Say cà phê có nguy hiểm và làm gì khi uống cà phê mà bị khó chịu?

25/08/2022 12:23 GMT+7

Uống cà phê đã trở thành thói quen mỗi ngày của nhiều người trẻ, nhưng cũng không ít bạn trẻ nhiều lần uống cà phê cảm thấy đau đầu, khó chịu như là bị say.

Điều này có nguy hiểm không? Tại sao lại có cảm giác say cà phê? Và làm gì khi cảm thấy khó chịu mỗi lần uống cà phê?... là những câu hỏi mà nhiều người trẻ đều thắc mắc.

Nhiều người trẻ cho biết thường có cảm giác bị say mỗi khi uống cà phê

HOA NỮ

Đầu quay cuồng, chân tay bủn rủn

Là cô nàng rất thích uống cà phê và đặc biệt thích uống cà phê đen không đường, nhưng Phan Hoàng Dung (ngụ tại đường Lạc Long Quân, P.Phước Tân, TP.Nha Trang) cho biết nhiều lần đã bị cảm giác say cà phê và mỗi lần như thế là người mệt như không còn chút sức lực nào.

Dung kể: “Trước đây ngày nào mình cũng uống cà phê, nhưng từ khi dịch Covid-19giãn cách xã hội khiến mình ít có hoạt động đi ra ngoài cùng bạn bè, việc uống cà phê cũng ít hơn từ thời điểm đó. Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, khi mình bắt đầu uống cà phê trở lại, y như rằng mỗi lần uống là mỗi lần tim đập loạn hết cả lên, đầu cứ quay cuồng, cả tay chân bủn rủn làm gì cũng không có sức. Nhưng đôi lúc chỉ nghe mùi cà phê ở trong quán nước là thèm không chịu nổi, cứ gọi một ly, trong đầu chỉ nghĩ uống một ngụm thôi, nhưng mà đã uống là uống hết nên hôm nào uống cà phê là hôm đó coi như bỏ một ngày vì sẽ không làm việc được”.

Một ly cà phê buổi sáng giúp tỉnh táo và tập trung, thế nhưng cũng có một số người lại thấy cảm giác khó chịu, đau đầu, chóng mặt, xây xẩm mặt mày

HOA NỮ

Dung cho biết lúc uống thì rất ngon, bình thường chẳng thấy có chuyện gì xảy ra, nhưng khi về đến nhà là các triệu chứng mệt mỏi lại xuất hiện. Nặng nhất là có lần Dung uống cà phê rang tại chỗ, mà còn theo sở thích không bỏ đường vào uống cho ngon, thế là về nhà phải ngủ hết cả buổi chiều, tối lại phải uống đến mấy lít nước thì mới cảm giác khỏe trở lại. Thậm chí, Dung kể: “Mình bị say cà phê nặng đến nỗi mà loại cà phê hòa tan người ta bán gói pha sẵn mình uống vào cũng xây xẩm mặt mày”.

Cũng giống Dung, Nguyễn Đức Lộc (29 tuổi, trú tại hẻm 298 Nơ Trang Long, P. 12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thi thoảng cũng bị cảm giác say cà phê.

“Không phải lúc nào mình cũng có cảm giác say cà phê, nhưng mỗi lần say thì rất mệt. Tự dưng người xây xẩm và kiểu như là người bị say tàu xe á. Đầu óc cứ quay vòng vòng rồi đau đầu rất khó chịu. Mình để ý là những hôm nào mình uống 2-3 ly cà phê một ngày thì hay có cảm giác này, hoặc là những hôm chưa ăn gì đã uống”, Lộc kể và cho biết có nhiều hôm cũng chẳng thể làm việc được vì bị say cà phê.

Làm gì khi có cảm giác say cà phê?

Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng trong khi cà phê giúp một số người tỉnh táo và tập trung, thì một số người khác cảm thấy khó chịu sau khi uống cà phê với những cảm giác bồn chồn, lo lắng, dễ cáu gắt, đau đầu, tim đập nhanh, đau bụng, tiêu chảy và khó ngủ. Đây là những triệu chứng của hiện tượng “nhạy cảm với caffein” do lượng caffeine có trong cà phê và một số loại thực phẩm chứa caffeine gây ra. Nhiều người hay gọi nhầm hiện tượng này là “dị ứng caffein”, nhưng thật ra “dị ứng caffein” rất hiếm gặp và triệu chứng thường nặng nề hơn, như là nổi mày đay, khó thở, đau bụng, tiêu chảy và tụt huyết áp.

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy

Cũng theo bác sĩ Phạm Lê Duy mặc dù chưa có một thống kê cụ thể ở Việt Nam, nhưng theo quan sát thì “nhạy cảm với caffein” là một tình trạng thường gặp, xảy ra sau khoảng 15-20 phút sau khi uống cà phê hoặc các thức uống chứa caffein như trà, nước tăng lực...

“Nguyên nhân là do caffein kích thích cơ thể sản xuất một loại hormone gọi là adrenalin, đây là một loại hormone kích thích thần kinh giao cảm, thường được cơ thể tiết ra một cách tự nhiên trong những tình huống căng thẳng, lo lắng, sợ hãi để chuẩn bị cho phản ứng “fight or fly”, tức là bỏ chạy hay ở lại chiến đấu với tình huống khó khăn trước mắt. Sau khi uống cà phê, lượng adrenalin trong máu tăng cao, gây ra các triệu chứng của tình trạng “nhạy cảm caffein” ở một số người”, bác sĩ Duy chia sẻ.

