Nhưng không phải đơn vị hành chính mới sau sáp nhập nào cũng được giữ tên như vậy. Dù đồng tình với phương án sáp nhập, song nhiều người dân tại các địa danh giàu truyền thống vẫn băn khoăn khi không còn tên xã. Như xã Chàng Sơn (H.Thạch Thất, Hà Nội) mất tên khi sáp nhập với Thạch Xá, khiến người dân tiếc nuối vì Chàng Sơn là một trong những làng nghề điêu khắc gỗ lâu đời nhất cả nước, với biểu tượng nổi tiếng các pho tượng La Hán chùa Tây Phương. Hay ở H.Quỳnh Lưu (Nghệ An), người dân xã Quỳnh Đôi - quê hương bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, cũng chưa đồng tình khi ghép tên với xã Quỳnh Hậu thành xã Đôi Hậu…
Thực tế việc triển khai phương án sáp nhập phường, xã để tinh gọn bộ máy đang nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao từ các bước lấy ý kiến nhân dân, trình phương án sáp nhập. Song, việc người dân một số nơi chưa đồng ý với tên gọi mới cho thấy cần nghiên cứu tên gọi vừa hài hòa, thống nhất cao trong nhân dân, vừa phải bảo đảm phù hợp với lịch sử, phong tục và giữ được những tên gọi giàu giá trị văn hóa của tên gọi làng, xã cổ truyền đã có từ hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm.
Mặt khác, không chỉ là sáp nhập cơ học - nhập lại về mặt hành chính và đổi tên mới, mà hậu sáp nhập còn rất nhiều việc phải xử lý từ sắp xếp lại cán bộ, các trụ sở công dôi dư, đảm bảo mục tiêu cao nhất khi sáp nhập là tinh gọn, hiệu quả bộ máy. Đặc biệt, phải tính toán để giảm thiểu nhất sự phiền hà cho người dân khi phải thay đổi các giấy tờ hành chính.
Tại Hải Phòng, theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, TP sẽ giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã, phường và dôi dư 1.000 cán bộ và 50 trụ sở hành chính công. Hải Phòng và đa số các địa phương đều cho biết phương án sắp xếp với cán bộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ điều động sang xã, phường khác nếu còn chỉ tiêu biên chế; trường hợp không bố trí được động viên nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc.
Tuy nhiên, khác với phương án tái sử dụng các trụ sở công dôi dư, việc điều động, sắp xếp với cán bộ dôi dư không thể cơ học, mà cần quan tâm đến tâm lý, đời sống cán bộ, với phương án hài hòa nhất, có lý, có tình, tránh tiêu cực và khiếu kiện hậu sắp xếp.
Cạnh đó, cơ sở dữ liệu dân cư và hệ thống dịch vụ công đã được số hóa, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân. Song, kinh nghiệm từ việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội nhiều năm trước cho thấy cần lường trước việc hàng triệu người dân phải thay đổi giấy tờ sẽ phát sinh những khó khăn, phức tạp. Như tại Hà Nội, TP đã chỉ đạo công an giải quyết hồ sơ về nhân thân cho người dân theo cơ chế TP hỗ trợ toàn bộ. Với các địa phương khác, cũng cần có phương án hỗ trợ người dân phù hợp với đặc thù từng nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc...
Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2024, cả nước sẽ sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.234 cấp xã; sau sắp xếp dự kiến giảm 14 huyện, 619 xã. Để việc sáp nhập thực sự hiệu quả, rất cần cân nhắc kỹ các phương án hợp lý, hài hòa nhất từ phía chính quyền các cấp, để người dân nơi phải sáp nhập thực sự chia sẻ và đồng thuận.
Bình luận (0)