Sau Nga, IS có thể nhắm đến Mỹ và châu Âu

Trí Đỗ
Trí Đỗ
01/04/2024 14:29 GMT+7

Các cơ quan an ninh châu Âu đang hết sức chú ý đến mối đe dọa từ các nhóm có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Vụ khủng bố tại nhà hát Crocus City ở TP. Krasnogorsk (Nga) tối 22.3 là vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử nước Nga trong 2 thập niên qua, khiến tới 551 người bị thương và 144 người thiệt mạng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cụ thể là nhánh của lực lượng này tại Afghanistan gọi là Tổ chức Hồi giáo Khorasan tự xưng (IS-K), đã nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Nga đến nay vẫn cáo buộc có những bên khác đứng sau vụ tấn công, dù tất cả các bên khác đều bác bỏ.

Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm dai dẳng của chủ nghĩa khủng bố cũng như phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng của IS. Các nhà phân tích cho rằng IS hiện chú ý đến châu Âu, đồng thời nhấn mạnh Thế vận hội Paris 2024 có thể là mục tiêu tiềm năng tiếp theo sau vụ tấn công ở Nga, theo CNN ngày 31.3.

Sau Nga, IS có thể nhắm đến Mỹ và châu Âu- Ảnh 1.

Một góc của tòa nhà Crocus City Hall sau vụ tấn công khủng bố ngày 22.3 tại Moscow (Nga)

REUTERS

IS-K là gì?

Reuters ngày 25.3 đưa tin, IS-K nổi lên ở miền đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng gây chú ý về sự tàn bạo. Hiện Sanaullah Ghafari (30 tuổi) là thủ lĩnh của IS-K với khoảng 4.000 - 6.000 thành viên, theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức khác (gồm cơ quan an ninh Nga).

ISIS-K - nhóm tuyên bố khủng bố buổi hòa nhạc ở Nga, là ai?

Mặc dù không phối hợp với nhau, song cả Taliban và Mỹ đều tìm cách trục xuất IS-K khỏi căn cứ ở miền đông Afghanistan. Tuy nhiên, đến nay mức độ và phạm vi tấn công của IS-K vẫn tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trên một bài phân tích trên tạp chí Sentinel của Trung tâm khủng bố tại Học viện Quân sự West Point (Mỹ) cho biết IS-K “vẫn là một tổ chức nguy hiểm, có khả năng thích ứng với những động lực thay đổi và phát triển để tồn tại trong những hoàn cảnh khó khăn”.

Đồng thời, IS-K nuôi tham vọng và liên tục mở rộng địa bàn hoạt động rộng lớn ngoài Afghanistan để thực hiện các cuộc tấn công khu vực ở Pakistan, Iran và Trung Á, theo ông Edmund Fitton-Brown, cựu quan chức chống khủng bố hàng đầu tại Liên Hiệp Quốc, hiện là cố vấn cấp cao của Dự án Chống chủ nghĩa cực đoan (New York, Mỹ).

Nhắm vào nhiều nước

Trước cuộc khủng bố đẫm máu tại Nga, IS-K đã nhận trách nhiệm nhiều vụ tấn công khác, chủ yếu tại Afghanistan và những vùng lân cận mà không cảnh báo trước. Cụ thể, nhóm này đã thực hiện 2 vụ tấn công vào đại sứ quán Nga tại Kabul tháng 9.2022 và vụ tấn công sân bay Kabul năm 2021 khiến nhiều dân thường và quân nhân thiệt mạng.

Bà Amira Jadoon, phó giáo sư tại Đại học Clemson ở Nam Carolina (Mỹ), người đã viết một cuốn sách về IS-K cho biết trong 3 năm qua lực lượng này đã trở nên tham vọng và hung hăng hơn trong nỗ lực khuếch đại danh tiếng và mở rộng trên khắp Nam và Trung Á, phát động chiến dịch tuyên truyền đa ngôn ngữ và mở rộng các loại hình tấn công.

Sau Nga, IS có thể nhắm đến Mỹ và châu Âu- Ảnh 2.

