Cha mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa rồi sinh em bé, hoàn cảnh khó khăn, Mai nghe lời dỗ ngọt của người cô sang Trung Quốc làm việc để phụ gia đình. 2 tuần sau khi con đi, bà Đặng Thị Thu Cúc mẹ Mai nhận được lá thư, bộ quần áo và 5 phân vàng gửi về rồi bặt tin con từ đó.
Mãi đến 28 năm sau, khi gặp được Mai qua điện thoại hôm 16.8, bà Cúc mới biết con mình đã bị người cô "gả đi".
Nhờ những người hàng xóm
Cô bé Lê Thị Phương Mai giờ đã 42 tuổi, có 2 đứa con gái. Mai sống cùng gia đình chồng trong một ngôi làng nhỏ ở H.Quảng Đông, Trung Quốc. Lúc đi sang Trung Quốc, Mai còn là một đứa trẻ, không biết tiếng địa phương, không có phương tiện kết nối với bên ngoài và không giấy tờ tùy thân, nên chỉ biết cam chịu. Mai sinh con đầu lòng khi chỉ mới 16 tuổi.
"Tôi luôn nhớ về gia đình. Tôi từng thử nhờ những người Việt ít ỏi mình quen biết về nước hỏi thăm tung tích mẹ nhưng không được", chị Mai bật khóc.
Gần đây, chị Mai quen và hay trò chuyện với một người phụ nữ Việt sống trong làng. Thấy người này gọi về gia đình ở quê hương, chị bắt đầu thổ lộ khao khát tìm lại người thân của mình.
May mắn, người hàng xóm của chị Mai thường theo dõi kênh YouTube của anh Tuấn Vỹ (46 tuổi, ở Đồng Tháp). Trong 3 năm qua, kênh của anh được nhiều người biết đến với việc kết nối thành công hàng trăm trường hợp thất lạc người thân ở khắp nơi.
Sáng 15.8, chị Mai lần đầu ngồi trước màn hình điện thoại trò chuyện với một người ở Việt Nam, kể về câu chuyện đời mình.
Bà Cúc kể lại khoảnh khắc 2 mẹ con nhận ra nhau qua điện thoại.
Những cái tên người thân được chị liệt kê và lời khẩn cầu thốt ra kèm 2 dòng nước mắt: "Mong cộng đồng giúp tôi tìm được gia đình. Mẹ tôi tên Cúc, em trai tên Phương, em gái tên Phượng".
Bên kia biên giới, ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai cách tỉnh Quảng Đông gần 3.000 km, cũng có một người đang theo dõi những lời tâm sự của chị Mai.
Một người phụ nữ già sống gần nhà mẹ chị Mai nhận ra những cái tên quen thuộc.
28 năm nay, kể từ ngày chị biệt tích, câu chuyện người về mẹ hằng ngày lên chùa khấn vái mong tin con được nhiều người dân ở ấp Tân Cang biết đến. Bà lật đật chạy sang gọi bà Cúc báo tin: "Có cô tên Lê Thị Phương Mai đang tìm".
"Bao năm nay toàn là tôi đi tìm con, chưa bao giờ có ai tên Phương Mai chủ động tìm đến", bà Cúc nói, tim đập nhanh, chân run run chạy sang nhà người hàng xóm, xem đoạn video trên mạng.
Hôm sau, nhờ sự kết nối của anh Tuấn Vỹ, chị Mai và gia đình bà Cúc đã có buổi gặp mặt online. Hai mẹ con nhìn nhau, chưa ai dám nhận người ngồi trước màn hình là người thân của mình. Người mẹ mở lời trước, giọng bình tĩnh: "Con còn cái nốt ruồi nhỏ dưới mí mắt không?".
Ngày xưa, bà Cúc thường nói với con gái: "Mẹ sợ nốt ruồi này khiến đời con sau này sẽ khổ. Nốt ruồi dưới mí mắt sẽ làm con khóc hoài, con ơi".
Phía đối diện, chị Mai bật khóc. Chị nhận ra những lời nói quen thuộc thời thơ ấu của mẹ dành cho mình.
Chị Mai nghẹn giọng, hỏi bà Cúc: "Mẹ giơ 2 bàn tay lên con xem". Bà Cúc đưa bàn tay lên, đó cũng là giây phút bà biết chắc chắn trước mặt là con gái mình.
"Ngón trỏ tay trái của tôi bị mất một đốt, con còn nhớ. Đúng là con tui rồi", bà Cúc xúc động khóc thành tiếng, 2 hàng nước mắt túa ra.
Những uất nghẹn được giãi bày
Những ký ức gần 30 năm trước ùa về, bà Cúc kể mình vốn là người gốc TP.HCM. Thời trẻ bà làm y tá còn chồng làm tài xế. Ngoài Mai, vợ chồng bà còn có thêm cậu con trai kém chị 2 tuổi. Năm Mai lên 9, chồng bà Cúc qua đời.
Cuộc sống ở thành phố khó khăn, 3 mẹ con khăn gói về TP.Biên Hòa sống. Bà Cúc xin làm dọn dẹp trong một ngôi chùa trên đồi Lá Giang gần nhà. Mai theo mẹ phụ việc, nhổ cỏ, khi thì đi hái điều thuê. Bà gửi đứa con trai thứ hai vào chùa ở hẳn, nhờ các sư thầy nuôi.
Mấy năm sau, vì muốn có chỗ dựa, bà đi thêm bước nữa với ông Nguyễn Anh Chơn, năm nay 70 tuổi. Năm 1995, ngày bà Cúc sinh thêm đứa con gái út. Ông Chơn mải đi làm thuê, Mai theo mẹ lên viện.
