Sạt lở thảm khốc ở Nậm Tông (Lào Cai): Nỗi đau nữ trưởng trạm băng rừng cứu người

Sạt lở thảm khốc ở Nậm Tông (Lào Cai): Nỗi đau nữ trưởng trạm băng rừng cứu người

16/09/2024 06:21 GMT+7

Đi bộ khoảng 8 km đường núi dốc trong lúc trời đang mưa lớn, chị Sin Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc (H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) không bao giờ quên được ánh mắt cầu cứu của người dân trong vụ sạt lở tại thôn Nậm Tông.

Xuyên đêm cứu người

5 ngày qua, lực lượng chức năng đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân mất tích tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Mặc dù thời tiết nắng nóng, không thuận lợi khi không có điện, không có sóng điện thoại nhưng 150 người cả công an, quân đội, cảnh sát cơ động, đội tìm kiếm cứu nạn tự nguyện vẫn đang cố gắng hết mình để giúp đỡ người dân.

Sạt lở thảm khốc ở Nậm Tông (Lào Cai): Nỗi đau nữ trưởng trạm băng rừng cứu người

Là một trong những người có mặt tại hiện trường đầu tiên, chị Sin Thị Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc, cho biết 12 giờ 30 ngày 10.9, chị cùng các lực lượng chức năng trong xã bắt đầu nhận được tin từ trưởng thôn Nậm Tông về việc trong thôn xảy ra sạt lở đất, nhiều người bị thương.

Lãnh đạo xã và công an xác định do thôn Nậm Tông bị cô lập nên cách tiếp cận duy nhất là đi bộ.

"Chúng tôi bắt đầu di chuyển từ trung tâm xã lúc 15 giờ. Trong đoàn, chỉ có mình tôi là cán bộ y tế vì các cán bộ khác đang bị cô lập do mưa lũ. Trong quá trình đi, chúng tôi vượt qua tổng cộng 8 km đường rừng núi dốc, qua hàng chục điểm sạt lở nên phải 19 giờ 30 mới có mặt tại hiện trường. Chúng tôi thấy 4 thi thể và 11 người bị thương đang nằm đấy", chị Tâm nói.

Vụ sạt lở thôn Nậm Tông ở Lào Cai: Bất lực nhìn vợ con bị vùi lấp

Theo chị Tâm, dù đã qua 5 ngày sau vụ việc nhưng hình ảnh cả thôn bản tan hoang, người chết, người bị thương nằm la liệt vẫn ám ảnh chị.

"Khi nhìn hiện trường, ai cũng phải khóc vì nó rất đau thương. Trong số các nạn nhân bị thương có 3 trẻ em, 1 bé bây giờ bị chấn động não, 4 người lớn bị thương nặng, chấn thương vùng đầu, đa chấn thương, chi, gãy đốt sống lưng", chị Tâm nói.

Sạt lở thảm khốc ở Nậm Tông (Lào Cai): Nỗi đau nữ trưởng trạm băng rừng cứu người- Ảnh 1.

Chị Sin Thị Tâm

ẢNH: ĐÌNH HUY

Cả đêm hôm đó, chị không ngủ, chạy đua với thời gian để sơ cứu bệnh nhân, với hy vọng làm sao để 11 người được an toàn.

Sáng hôm sau, các bệnh nhân được lực lượng địa phương, dân quân vận chuyển ra ngoài, trong tình trạng giao thông hết sức khó khăn.

"Không có xe vào, khắp nơi sạt lở, đường sá bị chia cắt nên chúng tôi phải tự làm cáng bằng cách đan tre. Cứ 1 cáng thì 6 người thay phiên nhau để khiêng. Trong 11 bệnh nhân thì có 4 người phải khiêng cáng, 4 trẻ em được cõng trên lưng để đưa ra ngoài", chị Tâm kể.

Theo chị Tâm, điểm đưa các nạn nhân đến đầu tiên là Trạm y tế xã Bảo Nhai - nơi gần nhất với vụ sạt lở để đánh giá tình trạng bệnh nhân trước khi chuyển viện. Đến nay sức khỏe của nhiều bệnh nhân đã ổn định.

Kinh hoàng sau bão Yagi: 352 người chết và mất tích, sạt lở đe dọa khắp miền Bắc

Giá như có thể đến sớm

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc, cho hay, chị không bao giờ quên được ánh mắt cầu cứu của những người dân thôn Nậm Tông. Khi những người bị thương nằm đau đớn, những người dân trong thôn không biết làm gì, họ rất sốt ruột và đưa người đi ngược xuống trung tâm xã để xem đoàn đi đến đâu. Khi đến nơi, chị được người dân hỏi "cán bộ y tế đến đây không?". Đây là câu nói khiến chị chẳng thể nào quên được.

Sạt lở thảm khốc ở Nậm Tông (Lào Cai): Nỗi đau nữ trưởng trạm băng rừng cứu người- Ảnh 2.

Chị Tâm nhiều lần xúc động khi nhớ lại sự việc

ẢNH: PHAN HẬU

"Tôi trả lời "có" thì người dân nói, "chị ơi, bây giờ có một em bé bị thủng bụng, ruột rơi ra ngoài nhưng vẫn còn sống". Ngay lập tức, tôi chạy đến tiếp cận em bé đó nhưng khi đến được thì em đã mất rồi. Đó là hình ảnh tôi không thể quên, giá như lúc đó đường đi không bị sạt lở, ít nhất tôi đã đến sớm hơn để gặp được em, hỗ trợ em một cái gì đấy để em có thể ra đi thanh thản nhưng mà tôi không thể đến kịp được nữa", chị Tâm nghẹn ngào.

"Thực sự những lúc đó, các bác sĩ ở tuyến trên cũng rất muốn đến giúp đỡ tiếp cận hiện trường nhưng do mưa lớn họ không thể đến được. Trong 2 ngày đầu tiên, tôi làm việc không có thời gian ăn uống, đến ngày thứ 3 thì mọi việc mới ổn hơn, tôi mới dần trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường", chị Tâm nói tiếp và thông tin sẽ trực ở hiện trường cho đến khi tìm được hết người mất tích.

Tính đến thời điểm hiện tại, vụ sạt lở đất ở thôn Nậm Tông đã khiến 11 người chết, 8 người mất tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.