Hãng AFP ngày 20.7 đưa tin chính phủ Iraq đã yêu cầu Đại sứ Thụy Điển phải rời khỏi nước này, đồng thời quyết định rút phái đoàn ngoại giao ở Stockholm trở về, sau khi cảnh sát Thụy Điển cho phép đốt kinh Koran.
Một phát ngôn viên chính phủ Iraq cho hay Thủ tướng Mohamed Shia al-Sudani "đã chỉ thị cho Đại sứ Thụy Điển tại Baghdad rời khỏi lãnh thổ Iraq".
Thủ tướng Thụy Điển lo ngại sẽ có thêm vụ đốt kinh Koran
Theo đó, quyết định "được thúc đẩy bởi việc chính phủ Thụy Điển nhiều lần cho phép đốt kinh Koran linh thiêng, xúc phạm các thánh tích Hồi giáo và đốt cờ Iraq".
Trong một động thái khác, hãng thông tấn Iraq đưa tin cơ quan chức năng nước này đã đình chỉ giấy phép làm việc của Công ty viễn thông Ericsson (Thụy Điển) trên lãnh thổ Iraq.
Trước đó vào rạng sáng 20.7, hàng trăm người biểu tình tại thủ đô Baghdad của Iraq đã xông vào đốt phá đại sứ quán Thụy Điển.
Nhiều người biểu tình Iraq đã trèo lên các bức tường, đốt phá và hô khẩu hiệu phản đối việc đốt kinh Koran tại Thụy Điển, theo Reuters.
Giáo sĩ quyền lực gây sóng gió quan hệ Iraq-Thụy Điển là ai?
Các đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy khói bốc lên từ một tòa nhà trong khuôn viên đại sứ quán Thụy Điển. Các đoạn video khác cho thấy nhiều người tụ tập bên trong, đốt lửa, vẫy cờ và hò hét.
Nguồn tin nói với Reuters rằng không có nhân viên nào của đại sứ quán Thụy Điển bị thương. Bộ Ngoại giao Thụy Điển xác nhận các nhân viên sứ quán đều an toàn và nói rằng nhà chức trách Iraq có trách nhiệm bảo vệ phái đoàn ngoại giao và nhân viên.
Bộ Ngoại giao Iraq đã lên án vụ việc và cho biết chính phủ đã chỉ thị lực lượng an ninh lập tức điều tra, xác định những người xâm nhập và bắt phải chịu trách nhiệm.
Trước vụ đột nhập, những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Muqtada Sadr đã kêu gọi biểu tình nhằm phản đối việc đốt kinh Koran của người Hồi giáo tại Thụy Điển.
Truyền thông Thụy Điển ngày 19.7 đưa tin cảnh sát đã chấp nhận cho một cuộc tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Iraq tại Stockholm vào ngày 20.7. Những người đăng ký nói sẽ đốt kinh Koran và cờ Iraq. Một trong hai người dự kiến tham gia cuộc tụ tập đó chính là người đã đốt kinh Koran bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo tại Stockholm hồi tháng 6.
Tuy nhiên, những người biểu tình đã đá và phá hủy một phần quyển sách mà họ nói rằng là kinh Koran, nhưng không đốt như đã đe dọa.
Cuối tháng 6, ông Sadr kêu gọi biểu tình phản đối Thụy Điển và trục xuất Đại sứ Thụy Điển tại Iraq sau vụ đốt kinh Koran tại Stockholm của một người Iraq. Cảnh sát Thụy Điển đã truy tố người này tội kích động chống các nhóm sắc tộc. Trong một cuộc phỏng vấn trên báo chí, người này tự xưng là người tị nạn Iraq muốn cấm kinh Koran.
Bình luận (0)