Sáp nhập huyện, xã, các địa phương 'kêu khó' đến mức nào?

Vũ Hân
Vũ Hân
25/01/2019 08:16 GMT+7

Trong khi các địa phương kêu khó hoàn thành việc sắp xếp cán bộ sau 5 năm sáp nhập , lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị địa phương nghiên cứu làm sao sắp xếp được luôn chứ không chờ 5 năm.

Ngày 24.1, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo toàn miền Bắc lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021. Bộ Nội vụ đã phát giấy mời 32 địa phương từ Đà Nẵng trở ra, nhưng chỉ có 22 địa phương cử người tham gia hội thảo.

Địa phương kêu khó

Mỗi xã trung bình có 21 cán bộ, nhập 3 xã là 63 cán bộ, chưa kể cán bộ không chuyên trách, nên sẽ khó khăn khi phải giải quyết số cán bộ dôi dư trong 5 năm
Ông Nguyễn Huy Độ , Phó giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương
Trái với dự đoán của một số chuyên gia về việc khó khăn nhất khi sáp nhập sẽ là sự đồng thuận của nhân dân, việc tổ chức xin ý kiến cử tri, đa phần các địa phương nêu ý kiến tại hội thảo kêu khó về việc sắp xếp cán bộ.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Ngọc Định cho rằng dự thảo quy định 5 năm để sắp xếp xong cán bộ, công chức sau khi sáp nhập, đưa về đúng như quy định là rất khó cho địa phương thực hiện. Theo ông Định, sau khi rà soát, Cao Bằng có 75 xã và 3 huyện (Phục Hòa, Trà Lĩnh, Thông Nông) thuộc diện phải sáp nhập do không đủ cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số. Đây là số lượng rất lớn, có thể nói là lớn nhất cả nước. Theo dự thảo nghị quyết hiện nay, các địa phương phải đảm bảo đơn vị sau sáp nhập có tổng số cán bộ lãnh đạo và biên chế công chức không vượt quá số cán bộ công chức của các đơn vị trước sáp nhập cộng lại (tức là không được tuyển thêm) và chậm nhất sau 5 năm phải sắp xếp lại cán bộ lãnh đạo, biên chế, chức danh theo quy định. Tuy nhiên, ông Định cho biết “Cao Bằng thấy 5 năm là rất khó”.
“Thời điểm này, 75 xã của Cao Bằng có 1.540 cán bộ, công chức. Sau sắp xếp giảm 41 xã, số lượng cán bộ dôi dư khoảng 840 người, mà dự kiến nghỉ hưu đúng độ tuổi chỉ có 163 người. Cao Bằng đã thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã có trình độ trung cấp trở lên, chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, nên toàn cán bộ trẻ, số người nghỉ hưu rất ít. Chúng tôi đề nghị Bộ nghiên cứu lại”, ông Định kiến nghị.
Tương tự, đại diện tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hải Dương, Bắc Giang cũng lên tiếng về việc khó sắp xếp cán bộ. “Sau sáp nhập, một xã có đến 3 bí thư, 3 chủ tịch, 3 phó chủ tịch thì việc sắp xếp như thế nào, ai làm trưởng, ai làm phó là cả vấn đề. Mỗi xã trung bình có 21 cán bộ, nhập 3 xã là 63 cán bộ, chưa kể cán bộ không chuyên trách, nên sẽ khó khăn khi phải giải quyết số cán bộ dôi dư trong 5 năm”, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Nguyễn Huy Độ nói. Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn Trịnh Tiến Duy cũng đề nghị cần có bước chuyển tiếp với số lượng cấp phó và cán bộ, công chức. Theo ông Duy, cái vướng nhất là chọn ai làm trưởng. “2 xã đều cán bộ trẻ, có năng lực, trong quy hoạch... thì lựa chọn đồng chí nào? Cần có hướng dẫn để làm sao cho thuận lợi”.

Sắp xếp để gọn hơn, chứ không phải cộng vào

Hiện vấn đề người dân bức xúc là bộ máy rất cồng kềnh, biên chế rất lớn. Chúng ta nhập lại để thu gọn bộ máy, chứ ta nhập vào để nguyên thì nhân dân không đồng ý đâu

Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh về nguyên tắc, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cũng phải hoàn thành việc sắp xếp cán bộ ngay, tức là giảm các biên chế dư thừa. Tuy nhiên, do công tác cán bộ đụng chạm đến con người, nên cơ quan soạn thảo mới để lộ trình 5 năm để sắp xếp. “Sau sáp nhập cũng chỉ nên đảm bảo mỗi xã có 1 trưởng, 3 phó thôi, còn những người đủ sức khỏe, đủ năng lực thì ứng tuyển vào công chức từ cấp huyện trở lên (kể cả các bộ)”, ông Tuấn khuyến nghị. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Vũ Văn Yên cho biết: Bắc Kạn đã thực hiện việc này, nhưng cơ bản các phòng ban ở tỉnh, huyện cũng đủ cán bộ rồi, mỗi lần xét tuyển được 5 - 10 công chức thôi. Do đó, việc đặt ra mục tiêu 5 năm phải sắp xếp xong cán bộ dôi dư là khó khăn.
Dù địa phương kêu rất nhiều, nhưng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thậm chí còn đề nghị các địa phương nghiên cứu làm sao sắp xếp được luôn cán bộ, “vì 5 năm chắc gì đã sắp xếp xong”. Nhấn mạnh việc giảm đơn vị hành chính tất yếu phải dẫn đến dư thừa cán bộ, ông Tuấn cho rằng không nên quá nặng nề việc đó. “Những cán bộ đủ tiêu chuẩn thì tuyển lên công chức cấp trên, không đủ tiêu chuẩn thì nhà nước đã có chế độ chính sách cho nghỉ, đỡ phải 5 năm liền năm nào cũng bận tâm với việc sắp xếp”.
Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng cho rằng: “Hiện vấn đề người dân bức xúc là bộ máy rất cồng kềnh, biên chế rất lớn. Chúng ta nhập lại để thu gọn bộ máy, chứ ta nhập vào để nguyên thì nhân dân không đồng ý đâu”. Theo ông Hà, lộ trình 5 năm để giảm cán bộ dôi dư thậm chí còn quá dài, chỉ nên để 3 năm. “Các địa phương dôi dư bao nhiêu phải báo cáo Bộ Nội vụ và hằng năm Bộ sẽ không cho tuyển thêm để chỗ nào có cán bộ nghỉ hưu thì sắp xếp vào đấy. Sau 3 năm phải đi về “quy lát” biên chế lãnh đạo và cán bộ công chức theo quy định”, ông Hà đề nghị.
Theo lịch trình, dự thảo sẽ được trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 2 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3 theo trình tự rút gọn để sớm ban hành, đi vào thực thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.