Sấy hồng khô theo kiểu Nhật

06/01/2015 11:37 GMT+7

Ông Trần Phú Lộc (60 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã sang Nhật Bản học hỏi công nghệ sấy khô trái hồng và về áp dụng thành công, mở ra hướng đi mới cho trái hồng Đà Lạt vốn chịu cảnh ế ẩm trong nhiều năm qua.

Ông Trần Phú Lộc (60 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã sang Nhật Bản học hỏi công nghệ sấy khô trái hồng và về áp dụng thành công, mở ra hướng đi mới cho trái hồng Đà Lạt vốn chịu cảnh ế ẩm trong nhiều năm qua.

Sấy hồng khô theo kiểu Nhật
Ông Trần Phú Lộc kiểm tra hồng đang trong giai đoạn sấy gần ba tuần - Ảnh: G.B
Chúng tôi khá bất ngờ khi vào nhà kính sấy hồng rộng chừng 200 m2 của ông Trần Phú Lộc, bởi lần đầu được chứng kiến hàng ngàn trái hồng treo lủng lẳng thành từng dây dài trông khá đẹp mắt và không thấy có một con ruồi, muỗi nào lởn vởn ở đây. “Mình làm đúng quy trình và vệ sinh sạch sẽ nên mới có kết quả vậy đấy”, ông Lộc vui vẻ nói.
Ông Trần Phú Lộc, vốn trước đây là Giám đốc Công ty CP rượu bia, nước giải khát Đà Lạt, năm 2010 ông nghỉ hưu và về làm cho công ty của gia đình chuyên sản xuất, chế biến các loại đặc sản Đà Lạt.
Hằng năm, Đà Lạt có hàng trăm ha trồng hồng với sản lượng hàng ngàn tấn. Dù là trái đặc sản nhưng người trồng hồng luôn gặp cảnh bấp bênh do không có đầu ra, nên từ lâu ông Lộc đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao giá trị của loại trái này.
Ông Lộc kể: “Năm 2013, tôi biết thông tin trước đây có một số cán bộ nông nghiệp của Đà Lạt được sang Nhật đào tạo kỹ thuật (qua hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) để giúp nông dân sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị trái hồng. Tôi tìm hiểu và thông qua vài người này rồi tổ chức, triển khai thực hiện tại gia đình. Tuy nhiên qua thực tế, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến chất lượng trái hồng”.
Qua mối quan hệ cũ, ông Lộc liên lạc với một giảng viên người Nhật đang dạy ở Đại học Đà Lạt (từng công tác ở một công ty lớn về hồng bên Nhật) rồi nhờ người này liên lạc với lãnh đạo công ty bên Nhật cho ông qua học hỏi. Tháng 11.2014, ông được sang Nhật nghiên cứu, tìm hiểu trong một tuần.
“Họ hướng dẫn rất nhiệt tình, từ khâu trồng, chăm sóc, cắt tỉa cành, thu hoạch trái rồi chế biến từ trái hồng tươi thành trái hồng khô, quy trình bảo quản, đóng gói, đến cả lưu thông trên thị trường… họ đều chỉ dẫn tất cả”, ông Lộc cho biết.
Cũng theo ông Lộc, bên Nhật họ chăm sóc hồng rất công phu, họ không cho cây mọc lên cao như bên mình mà họ cắt và tạo tán ngang tầm tay (giúp cho cây dễ quang hợp và dễ hái quả). Khi cây ra trái với mật độ quá dày, họ chọn những trái tốt để lại và hái bỏ bớt trái xấu, đến khi thu hái thì chờ cây rụng hết lá mới thực hiện và hái phải giữ lại cuống…
Nhờ vậy mà bên Nhật họ bán đến 180.000đ/kg hồng tươi, 3 triệu đồng/kg hồng khô (5, 6 kg tươi sấy được một kg khô), trong khi ở Đà Lạt giá hồng tươi chưa đến 10.000đ/kg, thậm chí tại vườn chỉ từ 3.000 - 6.000đ/kg và phải mất 10 - 12 kg tươi mới sấy được 1 kg khô.
Có được kiến thức từ “du học”, ông Lộc về đầu tư lại nhà kính, trang bị máy móc, thiết bị hết 1 tỉ đồng và mua hồng về sấy. Ban đầu trái hồng được tuyển chọn, rồi đưa vào máy gọt vỏ và xử lý vô trùng, khử bớt chất chát của hồng, xong mang ra nhà kính treo.
“Treo như vậy trong khoảng 21 - 28 ngày, trái khô tự nhiên và teo lại còn trên dưới 30% thì đạt yêu cầu, mình tuyển lựa lại rồi đóng gói tiêu thụ. Trong quá trình này, hằng ngày phải kiểm tra kỹ lưỡng, xem trái nào không đạt, hoặc xì nước thì phải bỏ ngay chứ không nó lây sang trái khác hoặc bị mốc, hỏng hết”, ông Lộc cho hay.
Vừa áp dụng đã thành công ngay, đến nay ông đã sấy và cho ra lò hàng trăm ký hồng khô, bán với giá 300.000đ/kg, tất cả đều được khách hàng mua hết sạch. Ông Lộc cho biết thêm, dự kiến năm 2015 này sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn hồng nguyên liệu, đồng thời liên kết với nông dân để trồng hồng và bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định (từ 15.000 - 20.000đ/kg) cho bà con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.