Sâu răng được trám có bị sâu lại không?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
06/05/2023 00:08 GMT+7

Khi bị sâu răng, cách phổ biến nhất để xử lý là nha sĩ sẽ trám lại lỗ sâu đó. Nhưng trong một số trường hợp, vị trí đã trám đó vẫn có thể bị sâu trở lại. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là cảm giác ê buốt ở chiếc răng từng trám.

Sâu răng bắt đầu hình thành khi vi khuẩn trong miệng chuyển hóa đường và tinh bột từ thức ăn và biến chúng thành mảng bám. Các mảng bám này có tính a xít và gây hại men răng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Răng sâu được trám có thể bị sâu trở lại không ? - Ảnh 1.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, sâu răng có thể trở lại sau khi đã trám

SHUTTERSTOCK

Răng nhạy cảm khi vi khuẩn, a xít ăn mòn men răng và tiếp xúc với lớp ngà răng bên dưới. Nếu không được điều trị, sâu răng sẽ tiếp tục tấn công đến mạch máu, dây thần kinh và ống tủy răng. Cuối cùng, răng sẽ chết hoàn toàn và buộc phải nhổ bỏ.

Để ngăn tình trạng này, nha sĩ sẽ trám lại chiếc răng bị sâu. Quy trình trám răng bắt đầu bằng việc vệ sinh và loại bỏ các mảng bám trong lỗ sâu bằng mũi khoan nha khoa, sau đó lấp lại lỗ sâu bằng hỗn hợp amalgam, composite hay ionomer thủy tinh.

Chúng ta đều hy vọng rằng trám răng sẽ giúp ngăn ngừa vĩnh viễn sâu răng. Nhưng trên thực tế, vị trí trám đó vẫn có thể bị sâu trở lại nhiều năm sau. Thậm chí, tình trạng này xảy ra khá phổ biến và được gọi là sâu răng tái phát.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sâu răng tái phát khi đã trám răng. Nguyên nhân đầu tiên là một số vết sâu răng trong lỗ sâu chưa được xử lý hết. Chúng có thể lan đến phần còn lại của răng và tiếp tục gây hại.

Sâu răng tái phát cũng có thể do miếng trám không được đặt đúng cách vào lỗ sâu, khiến vẫn còn khoảng trống trong lỗ sâu không được lấp đầy. Vi khuẩn sẽ tiếp cận khoảng trống này và gây sâu răng.

Trong một số trường hợp, sâu răng tái phát là do người đó có thói quen nhai quá mạnh hay nghiến răng. Nếu răng bạn bị đau, ê buốt do nhiệt độ nóng, lạnh hay viêm nướu ngay vị trí răng đó thì hãy đến nha sĩ kiểm tra.

Để ngăn sâu răng tái phát, chúng ta không thể kiểm soát được các yếu tố khách quan, chẳng hạn như trám răng bị lỗi. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm nguy cơ này bằng cách chăm sóc răng miệng thật tốt.

Ngoài việc đánh răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày, thì súc miệng bằng nước súc miệng có chứa florua sẽ giúp loại bỏ tốt hơn a xít do vi khuẩn trong miệng tạo ra. Dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ngày sẽ giúp loại bỏ tốt hơn các mảnh thức ăn còn dính lại trong kẽ răng, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.