Sát khuẩn tay ngăn ngừa lây nhiễm vi rút HPV gây sùi mào gà sinh dục

17/02/2022 04:02 GMT+7

Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) mới đây đã tiếp nhận nam bệnh nhân 22 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện với chẩn đoán u sùi ( sùi mào gà ) quanh hậu môn.

Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cho biết đã có bạn gái, không có quan hệ nào khác và cũng không quan hệ đường hậu môn. Tuy nhiên, bệnh nhân có thói quen gãi vùng kín khi rảnh rỗi.

Các bác sĩ Trung tâm Nam học phẫu thuật cho nam bệnh nhân

T.My

Tại Trung tâm Nam học, bệnh nhân được phẫu thuật điều trị kịp thời bằng phương pháp đốt u sùi. Hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Theo PGS-TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sùi mào gà do vi rút HPV gây ra. Hiện có hơn 100 chủng HPV, trong đó có hơn 40 chủng lây qua đường tình dục. Ngoài ra, HPV có thể lây truyền qua tay nắm cửa, dùng chung đồ lót, đồ cá nhân, qua vết gãi, vết xước... Do đó, để ngăn các lây nhiễm, tay nắm cửa các phòng vệ sinh công cộng cần được vệ sinh thường xuyên; cửa mở tự động hoặc mở bằng chân.

“Đặc biệt, việc sát khuẩn tay là rất quan trọng trong ngăn ngừa lây nhiễm HPV, bởi nam giới có thói quen dùng tay cầm dương vật khi đi tiểu”, TS Quang lưu ý.

BS Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết thêm mỗi ngày Trung tâm Nam học tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám, trong đó khoảng 10 - 12% là các ca khám có bệnh lý liên quan đến HPV. Các bệnh nhân bị sùi mào gà ở nhiều vị trí: sinh dục, miệng, hầu họng, hậu môn. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, kết quả điều trị sẽ rất tốt, hạn chế được biến chứng và nguy cơ tái phát.

Chuyên gia của Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội) lưu ý thêm: HPV có thể lây cho trẻ em. Trẻ có thể bị lây qua đường sinh đẻ nếu người mẹ nhiễm HPV trong thời gian mang thai không được điều trị, lúc đẻ có thể lây cho con; chăm sóc hằng ngày (người chăm sóc có HPV có thể lây cho trẻ); qua các thủ thuật y tế nếu các dụng cụ không được tiệt trùng. Một số trẻ bị nhiễm HPV do lạm dụng tình dục. Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh nếu bị lây nhiễm HPV do sức đề kháng, miễn dịch còn yếu.

HPV rất khó xác định vì không biết chính xác thời điểm bị lây HPV đầu tiên. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu, kinh nghiệm, người ta xác định thời kỳ ủ bệnh từ 3 tuần đến 8 tháng (trung bình 2 - 3 tháng). Sau một thời gian bị lây nhiễm HPV, tại cơ quan sinh dục xuất hiện các sẩn, mụn nhỏ li ti, màu hồng nhạt, tập trung thành đám ở quy đầu, thân dương vật, bìu… (nam giới), môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo… (nữ giới). Các thương tổn này cũng có thể gặp ở xung quanh hậu môn, hầu, họng…

Ở trẻ em, do sức đề kháng yếu nên có thể thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thương tổn phát triển nhanh hơn so với người lớn. Để chẩn đoán, cần dựa vào lâm sàng (các thương tổn điển hình như đã nêu trên); và làm các xét nghiệm chuyên khoa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.