Tờ The Guardian ngày 24.9 dẫn lời giới chuyên gia vũ khí phân tích các hình ảnh vệ tinh cho rằng Nga dường như 'thất bại nặng nề" trong một cuộc thử nghiệm tên lửa chiến lược Sarmat mới đây.
Những hình ảnh do Công ty Maxar Technologies (Mỹ) chụp vào ngày 21.9 cho thấy một miệng hố rộng khoảng 60 mét tại bãi phóng ở sân bay vũ trụ Plesetsk (miền bắc Nga).
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu cách xa hàng ngàn km, có tầm bắn đến Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, quá trình phát triển đã không ít lần trục trặc và chậm tiến độ.
Qua quan sát các hình ảnh, chuyên gia Pavel Podvig, một nhà phân tích tại Geneva (Thụy Sĩ) điều hành dự án Lực lượng Hạt nhân Nga, nhận xét: "Theo mọi dấu hiệu, đó là một cuộc thử nghiệm thất bại. Đó là một hố lớn trên mặt đất. Đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng với tên lửa và ống phóng".
Ông Timothy Wright, cộng sự nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS-Anh) cho biết tình trạng phá hủy khu vực xung quanh hầm chứa tên lửa cho thấy sự cố ngay sau khi đánh lửa.
Ông nói: "Một nguyên nhân có thể là tầng đầu tiên (tên lửa đẩy) không đánh lửa đúng cách hoặc gặp sự cố cơ học nghiêm trọng, khiến tên lửa rơi trở lại hoặc đổ gần hầm chứa và phát nổ".
Khi được đề nghị đưa ra bình luận, Điện Kremlin cho rằng phóng viên nên hỏi Bộ Quốc phòng Nga. Bộ này chưa phản hồi đề nghị đưa ra bình luận, cũng như chưa đưa ra thông báo nào liên quan việc thử nghiệm tên lửa Sarmat trong vài ngày qua.
Tên lửa RS-28 Sarmat dài 35 m, được phương Tây gọi là Satan II. Tên lửa này có tầm bắn 18.000 km và trọng lượng phóng hơn 208 tấn. Truyền thông Nga cho biết nó có thể mang tới 16 đầu đạn hạt nhân, cũng như vũ khí lướt bội siêu thanh Avangard.
Nga đã từng nói rằng tên lửa Sarmat sẽ sẵn sàng vào năm 2018, thay thế tên lửa SS-18 thời Liên Xô cũ, nhưng ngày triển khai đã bị hoãn lại nhiều lần.
Bình luận (0)