Cụ thể, trong bài phát biểu tối 24.2, Tổng thống Duterte cho hay ông muốn nghe quan điểm của người dân Philippines về VFA và đề nghị cho biết ý kiến thông qua Trung tâm than phiền của Công dân, theo tờ Philippine Daily Inquirer.
Trước đó vào ngày 12.2, khi phát biểu trước các binh sĩ Philippines, Tổng thống Duterte tuyên bố: "Tôi xin thông báo nếu Mỹ muốn duy trì VFA thì phải trả chi phí, theo Reuters. “Đó là trách nhiệm chung và trách nhiệm của Mỹ không phải là miễn phí. Khi chiến tranh bùng nổ, chúng ta đều phải gánh chịu chi phí”, ông Duterte nhấn mạnh, được cho là ám chỉ nguy cơ bùng nổ xung đột ở Biển Đông.
Hồi tháng 12.2020, Tổng thống Duterte đe dọa sẽ tiếp tục hủy VFA nếu Mỹ không cung cấp vắc xin Covid-19 cho Philippines.
|
Vào ngày 23.1.2020, ông Duterte cảnh báo Mỹ có một tháng để khôi phục thị thực cho thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa, nếu không ông sẽ hủy bỏ VFA. Đến tháng 2.2020, theo chỉ đạo của ông Duterte, chính phủ Philippines đã gửi thông báo hủy VFA cho phía Mỹ, nhưng sau đó, việc hủy thỏa thuận này đã được hoãn hai lần. Mới đây, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho hay hai nước sẽ tháo gỡ các bất đồng về VFA trong tháng này.
VFA được Mỹ và Philippines ký vào năm 1998, cho phép binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Mỹ xem VFA cần thiết cho việc điều các lực lượng đến Philippines nhằm củng cố Hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước đã ký vào năm 1951. Mỹ hiện có chưa tới 200 quân nhân đóng trú ở Philippines, chủ yếu tham gia các chiến dịch chống khủng bố, theo tờ South China Morning Post.
Bình luận (0)