Sau vụ xả súng, New Zealand lo danh tiếng thanh bình, bao dung bị tổn hại

15/03/2019 23:28 GMT+7

Vụ xả súng làm chết nhiều người tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch ngày 15.3 gây nên cảm giác kinh hoàng đối với người dân ở New Zealand, đất nước vốn nổi tiếng an toàn với tỉ lệ bạo lực súng đạn thấp.

Giám đốc cảnh sát New Zealand Mike Bush cho biết 49 người thiệt mạng và 48 người bị thương nặng trong hai vụ tấn công, theo Reuters. Tay súng được cho là phát trực tuyến video trên mạng xã hội, quay cảnh lái xe rồi xông vào một đền thờ nổ súng vào những người bên trong.
Thủ tướng Jacinda Ardern gọi đây hành động tấn công khủng bố. “Nhiều nạn nhân có thể là người di cư và dân tị nạn đến New Zealand. Họ đã chọn đất nước này là nhà. New Zealand là đất nước an toàn đại diện cho sự đa dạng, tốt bụng, vị tha và hoanh nghênh người nhập cư. Tôi xin đảm bảo rằng tất cả những giá trị này không thể bị thay đổi vì vụ tấn công”, bà Ardern nói.
[VIDEO] Nghi phạm phát trực tiếp vụ xả súng ở New Zealand trên mạng xã hội
Trên trang 8chan "khét tiếng" đăng những nội dung mang thông điệp thù hận, một tài khoản ẩn danh đăng tải đoạn video xả súng cùng một "tuyên ngôn" phản đối chính sách di trú của New Zealand, gọi người nhập cư là “kẻ xâm lược”.
"Tuyên ngôn " này nói bằng cách tấn công ở New Zealand, sẽ cho thấy "không còn nơi nào trên thế giới là an toàn, bọn xâm lược đã ở khắp nơi trên đất ta, kể cả những vùng sâu vùng xa nhất, và chẳng còn gì an toàn và miễn nhiễm khỏi nạn nhập cư hàng loạt".
Một cảnh sát chạy đến hiện trường vụ xả súng ở Christchurch Reuters


Ông Paul Buchanan, nguyên là một nhà phân tích chính sách quốc phòng và tình báo, nói rằng nguy cơ từ các nhóm tân Quốc xã không phải chuyện xa lạ ở New Zealand.

Chúng ta đã bị nhiễm vi-rút cực đoan hóa... bắt nguồn từ nhóm thượng đẳng da trắng
Nhà phân tích Paul Buchanan
“Christchurch có một cộng đồng theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hoạt động tích cực. Công đồng này đã tấn công người tị nạn và người da màu trong nhiều trường hợp trong suốt 20 năm qua", ông nói.

“Vụ này cho thấy vào thời này chúng ta không còn sống trong mội trường hiền lành nữa, chúng ta đã bị nhiễm vi-rút cực đoan hóa. Vấn đề là thứ vi-rút đó bắt nguồn từ nhóm thượng đẳng da trắng, chứ không phải từ cộng đồng Hồi giáo mà ngày hôm nay đã trở thành mục tiêu”.
Reuters dẫn lại số liệu thống kê cho thấy người theo Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 1% dân số New Zealand, đa phần là dân nhập cư. “Đây là New Zealand. Điều này không thể xảy ra. Tôi đau lòng quá, chỉ biết ngồi khóc thôi”, chủ tịch Hiệp hội người Hồi giáo Marlborough, Zayd Blissett cho biết.
[VIDEO] 49 người chết trong vụ xả súng "nghiêm trọng nhất lịch sử" New Zealand
Trong vài thập niên qua, New Zealand từng chứng kiến một vài vụ xả súng. Chẳng hạn, hồi năm 1990, một tay súng đã giết chết 13 người tại thị trấn nhỏ Aramoana do xích mích với hàng xóm.
Cảnh sát đã tiêu diệt tay súng và sau đó luật cấp giấy phép sở hữu súng được siết chặt, hạn chế cấp giấy phép cho những loại vũ khí bán tự động.
Những người may mắn sống sót sau vụ xả súng vẫn còn bàng hoàng Reuters

Theo nhóm vận động kiểm soát súng đạn GunPolicy.org, New Zealand có dân số gần 5 triệu người và khoảng 1,2 triệu khẩu súng nằm trong tay người dân nước này. Dù vậy, tỉ lệ vụ án giết người liên quan đến súng được cho là ở mức thấp 3-12 mỗi năm.
Thủ tướng Ardern nói New Zealand trở thành mục tiêu không phải vì đây là nơi chứa chấp những kẻ thù hận, phân biệt chủng tộc hay cực đoan, mà vì "chúng tôi đại diện cho sự đa dạng, thiện tâm, cảm thông" - nhưng giả trị mà theo bà, "sẽ không và không thể bị lay chuyển bởi vụ tấn công này"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.