Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, núi vỏ khổng lồ sẽ đi đâu?

Chí Nhân
Chí Nhân
29/08/2024 04:18 GMT+7

VN và Trung Quốc vừa ký nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, dự báo mang về thêm 300 triệu USD vào năm 2025. Nhưng vấn đề đặt ra là hàng trăm ngàn tấn vỏ trái sầu riêng thải ra môi trường sẽ được xử lý như thế nào?

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng mạnh

Ngày 19.8 vừa qua, VN và Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư mặt hàng sầu riêng đông lạnh. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), dự báo: chỉ riêng mặt hàng này có thể đạt kim ngạch đến 300 triệu USD trong năm 2025. So với sản phẩm tươi thì sầu riêng đông lạnh có thể tiến sâu vào nội địa của thị trường tỉ dân, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng VN. Quan trọng hơn, việc mở cửa thị trường sầu riêng đông lạnh sẽ góp phần hạn chế tình trạng rớt giá vào vụ thu hoạch rộ. Trước đây, giá sầu riêng đông lạnh xuất khẩu của VN khá thấp do phụ thuộc vào thị trường Thái Lan. Với việc thị trường 1,5 tỉ dân rộng cửa, dự báo giá sầu riêng đông lạnh sẽ tăng đáng kể, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, núi vỏ khổng lồ sẽ đi đâu?- Ảnh 1.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025

Ảnh: CTV

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk), cho biết công ty đã tham gia lĩnh vực chế biến sầu riêng cấp đông từ năm 2022. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thì từ vùng trồng đến nhà xưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường. Thời gian qua, bên cạnh sầu riêng tươi thì sản phẩm sầu riêng đông lạnh của công ty cũng xuất khẩu sang một số nước như: Thái Lan, Úc, Canada… "Trước đây VN chỉ tập trung xuất khẩu sầu riêng tươi. Đây là hạn chế lớn trong lĩnh vực nông nghiệp vì khi vào vụ thu hoạch rộ thường bị ép giá, hàng tươi cũng nhanh hư hỏng. Tôi chọn đầu tư vào lĩnh vực cấp đông vì có thể bảo quản lâu, giá trị cao, cạnh tranh cao và mang lại hiệu quả cao. Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh là cơ hội lớn cho ngành sầu riêng VN nhờ có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh với các nước trồng sầu riêng khác", bà Thanh nói.

Sầu riêng đông lạnh có 2 hình thức là cấp đông nguyên trái và tách lấy múi nhưng tách múi là chủ yếu vì tiết kiệm chi phí ở nhiều khâu nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt sản lượng trên 52.000 tấn, kim ngạch trên 137 triệu USD. Thế nhưng việc này cũng đặt ra bài toán về xử lý phần vỏ trong thời gian tới. Bởi thông thường, để thu được một ký sầu riêng tách múi thì phần vỏ thải bỏ lên đến 3 kg. Ước tính lượng vỏ sầu riêng thải bỏ trong năm 2023 lên đến trên 150.000 tấn. Khi mở cửa với thị trường Trung Quốc, với kim ngạch dự báo khoảng 300 triệu USD thì sản lượng khoảng 100.000 - 150.000 tấn và lượng vỏ thải ra môi trường khoảng 300.000 - 450.000 tấn - một lượng thải khổng lồ cần có giải pháp xử lý phù hợp.

Xuất khẩu sầu riêng cao kỷ lục

Vỏ sầu riêng cũng là tài nguyên

Thực tế, thị trường lớn nhất thế giới về nhập khẩu sầu riêng là Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề tăng phát thải khí nhà kính khi cây sầu riêng và sản phẩm vỏ sầu riêng tạo ra lượng CO2 khổng lồ. Là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất vào thị trường này, Thái Lan cũng đang tính đến đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh thay vì tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng tươi, chuẩn bị sẵn cho kịch bản người Trung Quốc chuyển sang nhập sầu riêng đông lạnh nhằm gia tăng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Vì thế, cùng với việc mở cửa thị trường sầu riêng đông lạnh Trung Quốc, nhiều người đặt vấn đề về xử lý khối lượng vỏ khổng lồ phía sau như thế nào ở VN.

