Nghị định 99 ban hành ngày 30.12.2019 nêu văn bằng của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục ĐH bao gồm: bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ, bác sĩ thú y, kỹ sư, kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Căn cứ vào khối lượng học tập của chương trình đào tạo, bằng kỹ sư tương đương trình độ bậc 7 - trình độ của người có bằng thạc sĩ. Quy định này hiện đang “vênh” so với quy chế đào tạo thạc sĩ hiện hành khi yêu cầu người đầu vào đào tạo thạc sĩ phải tốt nghiệp ĐH. Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến thực hiện sửa đổi quy chế tuyển sinh cả 3 trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ nhằm khắc phục những điểm “vênh” trong các quy chế với luật Giáo dục ĐH bổ sung, sửa đổi.
Tăng thời lượng lên 150 tín chỉ
Dù chưa có quy chế đào tạo mới nhưng đến thời điểm này, các trường ĐH đào tạo kỹ sư đều có dự kiến điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo tối thiểu 150 tín chỉ theo luật mới.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết các ngành đào tạo kỹ sư của trường hiện trên 130 tín chỉ. Trước đó, chương trình đào tạo các ngành này vốn có 150 tín chỉ nên sắp tới sẽ điều chỉnh tăng lại thời lượng chương trình. Tuy nhiên, theo ông Dũng, dù tăng thời lượng tín chỉ nhưng có thể trường vẫn duy trì thời gian đào tạo 4 năm như hiện nay...
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến sẽ tăng từ 146 lên tối thiểu 150 tín chỉ các ngành cấp bằng kỹ sư theo quy định mới. Việc điều chỉnh chương trình đào tạo dự kiến sẽ thực hiện trong năm nay để kịp áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết sẽ không có nhiều xáo trộn thời gian tới vì chương trình hiện hành đang gần tiệm cận với quy định mới.
Trong số 31 ngành đào tạo của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hiện có 23 ngành cấp bằng kỹ sư với thời lượng 136 tín chỉ. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết với định hướng trở thành trường ĐH nghiên cứu, trường sẽ nghiên cứu cân nhắc điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra phù hợp với quy định danh xưng từng ngành nghề.
“Trong đó, không loại trừ khả năng có những ngành sẽ được xây dựng 150 tín chỉ và cũng có những ngành giữ nguyên 136 tín chỉ như hiện nay. Về việc này, hội đồng khoa học đào tạo của trường sẽ rà soát, nghiên cứu và quyết định sau khi tham khảo ý kiến bên ngoài”, tiến sĩ Lý cho hay.
Trong khi đó, ngay từ năm 2019, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã “sửa” lại toàn bộ chương trình đào tạo. Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, trường này đã sẵn sàng cho việc đào tạo kỹ sư theo luật mới. Các ngành đào tạo kỹ sư đã được nâng lên 158 tín chỉ (gồm 8 tín chỉ tiếng Anh) và học trong 5 năm (trước đó là 142 tín chỉ, học trong 4,5 năm). Trong số 32 ngành của trường này, ngoại trừ ngành kiến trúc cấp bằng kiến trúc sư, khả năng sẽ có 2 ngành không cấp bằng kỹ sư gồm quản lý công nghiệp và khoa học máy tính. “Tuy nhiên, điểm mới từ năm nay là cho phép sinh viên cùng một ngành có thể nhận bằng kỹ sư nếu tích lũy đủ 158 tín chỉ hoặc chỉ cấp bằng cử nhân nếu đạt 128 tín chỉ”, ông Thắng chia sẻ.
