Thái Lan qua vụ, VN hưởng lợi
Theo thống kê của hải quan, trong 4 tháng đầu năm, Thái Lan chi tới 22,5 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng VN, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn rất nhiều so với thị trường đứng thứ 3 là Hồng Kông chỉ có 3,6 triệu USD và tăng nhẹ 0,5%. Trong năm 2023, Hồng Kông là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 với kim ngạch 20 triệu USD và thứ 3 là Đài Loan với 16 triệu USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), giải thích thời gian qua Thái Lan tăng nhập sầu riêng VN vì đó là giai đoạn cả thế giới chỉ một mình VN có sầu riêng. Thái Lan dù là nhà xuất khẩu lớn nhất nhưng do hạn hán nghiêm trọng khiến sầu riêng nước này bị sụt giảm nhiều về lượng lẫn chất nên đành phải nhập khẩu về để phục vụ nhu cầu nội địa và du khách. "Đây là vấn đề thương mại và cung-cầu bình thường của thị trường và cũng là lợi thế của sầu riêng VN", ông Nguyên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Vinafruit, bổ sung: Trong khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu sầu riêng tươi lớn nhất thì Thái Lan là nhập khẩu sầu riêng đông lạnh số 1 của VN. Giá sầu riêng đông lạnh của VN rất cạnh tranh nên được thị trường Thái Lan ưa chuộng. Một phần họ nhập về phục vụ cho các hoạt động chế biến nhưng phần lớn được xuất sang nước thứ ba, đích đến chủ yếu vẫn là Trung Quốc. "Hiện nay VN chưa được xuất sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc trong khi Thái Lan và Trung Quốc có nghị định thư về sầu riêng đông lạnh nên việc xuất khẩu rất thuận lợi. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp ngành VN rất mong nghị định thư giữa VN và Trung Quốc sớm được ký kết để sản phẩm không phải đi đường vòng, lúc đó cả nông dân VN và người tiêu dùng Trung Quốc đều có lợi", ông Bình nói.
Liên quan vấn đề này, trong hội thảo về phát triển bền vững ngành sầu riêng mới đây, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết tất cả các khâu chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho việc ký kết nghị định thư liên quan đến mặt hàng sầu riêng đông lạnh đã xong, chỉ chờ ngày ký chính thức. Một khi nghị định thư này được ký kết sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho ngành hàng sầu riêng VN. Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu sầu riêng cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể đưa sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc ngay sau khi nghị định thư được ký kết.
Giá tăng nhanh, mở cửa sớm Trung Quốc sẽ hưởng lợi
Từ cuối năm 2023, việc ký nghị định thư về sầu riêng đông lạnh giữa VN và Trung Quốc đã được nhắc đến nhưng đến thời điểm hiện tại dù đã hết tháng 5 nhưng vẫn chưa đi vào thực thi khiến không ít người thất vọng. Tuy nhiên nếu nhìn vào diễn biến nguồn cung và giá cả thì VN vẫn là bên được hưởng lợi.
Đối với mặt hàng sầu riêng tươi, giá xuất khẩu bình quân của VN trong quý 1/2024 là 4.437 USD/tấn, tăng đến 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Còn mặt hàng sầu riêng đông lạnh là 3.947 USD/tấn, tăng đến 45% so với cùng kỳ năm trước.
Dù chưa xuất khẩu được vào Trung Quốc, thị trường có nhu cầu lớn nhất thế giới về sầu riêng, nhưng sầu riêng đông lạnh VN vẫn đang xuất khẩu qua Thái Lan. Năm 2023 Thái Lan là nhà mua hàng lớn nhất với lượng nhập khẩu đến 47.000 tấn, giá trị đạt 102 triệu USD; giảm cả lượng và giá trị do VN không có nhiều hàng để xuất nhờ có nghị định thư về sầu riêng tươi với Trung Quốc. Giá xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của VN sang Thái Lan chỉ có 2.162 USD/tấn giảm 0,7% so với năm trước.
Cũng trong năm 2023, đứng sau Thái Lan, Mỹ nhập khẩu 3.400 tấn sầu riêng đông lạnh từ VN với giá bình quân là 6.087 USD/tấn tăng 9,5% so với năm trước. Trung Quốc nhập 326 tấn sầu riêng đông lạnh từ VN với giá trung bình đến 9.633 USD/tấn tăng 522% so cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, mức chênh lệch của giá sầu riêng đông lạnh giữa thị trường Thái Lan và Trung Quốc có thể giải thích vì sao người Thái tăng nhập sầu riêng VN. Năm 2023, riêng mặt hàng sầu riêng đông lạnh Thái Lan đã xuất khẩu vào Trung Quốc khoảng 1 tỉ USD. Nếu Trung Quốc chậm ký nghị định thư cho sầu riêng đông lạnh từ VN thì người trồng và doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng vì sản phẩm phải đi đường vòng. Ở đầu bên kia, người tiêu dùng Trung Quốc cũng thiệt hại vì mua sản phẩm với giá cao. Điều này cũng giống như mặt hàng sầu riêng tươi, khi có nguồn cung từ VN thì mặt bằng giá tại Trung Quốc sẽ giảm xuống, nhiều người Trung Quốc được ăn sầu riêng hơn và giới kinh doanh cũng có lợi. "Dù Trung Quốc chưa mở cửa nhưng VN cũng không có nhiều hàng để xuất. Cả quý 1/2024, VN chỉ xuất có 5.400 tấn sầu riêng đông lạnh, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2023", ông Nguyên thông tin.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình nói: "Thị trường sầu riêng của Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng, dự báo sẽ tiếp tục phát triển tốt trong năm nay và những năm tới. Nếu nghị định thư về mặt hàng sầu riêng đông lạnh sớm được ký kết thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cả người dân VN và Trung Quốc".
VN có thể nhanh chóng đuổi kịp Thái Lan
Trong tháng 4, xuất khẩu sầu riêng của VN đạt giá trị lên tới 217 triệu USD, tăng đến 487% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay đạt 470 triệu USD, tăng 146% so cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc vẫn là đích đến quan trọng, với 92% thị phần. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tháng 4 là 204 triệu USD, tăng 655% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế 4 tháng đạt 432 triệu USD, tăng 169% so với năm trước. Theo các chuyên gia, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thuận lợi do chi phí logistics cạnh tranh. Trong khi đó, do hạn hán nghiêm trọng sầu riêng Thái Lan bị sụt giảm về cả lượng và chất, nhờ vậy sầu riêng VN lên ngôi. Nếu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng ổn định, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu còn cao hơn nữa và có thể đuổi kịp Thái Lan.
Để phát triển sầu riêng bền vững, Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ xây dựng các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm từ sầu riêng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận và nhiều lần không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Bình luận (0)