Điểm nhấn phát triển du lịch, kinh tế
Mới đây, việc Huế đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế" cũng như "Huế - Kinh đô ẩm thực" (với bún bò Huế và nhiều món ăn khác) khiến nhiều người thắc mắc: Điều này sẽ mang lại gì cho Huế? Nó khác gì việc đăng ký sở hữu trí tuệ với phở Thìn (Hà Nội), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)…?
Về điều này, luật sư Phan Vũ Tuấn (Công ty Phan Law) cho biết cụm từ "Bún bò Huế" không được bảo hộ riêng như một nhãn hiệu vì là tên gọi thông thường của sản phẩm. Do đó, nếu chỉ sử dụng cụm từ "Bún bò Huế" mà không kèm theo hình ảnh và thiết kế như mẫu nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế, hình" thì không cần phải xin phép.
Cũng theo ông Tuấn, trong khi "Bún bò Huế, hình" là một nhãn hiệu chứng nhận, thì "Phở Thìn" lại là một nhãn hiệu thông thường. Nhãn hiệu chứng nhận mang trong mình chức năng chứng nhận về các đặc tính của sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi mà nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ. Trong khi nhãn hiệu thông thường chỉ là chức năng cơ bản phân biệt sản phẩm, dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác.
Cụ thể, nhãn hiệu "Phở Thìn" là dấu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết các cửa hàng bán phở do ông Bùi Chí Đạt (chủ sở hữu nhãn hiệu) sở hữu, quản lý hoặc cho phép sử dụng. Qua đó, người tiêu dùng phân biệt được với sản phẩm phở và/hoặc cửa hàng bán phở của những tổ chức, cá nhân khác.
Nhãn hiệu "Bún bò Huế, hình" không nhắm đến mục tiêu phân biệt sản phẩm, dịch vụ giữa các chủ thể kinh doanh với nhau, mà hướng đến việc chứng nhận các đặc tính về sản phẩm bún bò Huế và dịch vụ nhà hàng ăn uống, cung cấp đồ ăn là bún bò Huế. Qua đó, người tiêu dùng nhận biết được đâu là sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông Tuấn cũng cho biết trong khi đó, nước mắm Phú Quốc và vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) không phải là nhãn hiệu mà hiện đang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nó là dấu hiệu dùng chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể.
Về lợi ích của Huế khi có trong tay nhãn hiệu "Bún bò Huế", ông Tuấn phân tích: "Có thể nói, bún bò Huế là món ăn quen thuộc và được bán ở nhiều nơi, nhưng mỗi nơi lại có hương vị riêng, thậm chí có những biến tấu riêng. Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cùng với việc làm rõ các tiêu chí, đặc tính từ thành phần, màu sắc, mùi, vị và các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ khẳng định và duy trì bản sắc món ăn đặc sản của địa phương, đồng thời cũng là điểm nhấn để phát triển du lịch, kinh tế của tỉnh Thừa Thiên-Huế".
Cần hình thức bảo hộ phù hợp
Sau bún bò Huế, về việc có nên phát triển các nhãn hiệu liên quan đến ẩm thực Huế như bánh bột lọc, xôi hon, ẩm thực chay, ẩm thực cung đình hay không, ông Tuấn cho rằng Thừa Thiên-Huế là tỉnh có nhiều đặc sản giá trị kinh tế cao, đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực với nhiều món ăn đặc trưng gắn liền từng địa phương. Do đó, việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương dưới hình thức xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý là một phương án thiết thực. Điều này có thể thúc đẩy hình thành các thương hiệu mạnh, thúc đẩy kinh tế và quảng bá văn hóa.
Mặc dù vậy, luật sư Tuấn nhấn mạnh: "Tỉnh cũng nên cân nhắc và đưa ra phương hướng đăng ký hình thức tài sản trí tuệ phù hợp, từ đó bảo hộ các thương hiệu đặc sản của tỉnh theo các quy định về sở hữu trí tuệ. Mỗi hình thức sẽ có những đặc điểm riêng về việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Việc lựa chọn không phù hợp có thể dẫn đến làm hạn chế tiềm năng phát triển, mở rộng thị trường của những đặc sản đã được đăng ký".
Tại các tỉnh, thành khác, việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận hiện cũng chưa mạnh như tại Thừa Thiên-Huế. Ví dụ điển hình ở Hà Nội, thông tin từ Sở VH-TT Hà Nội cho biết sở thậm chí còn chưa có kiểm kê di sản văn hóa ẩm thực. Bởi vậy, mơ ước một nhãn hiệu chứng nhận "Phở Hà Nội" hay "Bún chả Hà Nội" vẫn còn xa vời. Hay như tại Nam Định, dù đã xác định được làng nghề phở nhưng thương hiệu "Phở Nam Định" hiện vẫn chưa có nhãn hiệu chứng nhận...
Theo TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay tại VN có những thương hiệu chưa được phát triển, như bánh mì Sài Gòn khá quen thuộc với nhiều người nước ngoài nhưng ở VN lại chưa có đăng ký. Từ đó, TS Thủy lưu ý các địa phương nên chủ động phát triển nhận diện thương hiệu đặc sản và ẩm thực sao cho đa dạng hơn. Thông thường, các doanh nghiệp nhỏ ít thông tin để có thể tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ thuận lợi. Chính vì thế, việc các sở liên quan như văn hóa, khoa học - công nghệ chủ động hỗ trợ người dân, hay có các kế hoạch giống như Thừa Thiên-Huế vừa làm với bún bò là rất nên. "Nếu có thể hình thành chuỗi đặc sản thì quá tốt", TS Thủy nói.
Bình luận (0)