Bằng kỹ sư không phiên ngang thạc sĩ
Trong khi chờ nghị định hướng dẫn thực hiện cụ thể, theo quan điểm cá nhân của đại diện một số trường ĐH là không nên chấp nhận phiên ngang bằng kỹ sư sang bằng thạc sĩ dù nghị định quy định tương đương trình độ đào tạo bậc 7.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói: “Bằng kỹ sư là tốt nghiệp trình độ ĐH, thạc sĩ là sau ĐH. Do vậy, người có bằng kỹ sư muốn nhận bằng thạc sĩ vẫn cần qua quá trình đào tạo. Chương trình đó có thể ngắn hơn và chỉ cần 1 năm, thay vì 1,5 năm như quy định hiện nay”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng có ý kiến: “Sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH được cấp bằng kỹ sư và theo Nghị định 99 được tính tương đương bậc 7 trong khung trình độ quốc gia. Nhưng điều này không có nghĩa là bằng kỹ sư tương đương bằng thạc sĩ bởi việc học ở 2 trình độ này hoàn toàn khác nhau. Trong đó, thạc sĩ người học được học chuyên sâu hơn về lĩnh vực nghiên cứu và có định hướng nghiên cứu nhiều hơn chương trình học kỹ sư”.
Bày tỏ quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nói: “Việc đào tạo kỹ sư và thạc sĩ có mục tiêu khác nhau. Trong đó, kỹ sư đào tạo người có trình độ kỹ thuật cao, phục vụ công việc cụ thể trong các ngành nghề, còn thạc sĩ nghiên cứu nhiều hơn. Do vậy, nên chăng có chương trình đào tạo thạc sĩ riêng cho kỹ sư với số lượng tín chỉ ít hơn cho đối tượng cử nhân”.
Đồng quan điểm, PGS-TS Bùi Hoài Thắng nêu: “Kỹ sư thuộc nhóm ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, tương đương trình độ thạc sĩ nhưng không phải bằng thạc sĩ. Kỹ sư giải quyết những vấn đề thực tiễn, còn thạc sĩ có thiên hướng khoa học hơn”. Ông Thắng cho biết, hiện sinh viên tốt nghiệp chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp của trường đã được Bộ GD-ĐT công nhận tương đương trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, các kỹ sư này vẫn cần học thêm một số môn và thực hiện luận văn thạc sĩ để được nhận bằng thạc sĩ.
“Thời gian tới, mô hình đào tạo kỹ sư mới các ngành đại trà của trường sẽ thực hiện theo định hướng kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp. Tốt nghiệp ĐH, các kỹ sư chỉ cần học một số môn và làm luận văn sẽ nhận bằng thạc sĩ. Thời lượng học thêm sau ĐH dành cho đối tượng này chỉ khoảng 17 tín chỉ”, ông Thắng thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh, các sinh viên muốn học thêm lấy bằng thạc sĩ vẫn cần xét đầu vào theo quy định đào tạo thạc sĩ đảm bảo điểm trung bình học tập, trình độ ngoại ngữ...
Ở góc nhìn chuyên môn, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng bộ môn quản lý hàng hải - Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng nếu chỉ tăng cơ học số lượng tín chỉ đào tạo, vẫn chương trình đào tạo và đội ngũ giảng dạy đó thì không thể công nhận kỹ sư tương đương thạc sĩ.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99 hướng dẫn luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6.1, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng việc đưa bằng kỹ sư vào nghị định là đáp ứng sự mong đợi của các trường đào tạo kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Sơn lo lắng nếu việc triển khai không thống nhất giữa các trường, không đào tạo tốt sẽ làm mất uy tín của chương trình kỹ sư.
Xác định văn bằng phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn
Trước đó trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng nếu nói bằng kỹ sư, bác sĩ tương đương với thạc sĩ chưa thực sự chính xác. Nghị định 99 đã đưa ra quy định có tính nguyên tắc (tại khoản 2, điều 14): căn cứ quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong khung trình độ quốc gia Việt Nam. Vì vậy, xác định văn bằng nào nằm ở bậc 6 hay bậc 7, thì phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn này chứ không chỉ dựa vào khối lượng học tập, không quy đơn giản tính từ số tín chỉ hay số năm học ra trình độ được đào tạo.
|
Bình luận (0)