Bà Cúc sinh con xong còn yếu. Em bé lại bị bệnh phải chuyển viện cấp cứu. Một tay Mai bế em đi xin sữa, mớm cho em từng giọt. Lúc em ngủ, Mai giặt đồ mướn cho mọi người trong phòng. Được trả ít tiền, cô bé chạy lại bác sĩ nhờ mua sữa cho em.
"Con thay tôi đặt tên cho em gái là Phượng", bà Cúc kể.
Khi Phượng chưa tròn năm, Mai thấy mẹ khổ nên muốn đi làm. Bà Cúc bảo con lên TP.HCM đến nhà bà nội xin bà và các cô chú một chiếc xe đạp để đi làm. Cũng vì thế, người cô ruột thứ 10, gặp lại Mai và dụ dỗ cô bé sang Trung Quốc làm việc. Lúc bấy giờ, Mai cũng có người cô út đang làm việc bên đó, nên tin tưởng quyết định đi theo. Sang đến nơi, người cô thứ 10 định bán Mai vào nhà chứa, nhưng cô út cản lại. Sau đó, họ quyết định bán Mai cho một người đàn ông gần bằng tuổi bà Cúc làm chồng.
Ông Chơn, người chồng sau của bà Cúc cũng trách vợ: "Tui cũng có công nuôi con, sao ba cho con đi mà không hỏi tui một tiếng?".
Thời gian đầu sau khi con đi, bà Cúc không đêm nào yên giấc. Sau khi con đi được 1 tháng, bà Cúc quay lại nhà nội tìm nhưng mọi người đã bán nhà đi nơi khác. Cũng từ đó đến nay mấy chục năm trời, bà không còn gặp lại người cô đưa Mai đi.
"Tôi có gặp lại mẹ chồng, những người em chồng khác hỏi thăm thì họ đều trả lời là không biết tin tức của Mai. Bảo với tôi rằng, cháu nó đi làm ăn, bao giờ có tiền thì nó về, chị lo gì?", bà Cúc nhớ lại. Đó cũng là nỗi dằn vặt của bà Cúc 28 năm qua.
Nhiều người ác miệng, đổ oan cho bà vì khổ mà bán con. Không dám nghĩ con bị cô ruột bán nên khi đó bà chưa dám trình báo công an để rồi mấy chục năm trôi qua và người cô kia cũng mất tung tích.
Bà chỉ nghĩ, có thể con khó khăn, hoặc lỡ dại làm điều gì đó có lỗi với mẹ nên không dám về. Đồng lương dọn dẹp ít ỏi trong chùa, bà dành hết đi coi bói với những niềm tin mơ hồ rằng "tháng sau con về, năm sau con về"…
Ngày làm giấy khai sinh cho bé út Phượng, bà đặt lại tên là Phượng Mai, để nhớ về cô con gái đầu lòng Phương Mai. Ngày đi bé út còn ẵm ngửa, giờ cô đã kết hôn, có 3 đứa con nhỏ.
Em trai ruột chị Mai, anh Lê Đặng Sĩ Phương (40 tuổi) kể rằng chị hai rất thương mình. Người đàn ông cao to mạnh mẽ miệng thì nói rằng: "Mình gặp nhau rồi, vui lên chị", nhưng nước mắt cứ lăn dài.
Hồi đó, sợ em trai sống trong chùa ăn cơm không no. Chiều nào chị hai cũng lén mang một chén cơm nhà nấu lên cho em ăn thêm. Sau này lớn lên, anh Phương giận chị. Không cho mẹ nhắc tới, nghĩ rằng chị bất hiếu, bỏ gia đình mà đi. Nào có ai ngờ, chị anh bị bán.
Thời gian trôi qua, chị Mai thích nghi với cuộc sống ở nhà chồng. Cô giỏi tiếng Trung hơn, xin làm công nhân trong một phân xưởng gần nhà. Hai đứa con gái cũng đã đi làm, biết nghe lời mẹ. Chồng Mai năm nay cũng gần 60, hằng ngày bán rau ở chợ và thương vợ con. Cuộc sống gia đình của một người phụ nữ có thể gọi là êm đềm, duy chỉ có nỗi nhớ nhà trong lòng luôn dậy sóng.
Chị Mai cảm thấy may mắn vì cuối cùng mình cũng tìm được gia đình. Nhắc lại chuyện xưa, chị chỉ biết khóc. Chị không quên nói với mẹ rằng, sau này có dịp về Việt Nam, tìm được người cô kia, chị sẽ làm cho rõ chuyện.
Tuy uất hận, nhưng chị vẫn cố gắng trấn an bà Cúc rằng: "May mắn là hiện tại cuộc sống của con rất ổn. Chồng cũng cho phép 3 mẹ con về thăm quê ngoại".
Khó khăn hiện tại của chị là không có giấy tờ tùy thân. Những kỷ vật, hình ảnh của chị Mai bà Cúc không còn giữ, chỉ có tờ giấy khai sinh rách bươm của con bà coi như báu vật. Những ngày này, người mẹ chạy ra xã nhờ công chứng giấy tờ gửi sang, với hy vọng con gái có thể làm được giấy tờ. Ở bên kia, chị Mai cũng xin làm tăng ca đến 23 giờ, ráng tích cóp tiền để về quê, để ôm trọn gia đình mình bằng xương bằng thịt.
Bình luận (0)