Sáng 14.12, Sở TT-TT TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (17.12.2004 - 17.12.2024). Đến dự có đại diện bộ ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM và một số địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản, doanh nghiệp công nghệ thông tin trú đóng trên địa bàn.
Phát biểu ôn lại hành trình 20 năm, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng chia sẻ từ những ngày đầu đối mặt với muôn vàn khó khăn, đội ngũ cán bộ ngành đã không ngừng nỗ lực để xây dựng nền móng vững chắc, kiến tạo nên những thành tựu rất đáng tự hào.
Nền móng vững chắc ấy được kế thừa và tiếp nối qua nhiều thế hệ, được ghi dấu ấn qua những đóng góp mang tính tiên phong trong đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, chương trình chuyển đổi số, công tác cải cách hành chính, phát triển kinh tế số, hoạt động báo chí, phát triển văn hóa đọc, nắm bắt thông tin trên mạng và nhiều lĩnh vực khác…
Nhiều sáng kiến, mô hình của sở được nhân rộng trên cả nước, trở thành những hình mẫu, mô hình, giải pháp hay. "Đây là kết quả của sự đoàn kết, quan điểm quản lý nhà nước là để phát triển, tư duy luôn xem mình là người trong cuộc đối với tất cả lĩnh vực, đơn vị và một tinh thần làm việc không ngừng nghỉ trong suốt 20 năm qua", ông Thắng đúc kết.
Nhận diện những thách thức phía trước, Giám đốc Sở TT-TT cho biết đầu tiên là những diễn biến nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những khát vọng vươn mình của dân tộc. Những mục tiêu rất lớn của TP.HCM đang đặt ra yêu cầu cao hơn về quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và trên hết là những thôi thúc để cuộc sống người dân được thuận tiện, yên bình, hạnh phúc.
Bên cạnh những thách thức, ông Thắng nhìn nhận còn có những cơ hội, đó là cơ hội khẳng định vai trò của ngành trong một giai đoạn mới, là cơ hội để từng cá nhân, tập thể của ngành vượt lên chính mình, trưởng thành hơn về tư duy, trình độ, bản lĩnh, và có nhiều cơ hội hơn để đóng góp, cống hiến, sống một cuộc đời có giá trị.
Trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM khẳng định việc sáp nhập là một yêu cầu khách quan. Đây cũng là thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội để ngành thông tin và truyền thông định vị, củng cố và khẳng định vị thế, vai trò của mình trong giai đoạn tiếp theo.
"Trong không khí lễ kỷ niệm ngày thành lập sở cuối cùng với tên gọi thông tin và truyền thông, từng cán bộ, công chức, viên chức chắc chắn không khỏi bồi hồi, xúc động. Những hình ảnh, những kỷ niệm trong 20 năm qua sẽ còn mãi trong ký ức của mỗi chúng ta, đánh dấu một hành trình rất đỗi tự hào", ông Thắng chia sẻ.
Dám nghĩ lớn hơn và hành động nhanh hơn
Phát biểu chia sẻ tại lễ kỷ niệm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy điểm lại những thành tựu, công trình điển hình của Sở TT-TT như hệ thống một cửa điện tử, chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, thành lập Trung tâm Chuyển đổi số, tích hợp hệ thống tổng đài liên thông 113 - 114 - 115.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Sở TT-TT TP.HCM đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp công nghệ như: Cổng thông tin 1022, chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" cho đến hệ thống bản đồ phòng chống dịch.
Gần đây nhất, Sở TT-TT ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội từ yêu cầu thực tiễn của việc nắm bắt thông tin và phân tích tâm trạng qua hệ thống 200 cơ quan báo chí, 355 trang mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử.
"Công cụ này được xem như một sản phẩm cụ thể, khởi động mạnh mẽ cho năm chủ đề chuyển đổi số của thành phố", bà Thúy đánh giá.
Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức buộc chúng ta phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, dám nghĩ lớn hơn và hành động nhanh hơn để đưa ra những giải pháp cụ thể, mang tính hệ thống, khả thi.
"Trước yêu cầu cách mạng tinh gọn bộ máy, làm thế nào để vừa tinh gọn nhưng vẫn giữ được hiệu quả, vừa đổi mới nhưng vẫn kế thừa những giá trị tốt đẹp của ngành thông tin và truyền thông thành phố", bà Thúy đặt vấn đề, đồng thời cho biết đây sẽ là bài toán cần lời giải từ sự đồng lòng, nỗ lực không ngừng của tập thể, đội ngũ lãnh đạo ngành thông tin và truyền thông trong thời gian tới.
Lãnh đạo TP.HCM đề nghị lãnh đạo sở tập trung đề xuất, xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, bà Thúy lưu ý sở phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức.
Về một số công việc cụ thể, Phó chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy đề nghị ngành thông tin và truyền thông tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số, chiến lược phát triển kinh tế số, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, kế hoạch phát triển hạ tầng số.
Song song đó, tập trung hoàn thiện, bổ sung, cập nhật, ban hành các chính sách có tính vượt trội nhằm thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số; tham mưu xây dựng khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, đề án sắp xếp báo chí, phát triển ngành xuất bản, in, phát hành và thúc đẩy văn hóa đọc.
Tại lễ kỷ niệm, Sở TT-TT TP.HCM vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước, bằng khen của Bộ TT-TT và cờ truyền thống của UBND TP.HCM.
Bình luận (0)