Các quân nhân Mỹ đưa tiễn những người thiệt mạng trong quá trình hoạt động tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul (Afghanistan) ngày 27.8.2021

REUTERS

Năm ngoái, nhóm này tuyên bố nhận trách nhiệm đã thực hiện vụ đánh bom khủng khiếp nhằm vào một cuộc mít tinh bầu cử ở Baujur (Pakistan), khiến hơn 60 người thiệt mạng. Đồng thời, IS-K cũng đã thiết lập được chỗ đứng ở tỉnh Baluchistan - khu vực bất ổn của Pakistan giáp biên giới Iran.

Sau đó, vào tháng 1 năm nay, IS đã tiến hành vụ đánh bom kép ở thành phố Kerman (Iran) khiến gần 100 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hơn 4 thập niên của Iran.

Mỹ không chia sẻ với Nga toàn bộ thông tin tình báo về vụ khủng bố ở Moscow?

Việc thực hiện các cuộc tấn công quốc tế vượt ra ngoài Pakistan và Afghanistan là một chiến thuật có chủ ý trong chiến lược toàn cầu của IS-K. Bằng cách tấn công khủng bố vào các quốc gia lớn như Iran và Nga, IS-K có thể nhấn mạnh tầm ảnh hưởng chính trị và phạm vi hoạt động của mình trên toàn cầu, theo bà Amira Jadoon ngày 23.3.

Nga dễ bị tổn thương

Thái độ thù địch Nga của nhóm IS-K được cho là xuất phát từ mâu thuẫn lịch sử. Vào năm 2015, Nga đã hợp tác với chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria trong hoạt động chống lại các chi nhánh của nhóm IS. Nhà phân tích chống khủng bố thuộc Trung tâm Soufan (New York, Mỹ) Colin Clarke cho biết: “IS-K đã tập trung vào Nga trong 2 năm qua và thường xuyên chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các hoạt động truyền bá của nhóm này”. 

Nhiều dấu hiệu cho thấy Nga dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công tiếp theo là nước này phân tán chú ý vào chiến sự ở Ukraine, cũng như tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư từ Trung Á, theo ông Fitton-Brown. Tất cả những người bị bắt kể từ vụ tấn công tại nhà hát Crocus City đều là người Tajikistan. Trước đó, một số cuộc tấn công của IS-K được thực hiện với sự tham gia của các công dân Tajikistan, Uzbekistan hoặc Kyrgyzstan. Ví dụ, năm 2017, một công dân Uzbekistan đã thực hiện vụ đánh bom liều chết ở tàu điện ngầm St Petersburg (Nga), khiến 15 người thiệt mạng.

Sau Nga, IS có thể nhắm đến Mỹ và châu Âu- Ảnh 3.

Xe cứu thương và phương tiện của cơ quan dịch vụ khẩn cấp của Nga đậu bên ngoài Crocus City Hall sau vụ khủng bố ngày 22.3.2024

REUTERS

Bên cạnh đó, tính dễ bị tổn thương của Nga có thể tăng cao do việc di chuyển dễ dàng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Các nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận với CNN rằng 2 trong số những kẻ tấn công tại nhà hát Crocus City đã có mặt tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trước khi trở lại Nga vào đầu tháng 3.

Đồng thời, sự hiện diện của những người nhập cư Tajikistan ở Thổ Nhĩ Kỳ là một yếu tố rất quan trọng, theo ông Fitton-Brown. Chẳng hạn, vào năm 2023, ông Shamil Hukumatov - người theo Liên Hiệp quốc mô tả một trong những “cỗ máy truyền bá và tuyển mộ cấp cao” của nhóm IS-K đã bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước vụ tấn công tại nhà hát Crocus City, đầu tháng 3 Mỹ đã cảnh báo khả năng xảy ra khủng bố tại các cuộc tụ họp lớn, bao gồm nhiều buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, phía Nga đã chỉ trích đó là những hành động khiêu khích từ một số cơ quan chính thức của phương Tây và gây bất ổn cho xã hội Nga, hãng TASS dẫn lời ông Putin ngày 19.3.

