Sầu riêng nhập khẩu tăng kỷ lục, có đáng lo?

26/10/2024 06:24 GMT+7

So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu sầu riêng trong 9 tháng đã tăng đột biến 1.057%, tức gấp gần 11,6 lần. Là nước xuất khẩu sầu riêng chỉ sau Thái Lan, nhiều người thắc mắc không biết VN tăng nhập khẩu loại trái cây này về làm gì?

Sầu riêng xuất khẩu kỷ lục

Báo cáo của Bộ NN-PTNT mới đây cho thấy tính đến hết tháng 9.2024, sản lượng sầu riêng của VN đạt 984.800 tấn, tăng mạnh 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Là một trong những vùng trồng hàng đầu cả nước, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đánh giá lợi nhuận thu được từ cây sầu riêng hiện nay khá lớn. Riêng năm 2024, Đắk Nông có 11.654 ha sầu riêng, sản lượng ước đạt 41.500 tấn, tăng 3.839 tấn so với năm 2023. Với giá bán từ 60.000 - 90.000 đồng/kg, tổng thu nhập từ sầu riêng đạt khoảng 2.490 tỉ đồng.

Không chỉ giá sầu riêng tăng cao mà hầu hết các nông sản của vùng này đều tăng giá chóng mặt khiến nhiều người nói vui rằng các tỉnh Tây nguyên đang trở thành "nơi đáng sống nhất VN". Hồ tiêu, cau, ca cao, cà phê, sầu riêng đều đang lãi đậm, mang lại thu nhập "khủng" cho người nông dân.

Hiện nay, vụ thu hoạch sầu riêng ở Tây nguyên đã đi vào những ngày cuối, nguồn cung đang dịch chuyển về vùng ĐBSCL với vụ nghịch và giá vẫn tăng. Khảo sát hôm 24.10 cho thấy giá sầu riêng tiếp tục tăng bình quân 10.000 đồng/kg, dù chất lượng giảm đi do ảnh hưởng của thời tiết.

Sầu riêng nhập khẩu tăng kỷ lục, có đáng lo?- Ảnh 1.

Sầu riêng loại 1 của Thái Lan có giá cao hơn sầu riêng VN nên rất khó cạnh tranh ở thị trường Việt

Ảnh: ĐINH ĐANG

Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Cần Thơ, giá sầu riêng Ri6 bán ở mức 100.000 - 130.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong dao động từ 150.000 - 230.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Theo chia sẻ của các tiểu thương, giá sầu riêng liên tục tăng cao khoảng 1 tháng trở lại đây vì sản lượng không nhiều, phần lớn phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.

Giá sầu riêng tăng cao cũng kéo theo phong trào chuyển đổi sang cây trồng này gia tăng mạnh. Nhiều cơ sở kinh doanh cây giống tại Cần Thơ có lượng tiêu thụ tăng từ 30 - 40% so với đầu năm, giá tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/cây. Cụ thể, cây giống sầu riêng hạt lép Ri6 có giá 120.000 - 160.000 đồng/cây, sầu riêng Monthong có giá 130.000 - 200.000 đồng/cây, tùy kích thước.

Nhận định về tình hình xuất khẩu sầu riêng trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho biết: Xuất khẩu sầu riêng năm nay nhìn chung vẫn hết sức thuận lợi, từ đầu năm đến nay đã đạt khoảng 3 tỉ USD, nhưng tốc độ có phần chậm lại vì sản lượng đã giảm dần. Ước tính cả năm 2024 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt từ 3,2 - 3,5 tỉ USD, chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả các loại. Đến cuối năm thì có thể sẽ bổ sung nguồn hàng sầu riêng đông lạnh xuất khẩu nếu các thủ tục được hoàn tất. Với thành tích này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đến 55% so với năm trước và đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Nhập khẩu tăng mạnh nhưng không đáng lo

Xuất khẩu sầu riêng đang tăng cao kỷ lục và ở chiều ngược lại, nhập khẩu sầu riêng từ các nước khác vào VN cũng tăng đột biến. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu sầu riêng trong 9 tháng qua đã tăng 1.057%, tức gấp gần 11,6 lần, đạt khoảng 9 triệu USD.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sầu riêng mini siêu nhỏ có nguồn gốc nhập khẩu được bán nhiều trên các xe hàng rong với giá rất rẻ. Chị Ngô Dịu Hoàng, một "tín đồ" sầu riêng ngụ tại H.Nhà Bè (TP.HCM), cũng nhận thấy việc này. "Gần đây tôi thấy ở chợ bán khá nhiều sầu riêng mini, tuy nhiên nhìn qua hình thức bên ngoài thì trái nhỏ và xấu. Có lần tôi mua ăn thử nhưng thấy không ngon và múi quá nhỏ, nên sau này tôi không mua nữa", chị Hoàng kể.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho biết việc nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan, Malaysia về VN tiêu thụ năm nào cũng có. Năm nay thống kê tăng đột biến là từ Thái Lan, và nguồn hàng này đã nhập từ những tháng đầu năm chứ hiện nay không còn nhiều vì đã qua mùa vụ. Trái tươi nhập khẩu đa số là chất lượng thấp và việc này do các doanh nghiệp cân đối cung cầu để mua bán. "Với số lượng nhỏ như vậy, theo tôi, cũng không đáng ngại", ông Mười nhấn mạnh.

