Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều người lỡ hành trình do sự cố sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả cũng cảm thông, chia sẻ với ngành đường sắt.
Bà Nguyễn Thị Kha (68 tuổi, ở Quảng Trị) cho biết: "Tôi đến ga Giã lúc 5 giờ sáng 13.4. Do sự cố sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả nên được thông báo sẽ có xe khách trung chuyển đến ga Tuy Hòa để tiếp tục hành trình. Khoảng 9 giờ 30 cùng ngày, tôi và gia đình đã có mặt ở ga Tuy Hòa để lên tàu SE2 tiếp tục hành trình về Quảng Trị. Tuy trễ hơn so với lịch trình dự kiến nhưng đây là sự cố ngoài ý muốn nên có thể thông cảm được".
Còn chị Nguyễn Thu Hà (24 tuổi, ở Phú Yên) cho biết: "Tôi ở ga Tuy Hòa từ lúc 7 giờ 30 ngày 13.4 để đợi xe trung chuyển vào ga Giã. Sạt lở hầm đường sắt đã làm ảnh hưởng đến lịch trình công tác của tôi nhưng do sự cố ngoài ý muốn nên cũng thông cảm. Tôi cũng được thông báo trước nên không có gì bất ngờ".
Cận cảnh khắc phục vụ sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả
Trong khi đó, nhiều khách nước ngoài cho rằng sự cố sạt lở hầm đường sắt là một trải nghiệm khó quên khi đi du lịch.
"Tôi khá bất ngờ vì đây là lần đầu tiên gặp sự cố như vậy, nhưng cũng là một kỷ niệm đáng nhớ khi đi du lịch. Tôi không thấy phiền hà gì vì mọi người đều phải chờ đợi như nhau, hơn nữa đây sự cố ngoài ý muốn", chị Alice (du khách đến từ Thụy Điển) chia sẻ.
Ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, cho biết: "Sau khi nhận được tin báo sự cố sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả, chúng tôi đã huy động xe khách để chuyển tải hành khách. Đến trưa 13.4, đã có 20 xe khách chuyển tải khoảng 3.000 hành khách của 16 chuyến tàu giữa ga Tuy Hòa và ga Giã sau sự cố này. Đến thời điểm hiện tại, các xe khách vẫn tiếp tục chuyển tải khách cho đến khi sự cố được khắc phục".
Ông Tùng cũng cho biết thêm, bên cạnh việc trung chuyển miễn phí, ngành đường sắt cũng hỗ trợ suất ăn, nước uống miễn phí cho toàn bộ hành khách trong quá trình bị kẹt tàu do sự cố sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả.
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 12 giờ 45 ngày 12.4, trần hầm đường sắt Đèo Cả bất ngờ sạt lở xuống khoảng 100 m3 đá, bịt kín cửa hầm, kéo dài tầm 5 m. Vị trí sạt lở trong hầm đường sắt nằm ở xã Đại Lãnh (H.Vạn Ninh, Khánh Hòa). Sự cố sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả khiến tàu hỏa từ các ga phía bắc đi vào nam phải dừng tại ga Tuy Hòa (Phú Yên) và các tàu xuất phát từ các ga phía nam đi ra bắc phải dừng ở ga Giã.
Hiện ngành đường sắt đã huy động khoảng 200 công nhân và nhiều phương tiện để khắc phục sự cố và thông hầm đường sắt Đèo Cả.
Bình luận (0)