Sau bão số 12: Ngư dân tiền của mất trắng gạt nước mắt quyết chí làm lại

17/11/2017 10:06 GMT+7

Bão qua, nước mắt chảy ròng nhưng người dân 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vững chãi đứng dậy sửa chữa lại lồng bè, tàu thuyền để tiếp tục mưu sinh.

Bãi Lau thành… bãi xác tàu
Để ra được bãi Lau, thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, H.Đông Hòa (Phú Yên), phóng viên Thanh Niên phải thuê đò vượt biển mới đến được. Trên đường đi, trên vịnh Vũng Rô, tàu thuyền đi lại thưa thớt. Trên những chiếc bè, nhiều người bắt đầu sửa chữa lại lồng bè. Tiếng máy nổ, máy khoan át tiếng sóng. Nhưng cũng có những lồng bè bị sóng đánh gãy vẫn còn nằm im mặc cho sóng vỗ dập dềnh.
Những người còn sức thì sau khi tìm thấy lồng bè, họ bắt tay ngay vào sửa chữa để tiếp tục nuôi trồng. Còn những người đuối sức thì họ cứ để đó rồi tính sau.
VIDEO: Nhiều ngư dân đã gắng gượng dậy sau bão số 12
Đò chạy được chừng 20 phút thì bãi Lau hiện ra trước mắt nhưng cảnh tượng hoang tàn, xác xơ lại càng hiện rõ hơn. Trước mắt là bãi xác tàu thuyền. Đây là dấu tích còn lại sau cơn bão lịch sử số 12. Tàu cá bị vỡ mạn, đứt gãy nửa thân chôn vùi trong cát nằm la liệt. Và còn những chiếc đang chìm dưới đáy biển ở bãi Lau mà ngư dân vẫn chưa trục vớt kịp.
Người dân đuối sức nên chưa thể sửa chữa lại lồng bè
Đã 10 ngày trôi qua, nhưng sức tàn phá của cơn bão khiến việc khắc phục vô cùng khó khăn. Xác tàu phơi mình trong xác lưới. Trong số đó có 3 chiếc tàu từ 33CV trở lên bị sóng đánh dồn vào nhau vỡ vụn. Còn chiếc tàu lớn trên 320 CV trị giá hơn nửa tỉ bạc của ngư dân Nguyễn Hồi (quê ở xã Đại Lãnh, H.Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị lật nghiêng và một phần mạn tàu bị vùi trong cát hư nát.
Vợ chồng anh Hồi đang nỗ lực xúc từng gàu cát từ bên trong khoan để cứu lấy tàu cá. Trước khi bão vào, ông Hồi đưa tàu cá vào bãi Lau để tránh trú bão. Thế nhưng, khi bão vào khiến dây neo bị đứt, tàu đánh dạt lên bờ vùi sâu trong cát.
Tàu cá của ông Hồi bị vỡ nát. Ông Hồi buồn rầu nói: “Tôi mới mua gần 500 triệu đồng, nhưng hư hỏng như thế này sửa chữa lại thì mất hơn 200 triệu. Trong khi trước đó, tôi đã vay 150 triệu đồng rồi. Giờ muốn sửa chữa lại thì cũng phải vay thôi, chứ tiền đâu mà sửa chữa nổi”.
Một lồng bè của ngư dân còn sót lại sau bão
Tàu cá của anh Nguyễn Văn Ti (quê ở H.Tuy An, Phú Yên) cũng bị sóng vùi sâu dưới cát. Anh Ti đã thuê thợ nỗ lực cứu tàu nhưng đã hơn 4 ngày mà vẫn chưa xong. “Giờ chắp vá, sơn trét lại, chứ tàu bị thiệt hại hơn 70%. Và cũng phải mất 2-3 ngày nữa mới sửa chữa xong”, anh Ti nói.
Ông Nguyễn Nhân, Trưởng thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, H.Đông Hòa (Phú Yên) cho biết, thôn Vũng Rô có 33 chiếc tàu thuyền bị bão đánh chìm, trôi mất và hàng chục tàu thuyền nơi khác đến tránh trú bão cũng bị thiệt hại nặng.
Nhiều xác tàu cá nằm la liệt ở bãi Lau
Trục vớt tàu thuyền còn nằm dưới biển