Bác sĩ Duy cho biết khả năng dung nạp với caffeine được chia làm 3 mức độ. Đầu tiên là người nhạy cảm caffeine, những người này chỉ cần sử dụng 1 lượng ít caffeine (dưới 100mg) đã có thể có các triệu chứng của tình trạng nhạy cảm. Thời gian caffeine tồn tại trong máu của họ có thể kéo dài gấp 2 lần so với người bình thường.

Thứ 2 là người dung nạp caffeine bình thường, họ có thể sử dụng 200-400mg caffeine mỗi ngày mà không có triệu chứng nhạy cảm, miễn là sử dụng sớm trong ngày để không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Và mức độ thứ 3 là người kém nhạy cảm với caffeine. Đối với mức độ này thì khoảng 10% người trong dân số (con số nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu) có thể sử dụng lượng lớn caffeine (500mg hoặc hơn) mỗi ngày mà không có triệu chứng nhạy cảm. Tuy nhiên, những người này cũng cần phải sử dụng lượng lớn caffeine để đạt được những tác dụng mong muốn (tỉnh táo, tập trung).

Bác sĩ Duy cho rằng đối với những người tự thấy mình nhạy cảm với caffeine thì nên sử dụng những loại cà phê pha loãng hơn

LÊ THANH

Tại sao một số người lại bị tình trạng này, một số khác lại không bị ? Theo bác sĩ Duy thì có nhiều yếu tố có thể liên quan đến tình trạng nhạy cảm này. Như nam giới có thể nhạy cảm với caffeine hơn nữ giới, do tốc độc chuyển hoá caffeine (làm mất tác dụng caffeine) ở nam diễn ra chậm hơn ở nữ, làm cho lượng caffeine tồn tại trong máu của nam giới lâu hơn và gây ra triệu chứng kéo dài hơn. Bên cạnh đó, một số loại thuốc cạnh tranh với caffeine trong việc sử dụng men chuyển hoá ở gan, làm cho tốc độc chuyển hoá caffeine ở gan bị chậm lại nên caffeine trong máu tồn tại lâu hơn. Do đó, nếu một người đang sử dụng thuốc như thuốc ngừa thai, theophyline… thì có thể có triệu chứng của nhạy cảm caffeine trong khi trước kia không bị.

Hay các khác biệt về gene cũng có thể ảnh hưởng. Những người mang biến thể trên gene ADORA2A có thể bị mất ngủ khi uống cà phê, trong khi người khác lại không bị. Sự khác biệt trên gene CYP1A2 cũng ảnh hưởng đến khả năng chuyển hoá caffeine ở gan, khoảng 10% người mang biến thể giúp họ có thể uống lượng cà phê nhiều hơn người khác nhưng không có triệu chứng “nhạy cảm caffeine”. Còn đối với những người có sẵn tình trạng lo âu, căng thẳng, khi uống cà phê có thể có triệu chứng “nhạy cảm caffeine” nặng nề hơn. Việc “tập luyện” cho cơ thể quen với caffeine bằng cách uống cà phê thường xuyên, từ lượng ít tăng dần, sẽ giúp tăng khả năng dung nạp với caffeine.

Vậy làm sao tìm được loại cà phê phù hợp để tránh bị tình trạng nhạy cảm caffeine? Bác sĩ Duy cho rằng lượng caffeine trong thực phẩm rất khác nhau, ngay cả cùng 1 ly cà phê nhưng hàm lượng caffeine trong đó sẽ khác nhau tuỳ theo chủng loại của hạt cà phê, cách lên men và rang hạt cà phê, cách pha cà phê bằng máy hay bằng phin…. Do đó, để có một con số chính xác lượng caffeine có trong các loại thực phẩm cũng rất khó. Một người khi uống cùng 1 thể tích cà phê ở nơi này thì ổn, nhưng khi uống cùng 1 thể tích đó ở nơi khác lại thấy “bất ổn”. Do đó, cách chính xác nhất để tìm loại cà phê phù hợp với mình là phải tìm hiểu một chút về các loại hạt cà phê, tác dụng của cách pha cà phê và uống thử từ lượng ít và tăng dần lên.

“Đối với những người tự thấy mình nhạy cảm với caffeine thì nên sử dụng những loại cà phê pha loãng hơn (theo kiểu Americano chẳng hạn) để lượng caffeine nạp vào một cách từ từ, cơ thể có đủ thời gian chuyển hoá. Hoặc cũng có thể chọn các loại hạt cà phê chứa ít caffeine (như hạt arabica chẳng hạn) để giảm bớt lượng caffeine nạp vào. Cũng nên lưu ý, các loại thực phẩm chứa caffeine (trà, nước tăng lực, sô cô la…) khi sử dụng cùng lúc sẽ làm tăng lượng caffeine nạp vào và gây ra triệu chứng nhạy cảm caffeine”, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy lưu ý và khuyên các bạn trẻ nếu bị cảm giác say cà phê thì ngay lúc đó nên nghỉ ngơi, còn nếu có cảm giác khó chịu nhiều thì nên đi khám bác sĩ và khi có triệu chứng nặng như co giật phải cần can thiệp điều trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.