Trong mắt người quen và gia đình, Cao Thừa Dũng, 52 tuổi, là người trầm lặng, sống đơn giản và hiếu thảo. Rời quê nhà lên thành phố kiếm sống trong nhiều thập niên, ông ta đã nuôi 2 con trai vào đại học, và thích nhảy đầm mỗi chiều với vợ.
Tuy nhiên, Tân Hoa xã dẫn thông báo từ Bộ Công an Trung Quốc cho hay Cao đã nhận tội gây ra 11 vụ cưỡng bức, giết người ở tỉnh Cam Túc và Khu tự trị Nội Mông kế cận trong suốt 14 năm (1988 - 2002). Trong đó, nạn nhân nhỏ nhất là một bé gái 8 tuổi. Một số người còn bị tra tấn dã man trước khi chết.
Ngay sau khi xảy ra vụ đầu tiên, cảnh sát Trung Quốc đã ráo riết điều tra nhưng trong gần 30 năm qua không hề tìm được manh mối nào. Vì thế, giới truyền thông Trung Quốc đã đặt hỗn danh “Jack đồ tể” cho hung thủ, gợi nhớ đến kẻ sát nhân hàng loạt khét tiếng trong lịch sử tại London, Anh vào thế kỷ 19, vốn chưa bao giờ sa lưới pháp luật.
“Cẩn thận, kiên nhẫn và thù hận phụ nữ”
Theo Tân Hoa xã, Cao Thừa Dũng bị bắt hôm 26.8 trong cửa hàng bách hóa của mình tại TP.Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc sau khi các nhà điều tra đối chiếu trùng khớp ADN và dấu vân tay của ông ta với những chứng cứ thu thập tại hiện trường. Tổng cộng có 9 vụ án mạng được phát hiện tại thành phố này, 2 vụ còn lại tại thành phố Bao Đầu, Nội Mông.
Nạn nhân đầu tiên, 23 tuổi, được phát hiện tại nhà với 26 nhát dao trên thi thể vào ngày 25.8.1988, cùng năm con trai đầu lòng của Cao chào đời. Tân Hoa xã dẫn hồ sơ cảnh sát cho biết các vụ án đều có một số điểm chung gồm xảy ra vào ban ngày, nạn nhân là nữ và mặc đồ màu đỏ. Sau khi chọn được mục tiêu, hung thủ theo họ về nhà và lập tức tấn công nếu nạn nhân ở một mình hoặc bỏ đi nếu điều kiện không thuận lợi. Từ các dấu hiệu thu được, các nhà điều tra mô tả thủ phạm “sống trầm mặc, cẩn thận, kiên nhẫn và cực kỳ thù hận nữ giới”.
Chuỗi án mạng liên hoàn đã gây hoảng loạn trong một thời gian dài ở nhiều địa phương miền tây Trung Quốc. Phụ nữ không dám mặc đồ đỏ ra ngoài và nhiều người phải chuyển nhà, dọn về sống cùng gia đình.
Trong khi đó, những người quen biết Cao Thừa Dũng tỏ ra rất sốc sau khi ông ta bị bắt. Dù vậy họ thừa nhận người này có những đặc điểm phù hợp với mô tả tâm lý hung thủ của cảnh sát. Tờ South China Morning Post dẫn lời một số đồng nghiệp cũ nói ông ta hiếm khi giao tiếp với ai và hầu như không kể gì về quá khứ.
Ngay cả con trai cả của Cao cho biết anh “không hiểu lắm về cha” vì hầu như mỗi năm chỉ gặp ông ta một lần vào dịp tết và không nói chuyện nhiều. “Tôi chấp nhận sự thật nhưng vẫn không thể hiểu tại sao ông ấy làm vậy”, người này nói sau khi Cao bị bắt.
Trong khi đó, một người họ hàng kể Cao càng trở nên trầm mặc hơn sau khi vỡ mộng làm phi công khi còn trẻ “vì lý do lý lịch”. Một thời gian dài, ông ta một mình chăm sóc người cha bị liệt nhưng hầu như không liên lạc với họ hàng.
Đột phá bất ngờ
Dù cảnh sát thu được nhiều dấu vân tay và cả ADN tại hiện trường các vụ án nhưng Cao vẫn thoát lưới pháp luật thành công trong nhiều năm trời. Theo Tân Hoa xã, vào năm 2004, nhà chức trách treo thưởng 200.000 nhân dân tệ cho ai cung cấp tin tức giúp bắt được hung thủ, nhưng không hề nhận được manh mối nào. Một trong những lý do là Cao đăng ký hộ tịch tại quê nhà, một làng nhỏ cách Bạch Ngân 120 km, và thường xuyên di chuyển qua nhiều địa phương trên khắp nước để làm việc.
Vụ án tưởng chừng như rơi vào bế tắc hoàn toàn cho đến tháng 3.2016, khi một người họ hàng của Cao bị bắt vì tội trộm vặt. Khi lấy ADN của người này để đối chiếu theo thủ tục, cảnh sát bất ngờ nhận ra có điểm tương đồng với ADN của hung thủ nên lập tức lật lại hồ sơ để điều tra, theo tờ China Daily.
Cuối cùng, một trong những vụ án nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc trong nhiều thập niên có thể sẽ được khép lại.
Bình luận (0)