Mọi người thắc mắc có phải Covid-19 xuất hiện là không còn bệnh cảm cúm?

21/11/2021 06:26 GMT+7

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, khi thấy ai đó ho, hắt hơi, sổ mũi…thì nghĩ ngay đến Covid-19 hay lo sợ người đó đã dương tính. Rất nhiều người thắc mắc có phải từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay là không còn bệnh cảm cúm?

Nhiều người thắc mắc có phải từ khi dịch Covid-19 xuất hiện là không còn bệnh cảm cúm nữa?

ẢNH MINH HỌA: KHẢ HÒA

“Thật tình giờ nhiều khi uống nước bị sặc cũng cố kìm cơn ho lại chứ sợ mọi người nhìn rồi nghĩ mình chắc bị nhiễm Covid-19 rồi. Hay chính bản thân mình cũng vậy, lâu lâu thấy tự dưng sờ lên trán thấy nóng nóng, hay rát họng một chút là lo sợ chắc thôi xong rồi, chắc mình nhiễm rồi. Thật khổ ghê, mình thấy từ khi dịch Covid-19 xuất hiện là không còn bệnh cảm cúm nữa luôn á. Cứ thấy có các triệu chứng như cảm cúm trước đây là giờ lo sợ đủ đường, nhưng toàn nghĩ đến Covid thôi chứ không còn ai nghĩ đến cảm cúm nữa. Nên thật sự mình rất thắc mắc, có phải là giờ chỉ có Covid chứ không còn bệnh cảm cúm nữa?”, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (26 tuổi, ngụ tại hẻm 71 Lã Xuân Oai, P. Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức) bày tỏ.

Nhiều người cho biết bây giờ cũng có cảm giác lo sợ mỗi lần đo nhiệt độ, vì sợ chẳng may nhiệt độ cao hơn bình thường là lại lo lắng và nghĩ chắc mình nhiễm rồi

ẢNH MINH HỌA: KHẢ HÒA

Chia sẻ của Ngọc cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người hiện nay. Đa phần đều rất băn khoăn và lo sợ mỗi lần bản thân hay người xung quanh có những triệu chứng hô hấp trên. Nếu như trước đây, mọi người chỉ nghĩ đó là cảm cúm, nhưng trong thời buổi dịch bệnh căng thẳng như hiện nay thì chỉ cần ho thôi là bắt đầu lo lắng và nghĩ ngay đến Covid-19. Nhưng liệu có phải cứ có các triệu chứng hô hấp trên là nhiễm Covid-19 và có phải từ khi dịch Covid-19 xuất hiện thì không còn bệnh cảm cúm nữa?

Covid-19 sáng 21.11: Cả nước 1.084.625 ca nhiễm | Nhiều F1 ở Hà Nội chưa được cách ly tại nhà

Giai đoạn này không chỉ phòng ngừa Covid-19

Trả lời những thắc mắc của mọi người, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ: “Mặc dù dịch cúm đã xuất hiện từ rất lâu nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng lên thì vấn đề quan tâm hàng đầu là Covid, vì nó lây lan nhanh, số người mắc nhiều và do đó số người tử vong cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những bệnh khác không còn nữa. Nên nhớ rằng, cúm, viêm phổi, viêm não, sốt xuất huyết... đều có khả năng gây bệnh nặng và thậm chí là tử vong, đặc biệt trên những đối tượng nguy cơ cao, có sức đề kháng kém. Do đó, ngoài việc phòng ngừa covid-19, chúng ta cũng phải lưu tâm phòng ngừa các bệnh lý khác, bằng 5K và bằng các loại vắc-xin phù hợp cho từng loại bệnh lý, như cúm, phế cầu, viêm não...”.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy

Theo bác sĩ Duy thực ra ho, sổ mũi, hắt hơi là một triệu chứng rất thường gặp vì đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể để bảo vệ hệ hô hấp của mình. Nhiều người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, đau họng mạn cũng thường xuyên có các triệu chứng trên, thậm chí là người bình thường khi hít phải khói, bụi, chất kích ứng, hoặc người bị cảm lạnh đều có thể có các triệu chứng hô hấp trên. Nếu như trong thời gian trước, các triệu chứng này được xem là “bình thường”, thậm chí có người còn chẳng quan tâm để đi khám, thì trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát như hiện tại, nó lại trở nên nhạy cảm hơn. Nhiều người có thái độ kỳ thị những người có các triệu chứng này, thậm chí là không cho người khác đi chung thang máy, không cho đứng gần... khiến cho người bị các bệnh hô hấp mạn tính cảm thấy bị phân biệt đối xử.

“Chúng ta có thể hiểu được những hành động này, do ám ảnh của đợt dịch Covid-19 vừa qua để lại, tuy nhiên, cũng phải có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng. Những người có triệu chứng hô hấp thì nên tự test nhanh tại nhà, hoặc tự đến cơ sở y tế để khám bệnh, và luôn phải tuân thủ 5K khi đến nơi công cộng. Khi thấy người có biểu hiện triệu chứng hô hấp, đừng hoảng loạn, đừng thể hiện thái độ kỳ thị, tuân thủ đúng 5K, chú ý nhất là khâu khẩu trang và rửa tay, cũng như tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid cho bản thân và gia đình”, bác sĩ Duy khuyên.

Bảo vệ sức khỏe trong bình thường mới như thế nào

Trước lo ngại của nhiều người khi thấy tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có chiều hướng gia tăng nhưng các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu…vẫn tập trung rất đông đúc và mọi người băn khoăn về việc bảo vệ sức khoẻ trong thời điểm bình thường mới này như thế nào. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy cho rằng việc nhà hàng, quán ăn mở lại là một dấu hiệu phấn khởi vì cuộc sống dần được khôi phục trở lại. Hầu hết người dân TP.HCM đã được tiêm vắc-xin phòng covid-19, và chúng ta hy vọng là sự lây lan và tình trạng bệnh nặng do nhiễm SARS-CoV-2 sẽ giảm đi. Tuy nhiên, sự bảo vệ của vắc-xin cũng không phải là 100%, và virus có thể đột biến tạo các biến thể mới, thoát được sự bảo vệ của kháng thể do vắc-xin tạo ra.

Theo bác sĩ Duy trong cuộc sống bình thường mới mọi người dù không bi quan nhưng cũng không được chủ quan

KHẢ HÒA

“Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể nhiễm SARS-CoV-2 qua các hoạt động tại cộng đồng. Mặc dù không nên quá cực đoan, nhưng phòng bệnh lúc nào cũng tốt hơn là chữa bệnh, chúng ta nên chọn những quán ăn thoáng đãng, bàn ghế ngồi có giãn cách, rửa tay sạch trước và sau khi dùng bữa, uống rượu bia có kiểm soát, vì khi say xỉn sẽ dễ lơ là các biện pháp bảo vệ cá nhân, và rượu bia còn có thể làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể”, bác sĩ Duy chia sẻ.

Ngoài những chia sẻ giải đáp thắc mắc của mọi người về việc có phải dịch Covid-19 xuất hiện thì không còn bệnh cảm cúm và cách để bảo vệ sức khoẻ trong giai đoạn bình thường mới, bác sĩ Duy cũng có những lời nhắn gửi đến tất cả mọi người khi tết đang cận kề: “Năm mới và tết nguyên đán sắp tới, chúng ta mong chờ một năm mới bình an và hạnh phúc, có thể quây quần cùng người thân yêu của mình. Do đó, mỗi người phải thật ý thức để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, để có được một cái tết thật trọn vẹn và ý nghĩa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.