Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết đơn vị thi công đang hoàn thiện nốt những giai đoạn cuối cùng của dự án nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L.
Đường cất hạ cánh 25R/07L trước đó đã được khai thác trở lại từ ngày 1.12.2021 |
MT |
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang làm việc với Cục Quản lý xây dựng và Cục Hàng không để hoàn thành phương án đưa đường băng này vào khai thác ngày 25.4 tới, trả lại trạng thái hoạt động bình thường của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trước cao điểm lễ 30.4 - 1.5.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Chính phủ quyết định triển khai theo lệnh khẩn cấp, khởi công xây dựng vào ngày 1.7.2020 bao gồm 2 phần là nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L và xây dựng mới các đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh.
Ngày 1.12.2021, sau khi Cục Hàng không Việt Nam cấp phép, đường cất hạ cánh 25R/07L đã đưa vào khai thác sau khi thay thế xong hệ thống đèn hiệu sử dụng công nghệ đèn LED và hệ thống đèn tiếp cận đầu 25R.
Công trình sau đó thi công 3 hạng mục cuối cùng gồm đường lăn S từ phạm vi nút S6 đến nút S10 thi công lề và lắp đặt đèn; Khoảng 1.800 m mương thoát nước; 4 khu vực hạn chế của 4 đường lăn đang khai thác là P1, P4, S7, V1.
Trong đó, đường lăn P4 có phạm vi hạn chế nằm trong dải an toàn bay là 36 m đường lăn xây mới so với tim đường cất hạ cánh 25R/07L. Vì thế, để thi công được khu vực này đảm bảo an toàn bay, đường băng 25R/07L tiếp tục phải tạm đóng cửa từ 14 giờ ngày 21.2 để sửa chữa, nâng cấp.
Việc dừng khai thác đường cất hạ cánh 25R/07L để thi công nâng cấp sửa chữa từ ngày 21.2 đến nay đã kéo theo rất nhiều hệ lụy cho các hãng hàng không cũng như đơn vị khai thác cảng.
Trong và sau thời gian đóng cửa đường băng, Cục Hàng không đã điều chỉnh tham số điều phối đường cất - hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất xuống còn 30 chuyến/giờ, giảm số chuyến bay cất cánh tại nhà ga nội địa là 24 chuyến/giờ, tương đương giảm sản lượng khai thác, điều phối các chuyến bay xuống chỉ còn khoảng 2/3 so với trước đó. Ngoài ra, các chuyến bay phải chờ đường băng, hạ cánh trễ cũng tạo hiệu ứng dây chuyền, tác động tới việc ùn tắc phía ngoài khu vực nhà ga quốc nội.
Bình luận (0)