Sắp có 'điểm sàn' khối ngành sức khỏe: Giảm, tăng, hay như năm ngoái?

Quý Hiên
Quý Hiên
28/07/2022 14:37 GMT+7

So sánh phổ điểm khối B trong 3 năm 2022, 2021, 2020 cho thấy, điểm cao khối B năm nay giảm đáng kể. Vậy, điểm sàn ngành sức khỏe , trong đó nguồn tuyển chủ yếu là từ thí sinh thi khối B, liệu có giảm?

Chiều nay 28.7, Bộ GD-ĐT sẽ họp với các hội đồng để quyết định điều kiện đảm bảo chất lượng các ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên. Đây là sự kiện được những thí sinh yêu thích khối ngành sức khỏe đón đợi, vì nó cho biết các em có đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành trong lĩnh vực mà mình đã chọn hay không, đặc biệt là với khối ngành sức khỏe, ngành mà luôn có sự cạnh tranh cao bậc nhất từ trước đến nay.

So sánh phổ điểm tổ hợp B00 trong 3 năm 2022, 2021, 2020

ĐỒ Họa: PHạm Thanh Hà

Nguồn tuyển khối ngành này phần lớn dựa vào thí sinh có điểm thi khối B, trong khi tổ hợp B00 là một trong những tổ hợp có nhiều biến động về điểm thi nhất trong số 5 tổ hợp truyền thống, so với các năm trước. Vậy, điểm sàn khối ngành sức khỏe liệu có biến động?

Theo phân tích của Báo Thanh Niên, so sánh phổ điểm khối B 3 năm 2022, 2021 và 2020 cho thấy phổ điểm năm nay nằm phía dưới khá xa so với năm 2020, 2021. Số lượng thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên chỉ khoảng 2/5 so với năm 2021 và 1/3 so với năm 2020. Vì thế, nhiều khả năng điểm chuẩn tổ hợp B00 có thể giảm khá mạnh so với năm 2021.

Nhưng điểm sàn và điểm chuẩn là hai “đơn vị” đo rất khác nhau. Điểm chuẩn là một thước đo chi li, căn cứ vào chỉ tiêu cụ thể và số nguyện vọng, đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Điểm sàn được dựa vào một số lượng thống kê tương đối lớn về nguồn tuyển, đồng thời thỏa mãn 2 tiêu chí: dồi dào nguồn tuyển, đáp ứng điều kiện về chất lượng.

Với tiêu chí 1, số chỉ tiêu cần tuyển thường lọt thỏm trong “nguồn tuyển” này, nên phải có một sự xê dịch rất lớn về mức điểm thì mới ảnh hưởng tới nguồn tuyển.

Vì thế, thông thường tiêu chí 2 sẽ có ảnh hưởng lớn tới điểm sàn.

Năm ngoái và năm kia, điểm sàn của khối ngành sức khỏe có 3 mốc: 22 điểm với các ngành y khoa, răng hàm mặt; 21 điểm với các ngành y học cổ truyền, dược học; 19 điểm với các ngành hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, điều dưỡng, y học dự phòng, kỹ thuật phục hồi chức năng.

Nếu xét mốc 22 điểm, năm nay có 67.295 lượt thí sinh đạt được, trong khi năm ngoái là 90.766, năm kia là 90.125. Vì thế, tiêu chí là nguồn tuyển tương đương (quy mô toàn quốc) là trên 90.000 lượt thí sinh thì điểm sàn năm nay phải ở khoảng 21,25.

So sánh 3 năm nguồn tuyển thí sinh đạt từ 19 điểm trở lên khối B (điểm thi, chưa tính điểm ưu tiên khu vực)

Đồ họa: Quý Hiên

Tuy nhiên, nhiều trường y dược khối công lập cho rằng cần phải giữ mức sàn như năm ngoái để đảm bảo điều kiện chất lượng đầu vào khối ngành này.

Theo một cán bộ phụ trách mảng đào tạo của một trường ĐH lớn đào đào tạo khối ngành y dược, cả nước có khoảng 30 trường (cả công và tư) đào tạo các ngành y dược, với tổng chỉ tiêu đào tạo các ngành y khoa và răng hàm mặt là khoảng 9.000.

Với số chỉ tiêu này, mốc 22 điểm năm nay cũng đã giúp các trường thoải mái nguồn tuyển. Hơn nữa, việc xác định nguồn tuyển là căn cứ vào điểm xét tuyển, bao gồm điểm thi và điểm ưu tiên. Vì thế, nếu điểm sàn là 22 điểm thì nguồn tuyển nhiều hơn mức gần 67.3000 thí sinh như thống kê trong phổ điểm. Đặc biệt, một số trường còn dành chỉ tiêu y khoa, răng hàm mặt cho khối A chứ không chỉ khối B.

Vị cán bộ này nói: “Cần phải hiểu điểm cao khối B năm nay thấp là nhờ ảnh hưởng của việc ra đề môn sinh được làm chặt chẽ hơn năm ngoái, khiến số lượng thí sinh đạt điểm 9 - 10 môn này giảm. Còn về bản chất (ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tuyển) thì đề sinh năm nay không khó hơn năm ngoái. Số thí sinh bị điểm liệt môn sinh năm nay tương đương năm ngoái, các mốc điểm trung bình khá trở xuống của môn sinh năm nay cũng tương đương năm ngoái”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.