Tại Công ty Green Farm, công suất của nhà máy từ 30.000 - 40.000 tấn trái/năm. Vì thế, việc xử lý vỏ thải ra trong quá trình sản xuất đã được công ty nghiên cứu để đưa vào quy trình sản xuất tuần hoàn. Theo nghiên cứu, vỏ sầu riêng có hàm lượng hữu cơ khoảng 35%, bên cạnh là chất đạm, lân và kali. Chính vì vậy, Green Farm đã thuê đơn vị gia công xử lý thành phân hữu cơ. Nguồn phân bón này được công ty chuyển miễn phí trở lại cho các nhà vườn liên kết để bón lại cho vườn sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. "Việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp bà con tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể mà còn mang lại hiệu quả bền vững cho cây trồng và môi trường", bà Thanh cho biết.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, vỏ sầu riêng cũng như phụ phẩm các loại rau quả nói chung ở VN hiện nay đều được xem là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các quy trình sản xuất khác. Thực tế tại các nhà máy chế biến rau quả thường hợp tác với một đơn vị có chuyên môn để xử lý nguồn phế phụ phẩm này thành thức ăn gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ. Đây cũng là lĩnh vực đang phát triển rất tốt ở VN trong những năm gần đây.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Viện Cây ăn quả miền Nam, nhận định với sản lượng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh ngày càng nhiều thì vỏ sầu riêng thải ra môi trường cũng ngày càng lớn. Vỏ sầu riêng cũng như nhiều loại phế phẩm nông nghiệp khác như thân cây thanh long, lục bình, vỏ trái cây các loại, cỏ… đều là nguồn hữu cơ có giá trị. Hiện tại, đơn giản và phổ biến nhất là ủ thành phân bón hữu cơ để đưa trở lại cho đất. Điều này cũng khép kín một vòng tuần hoàn của trái sầu riêng. Không chỉ thế, một số nghiên cứu hiện nay cũng tiếp tục mở rộng và gia tăng giá trị cho vỏ sầu riêng như làm than hoạt tính, vỏ sầu riêng xay nhuyễn làm thức ăn cho gia súc giống như cỏ khô hay bột khô từ vỏ sầu riêng… Có khá nhiều nghiên cứu ứng dụng từ vỏ sầu riêng đang tiếp tục được hoàn thiện. Khi lượng vỏ sầu riêng tiếp tục tăng, cũng là lúc các nghiên cứu này có thể áp dụng để sản xuất thành các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Vỏ sầu riêng cũng như nhiều loại phế phẩm nông nghiệp khác như thân cây thanh long, lục bình, vỏ trái cây các loại, cỏ… đều là nguồn hữu cơ có giá trị. Hiện tại, đơn giản và phổ biến nhất là ủ thành phân bón hữu cơ để đưa trở lại cho đất. Điều này cũng khép kín một vòng tuần hoàn của trái sầu riêng.

TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Viện Cây ăn quả miền Nam

Người trẻ đam mê chế biến vỏ sầu riêng

Viện Kỹ thuật công nghệ cao (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) có nghiên cứu bánh snack từ vỏ sầu riêng. Theo nhóm nghiên cứu, những sản phẩm snack trên thị trường hiện nay làm từ các loại rau củ quả sấy, còn các loại vỏ trái cây ít thấy nên sẽ mới lạ và có tiềm năng nếu đưa ra thị trường. Mỗi ngày các xưởng sản xuất và mua bán sầu riêng thải bỏ một lượng lớn vỏ nên việc tận dụng chế biến sản phẩm ăn được có thể giúp nâng cao giá trị gia tăng của trái sầu riêng.

Bên cạnh đó, các học sinh Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (H.Bình Đại, Bến Tre) nghiên cứu tận dụng vỏ sầu riêng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nguyên liệu sản xuất gồm vỏ sầu riêng, bắp vàng, cá vụn, thức ăn đậm đặc. Vỏ sầu riêng gọt bỏ phần xanh, lấy phần trắng xay nhuyễn; sau đó đem trộn với men vi sinh cho lên men rồi phối trộn với nguyên liệu, nén thành viên giá bán rất cạnh tranh từ 8.500 - 9.000 đồng/kg. Việc chế biến này góp phần tăng giá trị kinh tế trái sầu riêng và giải quyết vấn đề rác thải.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.