Theo ông Hans-Jakob Schindler, Giám đốc cấp cao của Dự án Chống chủ nghĩa cực đoan, ngay cả khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) biết về những âm mưu như vậy, việc triển khai lực lượng an ninh bảo vệ tại các buổi hòa nhạc sẽ có chút mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của Điện Kremlin.

Sau vụ tấn công, mặc dù IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ thảm sát, phía Nga liên tục tỏ ra nghi ngờ. Giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov cáo buộc Mỹ, Anh và Ukraine có thể hỗ trợ các nghi phạm trong vụ khủng bố Moscow. Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27.3 nhấn mạnh việc IS có khả năng tiến hành vụ việc như vậy là một điều khó tin.

Đối với nhóm IS-K, đây là một cuộc tấn công bước ngoặt. Giám đốc điều hành của SITE Intelligence Rita Katz cho biết: “Sự hỗ trợ toàn cầu của IS phụ thuộc vào việc xây dựng hình ảnh thành một tổ chức có năng lực, và vụ thảm sát ở Nga đã góp phần tạo nên ảnh hưởng đó”.

Tiếp theo có thể là châu Âu?

IS-K có tham vọng nhắm tới Nga, Tây Âu và thậm chí cả Mỹ. Các cơ quan an ninh châu Âu đang hết sức chú ý đến mối đe dọa này. Ông Schindler lưu ý rằng vào tháng 7.2023, 7 người đàn ông đã bị bắt ở Đức vì nghi ngờ lên kế hoạch cho các cuộc tấn công và có liên hệ với những thành viên thuộc nhóm IS-K. Tất cả các nghi phạm đều đến từ Trung Á. Thêm vào đó, trong tháng 3.2024, hai công dân Afghanistan đã bị giam giữ ở Đức với cáo buộc chuẩn bị các cuộc tấn công quốc hội Thụy Điển nhằm trả đũa việc đốt kinh Koran hàng loạt ở nước này.

Đánh giá mối đe dọa liên quan đến IS, ông Fitton-Brown cho rằng đến nay mối đe dọa ở châu Âu vẫn còn trong “giai đoạn phôi thai” nhưng cảnh báo rằng IS-K đã thâm nhập vào cộng đồng người Trung Á hải ngoại, chủ yếu ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. Cuộc tấn công ở Moscow là một “thành công mang tính đột phá” của nhóm này, thể hiện trình độ lập kế hoạch chưa từng thấy vượt ngoài khu vực truyền thống Nam Á trước đây, theo ông Fitton-Brown.

Sau Nga, IS có thể nhắm đến Mỹ và châu Âu- Ảnh 4.

Pháp nâng mức độ đe dọa khủng bố lên tối đa. Hình ảnh lính Pháp tuần tra trước tháp Eiffel vào ngày 8.1.2015

AFP

Bên cạnh đó, một đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ năm ngoái nhấn mạnh rằng “IS đã và đang phát triển một mô hình tiết kiệm chi phí cho các hoạt động rộng lớn dựa vào các nguồn lực từ bên ngoài Afghanistan, các đặc vụ ở các quốc gia mục tiêu và mạng lưới hỗ trợ rộng khắp”.

Sau vụ tấn công ở Moscow, Pháp - nước đăng cai Thế vận hội Paris 2024 - đã nâng mức độ đe dọa khủng bố lên tối đa. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết hàng nghìn binh sĩ đã sẵn sàng chống khủng bố, đồng thời nói thêm: “mối đe dọa của IS đang hiện hữu. Chúng tôi không ngừng chuẩn bị cho mọi tình huống”.

Ông Fitton-Brown nói với CNN rằng: “Tôi hy vọng mình sai. Nhưng tôi rất lo lắng về Thế vận hội Paris”. Một mối đe dọa lớn đang tích tụ xung quanh bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của IS-K, sự bất bình ở Gaza và việc thả các cựu lực lượng thánh chiến khỏi các nhà tù ở châu Âu sau khi thụ án.

Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ Christine Abizaid nói với Quốc hội vào mùa thu 2023 rằng cho đến nay “IS-K chủ yếu dựa vào các thành viên thiếu kinh nghiệm ở châu Âu để cố gắng thúc đẩy các cuộc tấn công dưới danh nghĩa của nhóm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.