Phó tư lệnh Quân khu 4 và 12 người tham gia cứu hộ bị mất liên lạc
Theo lãnh đạo của Bộ NN-PTNT, 13 người trong lực lượng tìm kiếm đang mất liên lạc khi tham gia cứu hộ vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 (thuộc thượng nguồn sông Bồ, xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Ngoài ra, 17 công nhân làm việc ở Thủy điện Rào Trăng 3 cũng bị mất liên lạc.
|
|
Một nguồn tin khác của Thanh Niên cho biết đoàn công tác của Quân khu 4 cùng lực lượng cứu hộ sau khi di chuyển vào khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã mất liên lạc với bên ngoài. Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm.
Như đã thông tin, chiều 12.10, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, đất đá đã vùi lấp khu vực nhà ở của công nhân. Lúc xảy ra tai nạn có hàng chục công nhân đang ở trong lán trại.
Sau khi nhận được thông tin, trong chiều 12.10, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ dẫn đầu đã tìm cách tiếp cận hiện trường vụ việc để xác minh nhưng không thành công. Tối cùng ngày, đoàn công tác của Quân khu 4 cùng với lãnh đạo địa phương đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để băng đèo lội suối vào khu vực hiện trường.
Tuy nhiên, đến sáng 13.10, lực lượng này vẫn chưa cung cấp tín hiệu trở ra. Thông tin được biết đoàn công tác này có tổng cộng 21 người trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Phó tư lệnh Quân khu 4), đại tá Ngô Nam Cường (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) và một số lãnh đạo H.Phong Điền.
|
Khi đến gần khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đoàn công tác đã quyết định bám đá, bò trườn để qua những điểm sạt lở, tuy nhiên, khu vực này nước chảy xiết nên đi lại rất khó khăn. Khi đoàn công tác đang nghỉ chân ở trạm kiểm lâm số 7 thì quả đồi bên đường bất ngờ bị sạt lở.
Trong sáng 13.10, lực lượng cứu hộ các đơn vị đã cấp tốc triển khai phương án cứu nạn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ chỉ mới liên lạc được với 8 người trong đoàn công tác, 13 người còn lại hiện vẫn đang mất liên lạc.
Huy đông trực thăng, xe chuyên dụng tham gia cứu hộ
Các phương tiện xe máy xúc, xe đặc chủng, cùng máy bay trực thăng đã được điều động tham gia công tác cứu hộ. Một số người tham gia cứu hộ cho biết xe đặc chủng không thể di chuyển vào khu vực thủy điện do đường dốc và rất trơn trượt. Trước đó, tối 12.10, xe đã cố gắng vào hiện trường nhưng phải quay đầu trở ra.
Ngoài ra, 17 công nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3 bị mất liên lạc.
|
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, một số người dân đã gọi điện cầu cứu đến lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết họ đang gặp nạn, mắc kẹt tại nhà điều hành của công trình thủy điện Rào Trăng 3 vì đất sạt lở.
Chủ đầu tư thủy điện này cũng đã thuê trực thăng cứu hộ để tiếp cận hiện trường nhưng do thời tiết xấu chưa thể xuất phát bay.
Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11.2008 (vị trí tại xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất lắp máy 11 MW, với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ. Đến nay, Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn tất 90% hạng mục xây dựng.
|
Bình luận (0)