Dịch như thế này, năm nay liệu có… tết?

20/11/2021 14:51 GMT+7

Các ca dịch vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều tỉnh thành, khi tết càng cận kề thì nhiều lao động trẻ lại càng lo: “Dịch như thế này, năm nay liệu có tết?”

Dịch càng gia tăng lại như thế này khiến người lao thêm lo lắng không biết năm nay liệu còn có tết hay không?

KHẢ HÒA

Mới đi làm lại còn chưa kiếm đủ tiền trả nợ cho những tháng dịch mất thu nhập và phải mượn từ người thân, bạn bè, chị Nguyễn Thị Linh (31 tuổi, trọ trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) nghe nói tết sắp đến mà rầu: “Bao nhiêu nợ nần chưa còn chồng chất, giờ thấy dịch lại đang căng thẳng, đi đâu cũng thấy F0. Chỉ mong dịch ổn, đừng có bùng phát lại như đợt trước nữa để còn làm ăn và trả nợ. Năm nay liệu có tết không, khi tiền không có mà dịch thế này chẳng ai còn tâm trí nghĩ đến tết, mong bình yên là tốt lắm rồi”.

Tiền đâu mà nghĩ đến tết

Mới đây, gặp chị Phan Thị Kiều Loan (30 tuổi, trọ trên đường Kha Vạn Cân, P. Linh Tây, TP. Thủ Đức, TP.HCM) tại một ngày hội việc làm ở Khu chế xuất Linh Trung, TP. Thủ Đức, chị Loan cho biết đang đi tìm việc cho chồng vì mấy tháng nay bị thất nghiệp nên hoàn cảnh của gia đình trong dịch rất khó khăn.

Nhiều bạn trẻ còn chưa dám mua vé tàu, xe về tết vì sợ dịch không được về quê ăn tết

KHẢ HÒA

Chị Loan bày tỏ: “Giờ việc làm còn chưa ổn định, trước đây chồng mình là lao động tự do, dịch bệnh nên thất nghiệp luôn, giờ hai vợ chồng muốn tìm công việc ổn định để còn kiếm tiền sinh sống qua ngày. Mấy năm vào giờ này là còn lo mua vé tết để về quê các kiểu, năm nay thì tết nhất gì nữa mà, công việc cũng chưa có, tiền cũng không có thì lấy gì mà nghĩ đến tết. Năm nay xác định hết tết rồi”.

Anh Nguyễn Tấn Tài (33 tuổi, công nhân ở Công ty TNHH SX - TM Dây & Cáp điện Tài Trường Thành) hôm dẫn con gái đi nhận thiết bị hỗ trợ học tập trong chương trình Cùng em học trực tuyến, anh Tài cho biết vợ chồng anh đã quá đuối vì dịch bệnh.

Anh Tài kể 2 vợ chồng ở trọ, một mình anh làm công nhân nuôi 2 con ăn học. Trong dịch không đi làm được là coi như 4 tháng liền vợ chồng anh không có thu nhập, chỉ trông chờ vào 1.5 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước và từng bó rau, ký gạo của các nhà hảo tâm.

Sinh viên nhận hỗ trợ khi ở xa nhà đón tết

HOA NỮ

“Chưa bao giờ thấy khổ như giai đoạn này. Nay mới là tuần đầu tiên mình đi làm được 4 ngày/ tuần, chứ sau khi mở cửa được đi làm trở lại thì mình cũng chỉ đi làm 2 ngày/ tuần. Ăn theo công nên có đi làm mới có tiền, ngày nào không đi làm cũng coi như không có lương ngày đó. Mà được đi làm lại là may lắm rồi, chỉ mong dịch đừng bùng lại chứ không còn khổ nữa”, anh Tài bày tỏ.

Cũng chính vì kinh tế đã kiệt quệ trong dịch nên anh Tài cũng như nhiều công nhân và lao động tự do khác không còn tâm trí nghĩ đến tết. Nghe nói tết sắp đến lại là nỗi lo ngàn cân của họ.

