Làm tốt công tác hạn chế khai thác nước ngầm
Xu hướng của thế giới hiện đang coi nước ngầm là nguồn tài nguyên cần được sử dụng một cách hợp lý để bảo vệ trái đất và tương lai của con người. Với Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM thì nước ngầm bị khai thác phục vụ nhiều mục đích, trong đó có nhu cầu dân sinh cũng gây ra những hệ lụy không chỉ cho môi trường lâu dài mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Việc giảm khai thác nước ngầm và cấp nước sạch an toàn cho người dân là nhiệm vụ kép mà SAWACO đang theo đuổi. Lộ trình giảm khai thác nước ngầm đã được lên kế hoạch, lấy việc giảm khai thác tới mức thấp nhất làm kim chỉ nam hành động.
SAWACO tuân thủ lộ trình giảm khai thác nước ngầm của TP.HCM theo Quyết định 1242 ngày 30.3.2018 của UBND TP.HCM về việc ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất (nước ngầm) và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025. Theo đó, SAWACO đã xây dựng Kế hoạch giảm khai thác nước ngầm phù hợp với lộ trình theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Cụ thể, giảm lượng nước ngầm khai thác từ các hệ thống giếng xuống mức 100.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2018; 90.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2019; 70.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2020; 66.000 m³/ngày đêm vào năm 2021 và mức 62.300 m³/ngày đêm trong năm 2022. Trong năm 2023, SAWACO dự kiến sẽ giảm khai thác thêm 12.300 m³/ngày đêm từ Nhà máy nước ngầm Tân Phú về mức 50.000 m³/ngày đêm.
Để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích sử dụng nước sạch thay cho nước ngầm, SAWACO đảm bảo nguồn nước liên tục, chất lượng và an toàn. Đồng thời phối hợp tốt với các sở ban ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm, trám lấp giếng, thực hiện chương trình giảm giá nước để khuyến khích các hộ dân đã được gắn đồng hồ nước nhưng chưa sử dụng nước. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ có giá bán sỉ nước sạch hợp lý.
SAWACO và các công ty cấp nước thành viên luôn nỗ lực cấp nước chất lượng, an toàn cho 20/21 quận - huyện và TP.Thủ Đức, bảo đảm mỗi người dân sống và làm việc tại TP.HCM đều được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ cung cấp nước sạch, chất lượng và ổn định. Từ năm 2017, đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung... Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 nâng tổng công suất hệ thống cấp nước lên 2,9 triệu m³/ngày đêm.
Hiện nay, SAWACO đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên mọi phương diện, triển khai và xây dựng các hệ thống và phần mềm ứng dụng như: triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu Data Center; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý chất lượng nước; xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai hệ thống quản lý thất thoát nước; trang bị phần mềm quản lý dự án; trang bị phần mềm mô phỏng thủy lực để mô hình hóa mạng lưới.
Bức tranh giảm khai thác nước ngầm tại TP.HCM sẽ còn tươi sáng hơn khi trong những năm tới ngành cấp nước đặt mục tiêu giảm mạnh việc khai thác nước ngầm bằng cách tập trung đầu tư lắp đặt hệ thống mạng lưới cấp nước nhằm bao phủ toàn TP.HCM.
Giới khoa học Việt Nam nói gì về các hậu quả của việc khai thác và sử dụng nước ngầm?
Kết quả nghiên cứu bước đầu do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện (Dự án Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở ĐBSCL) đã ghi nhận xu thế nâng, hạ - sụt lún vùng TP.HCM và ĐBSCL có biên độ nâng, hạ ở mức độ khác nhau. Trong đó, vùng có biên độ nâng (từ 2,4 - 11,4 mm/năm) có diện tích khoảng 5.800 km² thuộc khu vực các tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần diện tích ở đông bắc TP.HCM; vùng có biên độ hạ (từ 7,4 - 11,8 mm/năm) phân bố trên toàn bộ diện tích còn lại của ĐBSCL và TP.HCM với diện tích khoảng 36.800 km².
Đến nay, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân gây lún nêu trên. Nhưng khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL.
PGS-TS Hà Quang Khải, khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m³/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm tại một số khu vực trên địa bàn TP.HCM đang suy giảm, đặc biệt các quận, huyện ngoại thành… dẫn đến việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều nơi.
Không chỉ tác động đến cả nguy cơ về địa chất mà việc người dân dùng nước ngầm còn gây hậu quả trực tiếp cho sức khỏe. Theo ThS Đào Phú Khánh, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), chất lượng nước ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Việc sử dụng nước kém chất lượng không chỉ dẫn đến các căn bệnh cấp tính như dị ứng, ngứa, tiêu chảy mà về lâu dài còn có thể gây ra các bệnh mạn tính.
Nếu chỉ quan sát bên ngoài, nhìn thấy nước vẫn trong, vẫn sạch thì khó đánh giá nguồn nước ngầm có thật sự đạt chất lượng hay không. Thói quen sử dụng nước ngầm nhiều đời, ngần ngại chi trả tiền nước sạch an toàn… khiến một bộ phận người dân chần chừ, chưa muốn sử dụng nước máy. Khoảng 70% trong số 398 mẫu nước ngầm qua khảo sát đều gặp các vấn đề như: độ Ph, Ammonia, Fe, vi sinh… không đạt chuẩn. Từ đó dẫn đến nguy cơ gây bệnh ngoài da, hệ tiêu hóa, gây tình trạng xanh xao, ốm yếu.
Bình luận (0)