Ông Thiên đặt vấn đề: Bộ Công thương mới đây tuyên bố cắt bỏ cả mấy trăm thủ tục, thì đi liền với đó bộ máy và nhân sự thế nào? Chứ bỏ nhiều thủ tục mà quỹ lương vẫn như thế thì gọi là chưa triệt để. Hoặc bỏ bớt đi thì phải để tăng lương cho những người còn lại.
"Người ta sẽ đặt câu hỏi, ví dụ trước đây tổng thủ tục của anh 1.000 ngày, giờ còn 500 ngày, tức là tự nhiên anh không phải làm một số việc nữa, vậy thì thời gian, số lượng người để làm 500 ngày kia có giảm hay không? Đây là vấn đề liên quan đến bộ máy và hiệu lực bộ máy, nếu chỉ là cách tiếp cận để giải quyết thủ tục thì chỉ được một phần và không gắn được với phần quan trọng là cấu trúc bộ máy", ông Thiên bày tỏ.
Bộ Công thương cũng đã nổi lên như "ngôi sao cải cách" khi thu gọn số đầu mối (vụ, cục) từ 35 xuống còn 30. Điều này cũng sẽ giúp số phòng, đơn vị trong các vụ, cục sẽ giảm đi nhiều. Cùng với đó, bộ máy sẽ từng bước được tinh gọn.
tin liên quan
Tinh giản biên chế, muốn là làm đượcTrong khi ở nhiều bộ ngành, địa phương, việc tinh giản biên chế hết sức khó khăn, ì ạch, thậm chí “càng làm càng phình bộ máy”, thì thực tế tại một số địa phương cho thấy nếu quyết liệt sẽ làm được và làm tốt.
Chia sẻ với Thanh Niên, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp), người từng tham gia đoàn giám sát của Quốc hội về tinh giản biên chế ở một số bộ ngành, nói rằng khi làm việc với Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nói trong ngành hải quan trước đây có thủ tục cần đến 500 cán bộ, thì nay nhờ công nghệ, đơn giản hóa thủ tục chỉ cần vài chục người. Có điều, khi đoàn giám sát hỏi số cán bộ ở đó tinh giản được bao nhiêu thì câu trả lời của vị Thứ trưởng là hầu hết phải chuyển sang bộ phận khác chứ không thể cho thôi việc, vì không phải họ không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định để tinh giản.
Ngược lại, ở một số địa phương thực sự muốn tinh giản biên chế thì khi xây dựng đề án vị trí việc làm, họ không làm theo cách bao nhiêu việc thì bấy nhiêu người. "Cách của họ là một người có thể làm nhiều vị trí, thậm chí vị trí này bổ sung cho vị trí khác nên biên chế rất gọn nhẹ", bà Hoa nhận xét.
tin liên quan
Bộ máy cồng kềnh, ngốn tiền ngân sáchBộ máy hành chính của Việt Nam cồng kềnh, không hiệu quả, tác nhân ngốn hết nguồn lực chi đầu tư, là điểm nghẽn làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Giảm đầu mối, cán bộ lãnh đạo tăng lên
Trên thực tế, dù cắt giảm đầu mối nhưng số cán bộ lãnh đạo của Bộ Công thương vẫn không giảm. Hiện nay có không ít vụ, cục có đến 9 - 10 lãnh đạo (gồm cục/vụ trưởng và cục/vụ phó). Đơn cử, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ có 10 lãnh đạo gồm 1 phụ trách và 9 phó vụ trưởng. Ít hơn một chút là Vụ Thị trường châu Á - châu Phi có 1 vụ trưởng và 8 phó vụ trưởng.
Đã có trường hợp việc sáp nhập để giảm số lượng các đơn vị nhưng không làm giảm số lượng lãnh đạo. Đó là câu chuyện tại Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ KH-ĐT. Sau khi sáp nhập lại 3 đơn vị, cả năm sau đó vụ này vẫn có đến 3 người cùng giữ chức vụ trưởng. Mãi đến gần đây mới rút xuống còn 2.
Năm 2002 khi thành lập, Bộ TN-MT có 16 đầu mối và 4 cục, chưa có tổng cục. Đến năm 2013, bộ máy được nâng lên gồm 18 đầu mối, 4 tổng cục và 5 cục.
Tuy nhiên, đầu mối bên trong của 4 tổng cục lại tăng từ 34 năm 2011 lên 40 vào năm 2016.
Hơn 10 năm qua, từ T.Ư đến địa phương đã có nhiều lần tinh giản biên chế, nhưng sau mỗi lần tinh giản số biên chế lại tăng. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Nhưng sau 5 năm thực hiện, năm 2012 tổng số CCVC từ T.Ư đến cấp huyện tăng 42.000 người, CCVC cấp xã tăng 14.000 người.
Giai đoạn từ năm 2015 đến ngày 31.12.2016, mặc dù thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị nhưng số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người. Tổng số viên chức thực tế có mặt vượt biên chế là 9.164 người.
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016 của Quốc hội thì cơ cấu tổ chức hành chính chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn; chưa khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.
“Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”, báo cáo cảnh báo.
Cuối tháng 9.2017, Kiểm toán Nhà nước công bố nhiều con số đáng lo ngại về việc tuyển dụng công chức, viên chức và lao động tại các bộ ngành và địa phương. Theo đó, 8 tháng năm 2017, Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao là 2.173 trường hợp. Trong đó, số thực tế tuyển dụng biên chế viên chức vượt so với con số được cấp có thẩm quyền giao là 3.045 viên chức; sử dụng biên chế và lao động hợp đồng tại các đơn vị vượt chỉ tiêu được giao là 6.939 biên chế và 15.070 lao động, trong đó sử dụng 8.280 lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ không đúng với quy định tại Văn bản số 2843 của Bộ Nội vụ năm 2014 thực hiện quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây, báo chí cũng phát hiện hàng loạt trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trái quy định. Tại Thanh Hóa, giai đoạn từ 2010 - 2015, chỉ riêng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã bổ nhiệm thừa 6 phó trưởng phòng chuyên môn; bổ nhiệm 55 trưởng, phó phòng chuyên môn và trưởng, phó các đơn vị sự nghiệp không bảo đảm tiêu chuẩn. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ tính riêng Phòng GD-ĐT H.Sông Lô từ cuối năm 2016 đến nay đã bổ nhiệm 7 hiệu phó các trường THCS gây ra các khiếu kiện phức tạp. Trong đó, xác định có trường hợp hiệu phó bị bổ nhiệm thừa vì không được Sở Nội vụ Vĩnh Phúc phê duyệt biên chế và quỹ lương.
Thái Sơn
|
Bình luận (0)