Tết đến với muôn ngàn nỗi lo

“Đang lo kiếm tiền tự nhiên cái... tết! Chỉ còn hơn 80 ngày nữa là tết lại về. Vốn dĩ những người lao động khi nghe tết là một việc cần phải khẩn trương để cho chu toàn, tích trữ và mua sắm. Muốn có cái tết đầm ấm thì phải lao động cật lực hơn ở ba tháng cuối năm. Năm nay dịch kéo dài, cả năm dành dụm phải lo đủ thứ chi phí cho trong 4 tháng dịch. Vừa mở cửa lại thì tiền dự trữ cũng đã cạn, bản thân mình cũng tự trấn an vì may mắn hơn nhiều người đã ra đi, thôi kệ còn thở là còn gỡ”, anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ trên đường Lý Thái Tổ, Q.3, TP.HCM), bày tỏ.

Tết đến với muôn ngàn nỗi lo

KHẢ HÒA

Anh Đạt làm về thủ công mỹ nghệ, chữ thư pháp, tranh mỹ thuật, dịp cuối năm cũng là thời điểm trông chờ kinh doanh. Tuy nhiên năm nay sức mua có thể tập trung vào các mặt hàng thiết yếu hơn là quà tặng trang trí nên anh Đạt cũng đang rất lo lắng khi tết cận kề.

“Trước tình hình dịch bệnh phức tạp đang có chiều hướng gia tăng trở lại, mình thường xuyên gặp các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trao đổi thêm để tìm ra cách thức kinh doanh cho tết này. Đa phần các chủ doanh nghiệp đều hoạt động cầm chừng và cố gắng duy trì để qua sang năm gầy dựng lại. Nhiều người còn nói đùa rằng chưa đổi sang kinh doanh "bán muối" là may rồi. Vì vậy mình cũng đã xác định luôn từ giai đoạn này, tết năm nay sẽ đạm bạt hơn, trên tinh thần tiết kiệm, vui, khỏe, sum vầy là chính, còn chuyện mâm cỗ thịnh soạn, phong phú hay không thì đến đâu hay đến đó”, anh Đạt chia sẻ.

Dù nhiều bạn trẻ lựa chọn không về quê đón tết vì dịch bệnh, nhưng các bạn cho biết vẫn sẽ cố gắng dành dụm để mua chút gì gửi về làm quà cho ba mẹ ở quê đón tết được ấm áp hơn

HOA NỮ

Đối với Trần Kim Dung (28 tuổi, trọ tại hẻm 298 Nơ Trang Long, P. 12, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) thì cho biết tết sắp đến là nỗi lo chồng chất nỗi lo. “Mình xác định là tết này không về quê rồi, vì dịch thế này không dám mua vé, sợ mua đến lúc đó dịch bùng phát mạnh hơn thì không được về phải hủy vé tiếc lắm. Tiền đã thiếu trước hụt sau rồi, nên không dám liều. Thế nhưng dù không về cũng phải gửi cái gì đó về để ba mẹ ở quê lo tết”, Dung tâm sự.

Nói đến đây, Dung lại thở dài: “Thật ra ba mẹ ở quê cũng biết con cái trong này dịch rất khó khăn, nên cứ dặn mình đừng có mua hay gửi đồ gì về, ba mẹ ở quê tự lo được. Nhưng một năm đi làm xa, chỉ có cái tết đến là mong muốn ba mẹ được đón tết ấm áp nhất, nên đứa con nào cũng muốn sắm sửa gì đó cho gia đình, gửi về cho ba mẹ ít tiền để còn sắm các mâm cúng ngày tết. Dù cũng không bao nhiêu, nhưng năm nay đúng thật là rất lo vì cả 4 tháng dịch không có đồng thi nhập nào”.

Điều mà Dung lo lắng nhất là sợ dịch căng thẳng trở lại: “Mấy nay nghe số ca nhiễm mỗi ngày mà thấy lo, vừa lo cho sức khỏe, vừa lo cho công việc. Nếu dịch mà cứ gia tăng như thế này thì liệu năm nay có tết nữa không, người lao động đã quá khổ vì dịch rồi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.