Sầu riêng nhập khẩu tăng kỷ lục, có đáng lo?- Ảnh 2.

Sầu riêng nhập về VN chủ yếu là hàng chất lượng thấp, dành cho phân khúc người thu nhập trung bình

Trên thị trường, các loại sầu riêng đông lạnh từ Malaysia được phân phối bởi hầu hết các cửa hàng trái cây nhập khẩu. Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Võ Thị Xuân Trang, chủ hệ thống phân phối trái cây Hoa Biển, cho biết: "Đối với sản phẩm sầu riêng Musang King đông lạnh, hệ thống cửa hàng Hoa Biển vẫn nhập về nhưng sức tiêu thụ khá thấp. So với các mặt hàng trái cây nhập khẩu khác thì khách kén hơn do giá khá cao. Trong khi đó, sầu riêng trong nước lại có thể mua được dễ dàng, giá thấp hơn một nửa".

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, con số nhập khẩu tăng đột biến là do các năm trước thị trường nội địa không nhập về nhiều. Năm nay Thái Lan mất mùa, sản lượng không đạt chuẩn nên phải tăng cường nhập khẩu sầu riêng VN. Đổi ngược lại, họ xuất sang chúng ta những sản phẩm mini, trọng lượng nhỏ để tiêu thụ trong phân khúc thu nhập thấp. Nếu nhìn con số thì thấy "khủng" nhưng thực tế kim ngạch sầu riêng nhập khẩu chỉ xấp xỉ 9 triệu USD. So với kim ngạch xuất khẩu sầu riêng gần 3 tỉ USD ở thời điểm hiện tại thì không thấm vào đâu.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Rau quả VN, trong 8 tháng năm 2024, Thái Lan nhập đến hơn 101 triệu USD giá trị sầu riêng từ VN, tăng 88% để bù đắp cho các đơn hàng xuất khẩu, nhất là mặt hàng đông lạnh. Ngược lại, do sản lượng sầu riêng của VN được xuất khẩu quá nhiều nên có thể trong nước thiếu hụt, sản lượng sầu riêng không đạt chuẩn từ Thái Lan theo nhiều đường mậu biên nhập trở lại VN để cung cấp cho phân khúc thu nhập thấp trên thị trường nội địa.

"Giao thương trao đổi hàng hóa là việc hết sức bình thường, tương tự việc Trung Quốc trồng xoài, chuối, thanh long đứng đầu thế giới nhưng vẫn nhập những mặt hàng này từ VN. Đối với sầu riêng Musang King của Malaysia thì có thể cấp đông để tiêu thụ trong thời gian dài nhưng giá rất cao. Sản phẩm này chỉ phù hợp cho những người có điều kiện và muốn trải nghiệm chứ không phổ biến. Trong thời gian tới, có thể mặt hàng sầu riêng cũng sẽ tăng cường nhập khẩu để phục vụ nguyên liệu cho xuất khẩu, tương tự thủy sản hay một số nông sản khác", ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Anh Trần Văn Mạnh, giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM, vừa có chuyến công tác tại Thái Lan trải nghiệm thực tế thị trường trái cây của nước này, nhận xét: Sầu riêng Thái Lan giá khá cao, giá bán lẻ sầu riêng tại Thái Lan còn cao hơn giá bán tại VN. Về chất lượng, sầu riêng VN cũng không thua kém bao nhiêu, có thể nói là "một 9, một 10". Nếu loại này xuất khẩu sang VN thì khó cạnh tranh được về giá bán. Vì vậy, sản lượng sầu riêng Thái Lan nếu có nhập về VN thì chủ yếu là trái nhỏ, không đạt chuẩn để nhắm vào phân khúc những người thu nhập thấp.

Xuất khẩu rau quả, trái cây năm nay kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ có thêm các sản phẩm dừa, sầu riêng đông lạnh được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả VN, đến thời điểm hiện nay có thể các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình chuẩn bị mã số vùng trồng và các yêu cầu khác của thị trường này nên những lô hàng chính ngạch đầu tiên chưa được thực hiện. Có thể cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, những mặt hàng rau quả xuất khẩu mới được cấp phép sẽ tăng tốc, mang lại sự tăng trưởng cho ngành rau quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.