Reuters ngày 25.7 đưa tin Iraq lên án việc đốt một bản kinh Koran trước đại sứ quán nước này ở Đan Mạch hôm 24.7 và cho biết nhân viên Đan Mạch tại đại sứ quán ở Baghdad đã rời khỏi đất nước sau các cuộc biểu tình ở đó.
Việc một nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Đan Mạch đốt kinh Koran diễn ra sau những hành động tương tự của các nhóm khác nhau ở nước láng giềng Thụy Điển với lý do thực thi "quyền tự do ngôn luận".
Vì sao Thụy Điển và Đan Mạch lâm vào khủng hoảng kinh Koran?
Không chỉ Iraq mà nhiều quốc gia đa số theo đạo Hồi khác cũng lên án hành động trên. Các hành vi đã châm ngòi các cuộc biểu tình công khai ở Iraq, Iran, Lebanon, Pakistan và các nơi khác.
Hôm 24.7, chính phủ Iraq kêu gọi các nước châu Âu "nhanh chóng xem xét lại cái gọi là quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình". Đáp lại, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết ông lên án việc đốt kinh Koran.
"Những hành động khiêu khích và đáng xấu hổ này không đại diện cho quan điểm của chính phủ Đan Mạch. Kêu gọi tất cả mọi người giảm căng thẳng, bạo lực không bao giờ là một cách đáp trả", Ngoại trưởng Rasmussen viết trên Twitter.
Giáo sĩ quyền lực gây sóng gió quan hệ Iraq-Thụy Điển là ai?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq nói rằng nhân viên đại sứ quán Đan Mạch đã rời Iraq 2 ngày trước, song không giải thích lý do hoặc thời gian chính xác, đài NPR đưa tin.
Trong khi đó, Copenhagen nói rằng họ "không rời khỏi Iraq". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết đại sứ quán ở Baghdad đã đóng cửa để nghỉ hè kể từ ngày 22.7 và từ chối bình luận về việc liệu các nhân viên có rời khỏi đất nước trong thời gian đóng cửa hay không.
Bình luận (0)