Thái Lan mất mùa, Trung Quốc thiếu sầu riêng
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2024, nước này đã chi 1,1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng. Con số tuy lớn nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2023 thì giảm đến 32%. Lượng nhập khẩu chỉ đạt 202.000 tấn, giảm đến 35%. Nhập khẩu giảm về lượng và giá trị nhưng giá nhập khẩu tăng gần 5%, điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu sản phẩm này của thị trường Trung Quốc vẫn cao.
Nguyên nhân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc giảm là do nguồn cung từ Thái Lan thiếu hụt. Thái Lan đã cung cấp vào thị trường này 121.000 tấn sầu riêng các loại, giảm đến trên 55% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng giảm nên giá sầu riêng bình quân lên tới 5.903 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy mà kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan trong 4 tháng qua lên tới gần 717 triệu USD, tuy giảm đến 49% nhưng vẫn vững vàng ở "ngôi vương" tại thị trường sầu riêng quan trọng nhất thế giới.
Giải thích về thực trạng này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), cho biết nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến sản lượng và chất lượng sầu riêng Thái Lan bị ảnh hưởng. Số lượng quả đạt chuẩn xuất khẩu ít dẫn đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Trong thời gian qua, thậm chí Thái Lan phải tăng nhập sầu riêng đông lạnh từ VN để phục vụ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (do VN chưa được cấp nghị định thư cho mặt hàng này). "Đây là vấn đề thiếu hụt nguồn cung từ Thái Lan chứ không phải thị trường Trung Quốc giảm tiêu thụ", ông Nguyên khẳng định.
Ngược lại, dù cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nắng hạn kéo dài nhưng nguồn cung sầu riêng từ VN chẳng những vẫn đảm bảo mà còn tăng. Chỉ tính trong 4 tháng, VN đã xuất vào Trung Quốc gần 80.000 tấn sầu riêng, tăng đến 91% so với cùng kỳ năm 2023; đạt kim ngạch 369 triệu USD, tăng 82%. Trong khi giá sầu riêng Thái Lan tăng thì VN lại giảm 5%, đạt 4.663 USD/tấn. Nếu so với Thái Lan giá sầu riêng VN thấp hơn đến 1.240 USD/tấn, điều này cũng tạo cơ hội cho nhiều người Trung Quốc được ăn sầu riêng với giá phải chăng.
Theo đại diện các vùng chuyên canh sầu riêng, thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng sầu riêng VN, tuy nhiên tổng sản lượng của VN vẫn tăng nhờ nhiều vườn bước vào độ tuổi thu hoạch.
Điểm đáng chú ý ở thị trường sầu riêng Trung Quốc trong 4 tháng qua chính là sự vươn lên mạnh mẽ của Philippines. Nước này đã xuất khẩu được gần 2.000 tấn với kim ngạch gần 6 triệu USD, tăng gần 500% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá sầu riêng của nước này cũng rất cạnh tranh, chỉ có 3.266 USD/tấn.
Cơ hội để tăng tốc
Tỉnh Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất VN với khoảng 33.000 ha. Năm 2023, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 40.000 - 45.000 tấn, đạt giá trị từ 150 - 160 triệu USD. Đắk Lắk hiện có 68 vùng trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số, với tổng diện tích khoảng 2.521 ha. Bên cạnh đó, còn 147 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 3.500 ha đã hoàn tất hồ sơ cấp mã số, chỉ chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép.
Ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho biết: Năm nay thời tiết bất lợi nên nhiều nhà vườn và chuyên gia dự báo ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cây sầu riêng của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay mưa đã xuất hiện, khô hạn không còn đe dọa. Vụ thu hoạch chính sẽ bắt đầu từ tháng 8 - 9 nên có thể hy vọng mức độ ảnh hưởng sẽ giảm. Trong năm nay, cây sầu riêng thêm tuổi nên sản lượng trên từng cây cũng tăng, bên cạnh đó nhiều vườn vào độ tuổi thu hoạch nên tổng lượng sầu riêng sẽ tăng đáng kể. Nếu các hồ sơ về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sớm được phía Hải quan Trung Quốc thông qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của địa phương sẽ tăng đáng kể. Lãnh đạo địa phương cũng xác định đây là đối tượng cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nên tập trung phát triển, tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng để đảm bảo tốt nhất yêu cầu thị trường.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện hồ sơ của hơn 700 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng đã được chuyển cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc thẩm định. Nếu được phê duyệt trong thời gian tới, VN sẽ có hơn 1.400 mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, khâu đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh cũng đã cơ bản hoàn tất chỉ chờ ngày ký. Nếu những việc này được triển khai sớm, cơ hội tăng trưởng của sầu riêng VN trong thời gian tới sẽ còn rất lớn.
Hôm 6.6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung có cuộc hội đàm với Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Triệu Tăng Liên về quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại và mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giữa VN - Trung Quốc. Đại diện lãnh đạo hai cơ quan cũng cam kết sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh.
Đón nhận thông tin trên với tâm trạng hồ hởi, ông Đặng Phúc Nguyên hy vọng cuộc họp này sẽ góp phần thúc đẩy phía Trung Quốc sớm cấp thêm mã số vùng trồng và ký nghị định thư cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh của VN. Hiện nay, nguồn cung sầu riêng Thái Lan bị hạn chế, giá cao là điều mà Trung Quốc nên lưu ý để "mở rộng cửa" cho sầu riêng VN. "Điều này không chỉ vì người nông dân VN mà còn vì cả người tiêu dùng Trung Quốc. Nếu được cấp thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và sầu riêng đông lạnh thì tổng xuất khẩu sầu riêng của VN trong năm nay có thể đạt khoảng 3,5 tỉ USD. Thêm vào đó, các mặt hàng như dừa tươi được ký nghị định thư thì tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt từ 6,5 - 7 tỉ USD", ông Nguyên lạc quan.
Trung Quốc thu hoạch vụ sầu riêng thứ hai, nhưng không đáng lo
Theo Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, năm nay là năm thứ hai sầu riêng Hải Nam (Trung Quốc) được thu hoạch. Diện tích trồng sầu riêng của đảo này năm 2023 khoảng 93 ha, sản lượng 50 tấn. Ước tính diện tích tăng lên 266 ha trong năm 2024 và sản lượng khoảng 250 tấn. Giá bán lẻ sầu riêng này là 18,6 USD/kg, tương đương năm 2023.
Theo các chuyên gia, sầu riêng được trồng tại Trung Quốc không gây áp lực cho các nước xuất khẩu mặt hàng này vì một số nguyên nhân cơ bản: giá thành sản xuất quá cao, chất lượng thấp và sản lượng ít.
Bình luận (0)