Ông Huỳnh Cơ (quê ở xã Đại Lãnh, H.Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang cùng những người thợ thuyền ra sức trục vớt chiếc tàu của con trai ông là anh Huỳnh Văn Vịnh, còn nằm sâu dưới nước. Ông Cơ xót xa nói: “Từ bãi Lau này đến bãi Chính có đến cả trăm chiếc tàu thuyền bị bão đánh chìm. 66 chiếc tàu thuyền của ngư dân xã Đại Lãnh đến trú bão ở đây đều chìm, một số ít tàu bị sóng đánh tan xác trên bờ. Cũng như nhiều ngư dân khác nghĩ rằng bãi Lau nằm sâu trong eo núi, là nơi trú tránh bão an toàn nên cha con tôi chạy tàu đến đây neo đậu cẩn thận. Thế nhưng, thực tế hậu quả khôn lường khi bão dữ đổ bộ chính diện và kéo dài kết hợp sóng lớn nên không có chiếc tàu nào có thể “trụ” nổi trên mặt biển”.
Lưới cá bao lấy xác tàu cá
Anh Đinh Văn Hoàng (quê ở Phú Yên), chủ tàu cá PY-95119 đã cùng một số chủ tàu khác quần quật suốt hơn 10 ngày để trục vớt tàu thuyền của ngư dân bị chìm xuống biển bãi Lau. Nhóm của anh Hoàng đã trục vớt thành công hơn 20 tàu thuyền lớn nhỏ đưa vào bờ sửa chữa. “Hiện đã vớt được hơn 60% số tàu thuyền. Hiện còn một số tàu lớn chưa vớt được”, anh Hoàng nói.
Trong khi đó, nhóm của anh Lê Công Minh (quê ở TT.Hòa Hiệp Trung, H.Đông Hòa, Phú Yên) cho biết, cứ mỗi chiếc được đưa lên bờ mất chi phí 6 triệu đồng. “Tôi đã tham gia giúp bà con trục vớt 34 chiếc tàu chìm nơi bãi Lau”, anh Hoàng nói.
Cát phủ lấy tàu cá có công suất lớn
Và khó có thể cầm được nước mắt khi bắt gặp hình ảnh anh Châu Đình Phước ở bãi Lách ngày ngày lếch trên cát hoặc chống nạn ra đứng thẫn thờ trước biển, rồi thuê người ra bãi Lau trục vớt tàu. Anh Phước bị cưa mất chân trái lên sát mông sau một vụ tai nạn cách đây 10 năm. Thương tật và làm ăn bấp bênh, 4 năm trước, vợ chồng anh tích cóp, mạnh dạn vay mượn 350 triệu đồng sắm chiếc tàu và giàn lưới đi đánh cá. Dù bị tật nguyền nhưng anh Phước cũng lái được tàu khai thác thủy sản hiệu quả, đủ đắp đổi nuôi 3 con ăn học.
Giờ thì cả cơ nghiệp coi như mất trắng. “Đến ngày 12.11, tôi mới thuê được người trục vớt tàu. Nhưng bão đánh chìm tàu hỏng nát rồi, chỉ lấy lại được cái máy thôi. Tôi sẽ cố gắng sắm lại tàu để vực dậy nghề đánh cá, nhưng người thương tật như tôi cũng chưa biết xoay xở thế nào đây”, anh Phước tâm sự.
Chiếu tàu cá đã tan xác, chỉ còn lại cái máy trơi trọi
Khôi phục lại lông bè
Trước đây, lồng bè nuôi trồng thủy sản nằm ken dày ở vịnh Vũng Rô. Giờ thì thưa thớt hẳn. Số còn lại thì xơ xác. Ông Nguyễn Hứa (ở bãi Lách, thôn Vũng Rô) với gương mặt phờ phạc sau bão vì ông phải tất tả chạy đi chạy lại thuê nhân công để sửa chữa đóng lại lồng bè và thợ lặn để lặn bắt tôm, cá còn sót lại trong lồng bị rách. Ông Hứa, bộc bạch: “Tôi dốc toàn bộ vốn liếng đầu tư trên 1 tỉ đồng thả nuôi khoảng 4.000 con cá các loại như mú, chim, bốp…; nuôi hơn 4.000 con tôm hùm sắp đến kỳ thu hoạch. Dù neo chằng lồng bè cẩn thận, nhưng cơn bão dữ này gây thiệt hại nặng bè tôm cá. Qua kiểm đếm ban đầu, số tôm, cá còn lại chỉ khoảng 1.500 con. Hiện nhà cửa của gia đình tôi cũng bị hư hỏng nặng nên việc gầy dựng lại nghề nuôi thủy sản như trước đây đòi hỏi phải mất thời gian khá dài”.

