Sẽ càng thiếu giáo viên mầm non

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
20/01/2021 08:39 GMT+7

Tuyển làm nhiều đợt và bằng nhiều phương thức xét tuyển, nhưng năm 2020 nhiều trường cao đẳng sư phạm chỉ tuyển được trên dưới 50% chỉ tiêu, trong khi giáo viên mầm non tại các địa phương đang thiếu rất nhiều theo chuẩn mới.

 
 
Chỉ tiêu vài trăm nhưng vài chục sinh viên nhập học
Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, cho biết căn cứ vào nhu cầu thực tế, năm 2020 Bộ GD-ĐT cho phép trường tuyển 1.500 giáo viên (GV) mầm non, nhưng trường chỉ tuyển được 843 sinh viên, đạt gần 60%.

Thiếu khoảng 45.000 giáo viên mầm non

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết thúc năm học2019 - 2020, toàn quốc có 364.776 GV mầm non (tăng 2.604), bình quân 1,82 GV/lớp (tăng 0,02 GV/lớp). Tỷ lệ GV mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo luật Giáo dục 2019 là 73,7%.
Trong đó, tỷ lệ GV đạt trình độ đào tạo ĐH sư phạm trở lên đạt 50,7%, đạt trình độ đào tạo CĐ sư phạm là 23,5%, có trình độ trung cấp là 26,3%.
Sau khi được bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non thì số còn thiếu ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên toàn quốc là 45.242.
“Sau 3 năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt khoảng 80 - 85%, do vậy số lượng thực tế ra trường để thành GV còn thấp hơn nữa so với đầu vào”, bà Nga nói.
Còn tiến sĩ Phan Thế Hải, phụ trách đào tạo Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin: “Năm 2020 trường được Bộ GD-ĐT duyệt 500 chỉ tiêu. Đây là số lượng dựa trên nhu cầu GV mầm non thực tế của tỉnh. Mục tiêu của trường cũng chỉ mong tuyển được 220 chỉ tiêu. Tuy nhiên thực tế chúng tôi chỉ tuyển được 169 em, đạt hơn 30% so với mức mà Bộ cho phép”. Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phải xét tuyển bổ sung mới được số lượng như trên.
Rất nhiều trường khác cũng phải xét tuyển bổ sung như CĐ Sư phạm Kiên Giang (bổ sung 2 đợt), CĐ Sư phạm Thái Bình (3 đợt), CĐ Sư phạm Hà Giang (3 đợt), CĐ Sư phạm Bình Phước (1 đợt), CĐ Sư phạm Tây Ninh (1 đợt), CĐ Sư phạm Cao Bằng (2 đợt)... Hầu hết các trường CĐ sư phạm năm 2020 đều xét tuyển từ 2 - 3 phương thức, trong đó có phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, xét điểm học bạ và có trường thêm phương thức kết hợp điểm thi tốt nghiệp với điểm năng khiếu, nhưng chỉ tiêu đạt được rất khiêm tốn. Cá biệt Trường CĐ Sư phạm Cao Bằng sau 3 đợt tuyển chỉ được gần 40 SV trong khi chỉ tiêu là 200...

Vì sao thí sinh không muốn vào sư phạm mầm non ?

Lý giải về việc này, thạc sĩ Thanh Nga nhìn nhận: “Trước đây các em muốn trở thành GV mầm non chỉ cần học 2 năm là có thể ra đi làm. Nay theo chuẩn mới các em phải học 3 năm, trong khi ra đi làm lương thấp, công việc vất vả, cực nhọc. Đứng trước sự lựa chọn này, nhiều em quyết định đăng ký học một ngành khác học trong 2, 3 năm, ra trường mức lương cao hơn lại không phải đáp ứng yêu cầu về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo đó, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên đối với phương thức xét điểm học bạ và có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 5,5 trở lên đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT”. Thạc sĩ Nga cho rằng với mức điểm 16,5, thí sinh có thể đậu vào một số trường đại học tốp dưới hoặc trường ngoài công lập.
Còn theo tiến sĩ Phan Thế Hải, nguyên nhân một phần là tư duy của người học đã thay đổi. Những năm trước đây các em muốn trở thành cô giáo để được vào biên chế nhà nước cho an tâm, nhưng hiện nay với mức lương rất thấp mà áp lực công việc lại quá cao nên nhiều em quyết định đi theo hướng học nghề để nhanh chóng ra trường, lại kiếm được nhiều tiền hơn. Chỉ những em nào yêu nghề lắm mới theo học sư phạm mầm mon.

Nhiều nơi thiếu

Còn một cán bộ của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay tỉnh vẫn chưa tuyển đủ GV mầm non và tiểu học. Theo đó, tỉnh còn thiếu hơn 1.000 GV cấp học này. Theo quy định, ở bậc mẫu giáo tỷ lệ chuẩn là 2,2 GV/lớp nhưng tỉnh mới chỉ đạt 1,68 GV. Đầu năm 2020, các huyện cũng đã tuyển riêng nhưng vẫn chưa đủ. Bắt đầu từ tháng 7.2020, GV mầm non phải có trình độ CĐ nên tuyển càng khó hơn. Hiện nay trong tỉnh có 2 trường là ĐH Quy Nhơn và CĐ Bình Định có đào tạo GV, cơ bản là đủ. Thiếu là do một phần GV làm tại các trường tư thục, phần nhiều lại vào TP.HCM để xin việc”.
Theo cán bộ này, hiện tỉnh đang gặp 2 vấn đề là thiếu biên chế GV và thiếu con người do không đáp ứng được trình độ theo chuẩn mới.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho rằng số lượng học sinh mầm non tỉnh Gia Lai cũng đang rất tăng, cần rất nhiều GV. Để đáp ứng thì số lượng người học ngành mầm non cũng phải tăng lên. Tuy nhiên, hiện Trường CĐ Sư phạm Gia Lai đang tạm thời dừng tuyển sinh năm 2020 và 2021 để chuẩn bị cho đề án sáp nhập với một ĐH ở khu vực miền Trung. Mặc dù trường vẫn tiếp tục đào tạo số GV mầm non các khóa cũ nhưng số lượng không nhiều.
Ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, chia sẻ thêm: “Các huyện Đắk Glong và Tuy Đức đang thiếu nhiều hơn cả. Hiện chúng tôi đang xây dựng lộ trình đến năm 2030. Theo đó, những GV nào đang công tác mà chưa đạt chuẩn thì tạo điều kiện nâng chuẩn. Nơi nào thiếu nhiều thì tuyển theo diện hợp đồng để đáp ứng nhu cầu thực tế”.
Từ thực tế trên, tiến sĩ Phan Thế Hải đề xuất nếu tuyển dụng GV mầm non theo chuẩn mới quá khó thì nên cho các đơn vị tuyển theo quy định cũ, ngay sau đó tổ chức nâng chuẩn cho GV theo quy định mới. “Về vấn đề tuyển sinh đầu vào tại các trường sư phạm, chúng tôi hy vọng Nghị định 116 của Chính phủ mới đây quy định sinh viên sư phạm được miễn học phí và được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường, sẽ tạo động lực và kích thích nhu cầu học sư phạm nhiều hơn”, tiến sĩ Hải nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.