Sau khi thất nghiệp làm những điều này để tìm được việc mới...

25/08/2023 16:13 GMT+7

Thất nghiệp là khoảng thời gian cần lắng lại để đánh giá bản thân, cải thiện những điều chưa tốt và trang bị các kỹ năng để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Quan tâm đến sức khỏe tinh thần

Hoang mang là cảm giác của Đỗ Hoài Vân (25 tuổi), ngụ tại P.Quỳnh Lâm, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, vì chưa suy nghĩ kỹ trước khi thôi việc. Một tháng thất nghiệp, gần như mọi sự tự tin trong Vân đã tan biến. Từng là một sinh viên giỏi và có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty quốc tế, nhưng đối với Vân bây giờ, tìm việc quá khó khăn.

Thất nghiệp để nhìn nhận lại bản thân - Ảnh 1.

Tìm được việc làm tốt và phù hợp với bản thân đòi hỏi cần phải sự chuẩn bị kỹ lưỡng

TRÍ NGHĨA

Nộp hồ sơ, đi phỏng vấn và chờ đợi. Cứ thế đã nhiều tháng liên tiếp, Vân rơi vào tình trạng mất ngủ vì lo lắng không có tiền chi trả phí sinh hoạt. Lúc nào Vân cũng thấy lạc lõng.

“Không có được công việc như ý muốn, mình đã không còn tự tin như trước đây. Bản thân phải đăng ký làm bán thời gian tại cửa hàng tiện lợi để có thể trả tiền nhà. Khi nhìn vào sự kỳ vọng từ gia đình và thành tích của bạn bè, mình càng thấy áp lực hơn. Thời gian thất nghiệp khiến mình nhận ra bản thân vẫn còn thiếu quá nhiều kỹ năng để có công việc như mơ”, Vân tâm sự.

Nghỉ ngang việc học đại học, nhưng 5 năm qua Lê Thu Trâm (23 tuổi), ngụ tại P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã cố gắng làm việc để tiếp thu thêm kinh nghiệm. Ban đầu, Trâm làm việc bán thời gian ở các quán nước, quán ăn. Sau đó, khi đã có kinh nghiệm và kiến thức nhiều hơn, Trâm làm việc tại các trung tâm tiếng Anh. Dù có khá nhiều kinh nghiệm nhưng Trâm vẫn không tránh khỏi khoảng thời gian thất nghiệp kéo dài.

“Lúc nghỉ ở công ty cũ, mình cũng được cảnh báo rằng thời điểm hiện tại khó khăn trong việc tìm nơi làm việc mới. Mình quá tin vào thực lực và kinh nghiệm nên chủ quan, không có kế hoạch dự trù. Sau đó mình đăng ký ứng tuyển hàng chục công ty trong vòng 2 tháng mà không có đơn vị nào phản hồi. Cảm giác như giậm chân tại chỗ, kém cỏi. Tâm lý càng ngày càng tệ hơn”, Trâm chia sẻ.

Sau cú sốc, Trâm dành thời gian để nhìn nhận lại vấn đề, học cách chấp nhận bản thân. Bên cạnh đó, Trâm cũng tìm tới các hoạt động nghệ thuật, thể chất để xoa dịu tinh thần bất ổn. Sau tất cả, Trâm nhận ra khó khăn cũng là cơ hội. Đó là giai đoạn để biết trình độ của mình ở mức nào. Cần dùng hết sức để cải thiện và chứng minh năng lực. 

Thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên, chuyên viên tham vấn tâm lý tại nền tảng chăm sóc sức khỏe tinh thần EzCareMe, cho rằng: “Hệ quả trực tiếp của tình trạng thất nghiệp kéo dài là khủng hoảng tài chính cá nhân và nguy cơ bất ổn trong sinh hoạt. Dư nhiều thời gian, một số cá nhân dùng mạng xã hội dẫn đến sự so sánh và áp lực đồng trang lứa. Các bạn cũng có nhiều suy nghĩ không tích cực và hạ thấp bản thân. Có bạn sẽ thu mình lại, cũng có người phản ứng tiêu cực với những thứ xung quanh”.

