từng sản phẩm đặt cược tại 1 doanh nghiệp là 1 triệu đồng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ quyết định điều chỉnh mức đặt cược tối thiểu và mức đặt cược tối đa trong từng thời kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.