Cứ nhập sang là bán hết !
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple (Nhật Bản), cho biết sau hơn 3 tháng kể từ khi lô nhãn tươi Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công vào Nhật Bản, loại trái cây này vẫn có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp liên tục nhập hàng nhưng cung vẫn chưa đủ cầu. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tuần, Công ty Japan Apple nhập 2,5 tấn nhãn chuyển qua đường hàng không nhưng "hàng cứ sang đến nơi là bán hết ngay".
Ngoài ra, ở Nhật Bản đang có 3 công ty Trung Quốc nhập khẩu nhãn Việt Nam theo đường biển. Cứ đều đặn 10 ngày, các doanh nghiệp Trung Quốc lại đưa 18 tấn nhãn tươi sang thị trường Nhật Bản nhưng vẫn "như muối bỏ bể", luôn trong tình trạng khan hiếm hàng.
Bà Oanh cũng cho biết nhãn nhập khẩu theo đường hàng không giữ được độ tươi so với hàng đi bằng đường biển nên giá bán lẻ ở mức khá cao, từ 270.000 - 300.000 đồng/kg, trong khi đi đường biển giá chỉ từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. "Người tiêu dùng thích loại nhãn tươi đi máy bay hơn nên dù cước phí cao hơn đường biển thì chúng tôi vẫn chọn chuyển hàng theo đường hàng không", bà Oanh nói.
Tương tự nhãn, sầu riêng đang là loại trái cây được người tiêu dùng Nhật Bản yêu thích. Theo các doanh nghiệp nhập khẩu, việc Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8.1 sau thời gian dài phong tỏa chống dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nguồn cung sầu riêng từ Việt Nam sang Nhật Bản. Các doanh nghiệp Trung Quốc gần như thu gom toàn bộ sầu riêng từ Việt Nam khiến nguồn cung cho thị trường Nhật Bản bị "đứt". Đến cuối tháng 2 vừa qua, các doanh nghiệp ở Nhật Bản mới bắt đầu nhập được sầu riêng Việt Nam.
Ông Nguyễn Phi Thoàn, Giám đốc điều hành Công ty JV Solutions, xác nhận sầu riêng tươi vẫn đang "cháy hàng" ở Nhật Bản. Các doanh nghiệp nhập được khối lượng rất ít và vẫn chịu sự cạnh tranh, gom hàng từ thị trường Trung Quốc. Công ty JV Solutions từ cuối tháng 2 đến ngày 14.4 vừa qua mới nhập được 4 container sầu riêng theo đường biển. Ngoài ra, một doanh nghiệp Trung Quốc cũng là nhà cung cấp sầu riêng số lượng lớn vào Nhật Bản đang nhập hàng từ Việt Nam theo đường hàng không, đều đặn mỗi tuần 2 - 3 tấn. "Chúng tôi hiện giờ chỉ lo làm sao nhập khẩu được hàng thôi, còn không lo chuyện bán hàng. Có lô vừa thông quan đưa về kho, đối tác đã mua luôn toàn bộ", ông Thoàn nói.
Cũng theo ông Thoàn, ngoài sầu riêng tươi, sầu riêng bóc múi đông lạnh cũng là sản phẩm bán chạy đều đều quanh năm. Số lượng nhà cung cấp và khối lượng nhập khẩu thậm chí còn cao gấp nhiều lần so với quả tươi. Hiện tại mỗi tuần, Công ty JV Solutions đang nhập khoảng 3 tấn sầu riêng đông lạnh để cấp hàng cho các siêu thị, cửa hàng bán lẻ ở Nhật Bản. Sản phẩm được đóng hộp 0,5 kg/hộp, giá bán lẻ ở mức khá cao từ 14 - 15 USD/kg.