Theo chị Hải Uyên, để giữ vững sức khỏe tinh thần, bạn trẻ cần chủ động có kế hoạch nghề nghiệp, tài chính khi sắp nghỉ việc. Thời gian này, nên duy trì một số mối quan hệ để mang lại cảm giác tích cực. Lịch trình sinh hoạt hằng ngày của các bạn phải lành mạnh và phù hợp với bản thân. Cần học thêm cách quản lý chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, chị Hải Uyên tin rằng bạn trẻ đóng góp cho hoạt động cộng đồng cũng có thể khiến tâm trạng trở nên tốt hơn.

Trang bị kỹ năng để thuyết phục nhà tuyển dụng

Anh Lê Tấn, quản lý marketing của Tổ chức tìm kiếm và phát triển nhân lực John Hunt (TP.Hà Nội), nhận định khi thất nghiệp trong thời gian dài, người lao động nên đặt câu hỏi: "Mình đã chuẩn bị đủ tốt và có lộ trình rõ ràng hay chưa?". Các bạn trẻ cần xem lại kỹ năng, kiến thức nền tảng. Nếu chưa tốt, phải có kế hoạch bổ sung. 

"Nhiều bạn chưa chuẩn bị hồ sơ xin việc kỹ lưỡng. Cũng có không ít bạn trẻ chưa từng nghĩ đến việc chuẩn bị trả lời câu hỏi phỏng vấn. Bên cạnh đó, lý do nhiều ứng viên khó tìm việc vì không nắm rõ về doanh nghiệp cũng như công việc. Cần phải tìm hiểu các tiêu chí của nhà tuyển dụng. Quan trọng nhất, cần giữ vững tinh thần nếu thất bại và chủ động mạnh mẽ", anh Lê Tấn chia sẻ.

Thất nghiệp để nhìn nhận lại bản thân - Ảnh 3.

Tham gia các hoạt động cộng đồng để trang bị thêm kỹ năng và sự tự tin

TRÍ NGHĨA

Đỗ Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Lao động - Xã hội, đã mất 4 tháng nộp hồ sơ vào 15 công ty mới có được việc làm. Trước đây, Thư luôn nghĩ rằng mình đủ khả năng để làm việc tại các công ty nổi tiếng, quy mô lớn, lâu đời. Qua thời gian thất nghiệp, Thư nhận ra mình còn thiếu nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ. 

“Nhiều công ty mình ứng tuyển họ yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 550 điểm hoặc chứng chỉ IELTS 5.5. Bên cạnh đó, sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm cũng là những ứng viên mà các công ty hơi e ngại. Có thêm 1 ngoại ngữ vô cùng quan trọng. Nó giúp mình có nhiều cơ hội hơn và cũng giúp mình tăng thu nhập”, Thư đúc kết sau quá trình tìm việc gian nan. Hiện tại, Thư đã có việc làm đúng chuyên ngành quản lý nhân sự.

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, chia sẻ quan điểm hiện nay tìm việc làm là một hành trình khó khăn. Nhiều trường hợp phải đợi chờ rất lâu và có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Thời gian chưa có việc, người lao động cần phải xem lại chuyên môn, kinh nghiệm của mình. Bên cạnh đó, cần trang bị những kỹ năng mềm về giao tiếp, sự tự tin để thuyết phục nhà tuyển dụng. 

“Nhiều người bị từ chối, không có được công việc có thể sẽ buồn bã, thất vọng… Tuy vậy, không nên vì những lời mời quá hấp dẫn trong lúc chưa có việc mà bỏ qua các bước tìm hiểu. Cần phải nhẫn nại hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đặc biệt phải bổ sung kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mọi nền tảng để không bị mất tiền, mất thời gian vô lý”, bà Thanh Trúc đưa ra lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.