Người dân phải dùng nồi để hốt cát trong khoang để cứu lấy tàu cá
Không may mắn vớt vát được ít tôm, cá như ông Nguyễn Hứa, anh Nguyễn Ngọc Tý (37 tuổi ở bãi Ngà) thả nuôi hơn 3.000 con tôm hùm, 1.000 con cá các loại nhưng bị trôi mất sạch. Chị Mai Thị Vân (vợ anh Tý) cho biết: “Tôi ở nhà chỉ biết lo dọn dẹp nhà bị bão đánh sập, còn mấy ngày nay anh Tý cứ lặn hụp ngoài biển tìm lồng bè và chỉ mới tìm được 2 lồng bị rách lưới không còn sót lại con tôm nào. Gia đinh tôi cũng như đa số các hộ nuôi tôm hùm ở bãi Ngà, bãi Lách bị thiệt hại đều có vay vốn ngân hàng. Bà con rất mong chính quyền địa phương cùng ngành Ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để tái đầu tư sản xuất”.
Cũng giống như anh Tý, anh Phạm Được (40 tuổi) mấy hôm nay cứ chèo thuyền thúng ra biển vừa tìm trên bờ vừa lặn kiếm chiếc bè bị gãy trôi mất. Gia đình anh Được là hộ nghèo trong thôn Vũng Rô, đã vay vốn thả nuôi gần 1.000 con tôm hùm sắp đến kỳ thu hoạch. Thế nhưng giờ mất trắng, ôm nợ.

Ông Nguyễn Hồi nỗ lực cứu lấy tàu cá trị giá nửa tỉ đồng
Ông Nguyễn Nhân, Trưởng thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, cho biết có 64 hộ dân trong thôn nuôi tôm, cá các loại bị thiệt hại hơn 500 tỉ đồng, có nhiều hộ mất trắng 3-5 tỉ đồng.
UBND tỉnh Phú Yên đã quy hoạch tạm thời và chỉ cho phép tạm thời sử dụng 100 ha mặt nước từ bãi Bàng đến bãi Nhãn để nuôi thủy sản bằng lồng bè, nhưng phong trào nuôi tôm, cá trong vịnh Vũng Rô “bùng phát” với khoảng 10.000 lồng bè (đa số lồng bè của người dân ở các nơi khác đến nuôi ) nên lồng bè nằm ken dày ở nơi này khó quản lý và đối mặt với những bất trắc do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiên tai… là điều khó tránh khỏi.

Thợ đóng tàu đang dùng cưa máy tận dụng những khúc gỗ còn lại để sửa chữa tàu
Khẩn trương sửa tàu để kịp ra khơi
Người dân khẩn trương đóng lại bè mới
Cá tươi cung cấp cho những lồng nuôi thủy sản còn sót lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.