Giữ chất lượng để giữ thị trường
Theo các nhà nhập khẩu, Nhật Bản hiện nay chỉ cấp phép duy nhất cho Việt Nam được đưa nhãn tươi vào thị trường này nhưng thực tế cũng đang có rào cản. Bà Lê Thị Kiều Oanh phân tích để đưa hàng vào siêu thị, nhãn tươi được đóng gói trọng lượng 0,5 kg/túi. Khâu đóng gói ở phía Việt Nam lâu nay chỉ dùng túi lưới, trong khi quả nhãn tươi xuất khẩu đã được xử lý lạnh, quá trình vận chuyển nếu không được bảo quản tốt, gặp nhiệt độ chênh lệch, vỏ nhãn rất dễ nứt vỡ, chảy nước ra bên ngoài nhìn mất mỹ quan. Đặc biệt, khi khách hàng cầm phải túi có quả nhãn nứt vỡ sẽ ướt tay, tạo ấn tượng ban đầu không tốt về sản phẩm. Đây là điểm bất lợi ở một thị trường cực kỳ coi trọng vấn đề vệ sinh, bao bì sản phẩm như Nhật Bản. "Chúng tôi đang nghiên cứu để khắc phục vấn đề đóng gói quả nhãn tươi", bà Oanh nói.
Còn đối với quả sầu riêng, vấn đề "đau đầu" nhất của các nhà nhập khẩu là câu chuyện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Từ đầu năm đến nay, đã có vài lô sầu riêng bị kiểm nghiệm có tồn dư thuốc. Ông Nguyễn Phi Thoàn nhận định sầu riêng Việt Nam ở Nhật Bản đang cạnh tranh trực tiếp với hàng Thái Lan, Philippines. Giá bán sầu riêng Thái Lan cao nhất (21 USD/kg), Việt Nam khoảng 17 - 18 USD/kg, Philippines từ 14 - 15 USD/kg. Nhưng sầu riêng Việt Nam đứng sau so với hai quốc gia về tính ổn định chất lượng, cụ thể là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp rất khó tăng lượng sầu riêng nhập khẩu vào Nhật Bản.
Thực tế, giai đoạn năm 2019 - 2020, sầu riêng Việt Nam vào Nhật Bản rất thuận lợi nhưng sau khi một số lô hàng bị phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì chế độ kiểm tra rất gắt gao. Hiện nay, 100% lô hàng sầu siêng từ Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản đều phải trải qua kiểm nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp phải chờ thêm 2 ngày mới lấy được hàng.
Đối với Nhật Bản, dù sầu riêng, nhãn đã thâm nhập thành công nhưng để giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc không đơn giản bởi Nhật Bản có tiêu chuẩn rất cao đối với chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi chúng ta để trái cây tươi xuất sang Nhật Bản vì bất kỳ lý do gì không được tốt, chỉ cần một lô hàng không đảm bảo tươi ngon, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì phía Nhật Bản sẽ tiến hành siết chặt, kiểm tra gắt gao với tất cả doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm tương tự. Điều này dẫn đến phát sinh nhiều chi phí, thời gian không mong muốn, ảnh hưởng đến xuất khẩu nói chung.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản
"Điều đáng buồn là số lượng lô hàng sầu riêng có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn khá nhiều. Trong số các nhà nhập khẩu ở Nhật Bản, có một doanh nghiệp của chính người Nhật Bản đã dính liên tiếp hai lô hàng tồn dư thuốc. Hàng bị hủy, doanh nghiệp này cũng tuyên bố phá sản. Câu chuyện này được lan truyền đã ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, chất lượng sầu riêng Việt Nam. Trước khi chuyển hàng, các doanh nghiệp nhập khẩu phải trả tiền trước cho đối tác Việt Nam nhưng khi sang Nhật Bản làm thủ tục kiểm thuốc nếu có tồn dư, phải hủy hàng thì chúng tôi gánh hết rủi ro", ông Thoàn nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết tiềm năng xuất khẩu nhãn tươi và sầu riêng Việt Nam rất lớn. Dù mới được cấp phép nhập khẩu nhưng độ phủ của quả nhãn ở các siêu thị Nhật Bản hiện nay còn lớn hơn cả vải thiều. Còn đối với sầu riêng, người tiêu thụ lớn đông nhất vẫn là cộng đồng người Trung Quốc và công dân các nước ASEAN, lượng nhập khẩu chưa nhiều nên giá bán còn ở mức cao. Tại Nhật Bản, sản phẩm sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế về công nghệ bảo quản, vẫn giữ được tươi ngon khi rã đông nên đã có chỗ đứng trên thị trường, bán rất phổ biến trong nhiều siêu thị.
"Các doanh nghiệp cần thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; đảm bảo trái cây nói chung, sầu riêng, nhãn nói riêng xuất khẩu vào Nhật Bản phải tươi ngon, giữ được chất lượng, giữ được thương hiệu, thị trường", ông Minh nói.
Bình luận (0)