Sẽ có Công viên mì Quảng?

12/05/2009 17:45 GMT+7

Mì tôm anh Tốm Quảng Nôm Khi mô đúa bụng dzô lồm một tô. (TNTS) Trước 1975, tại chợ Bà Hoa, Sài Gòn, câu thơ đậm đặc nước nhưn (lèo) xứ Quảng được nhà thơ dân gian nào đó nguệch ngoạc trên vách một quán mì. Rứa mà ám ảnh. Đã mấy mươi năm, vật đổi sao dời, tôi vẫn nhớ.

1. Trở về Đà Nẵng hơn 5 năm, giờ đây thịt da tôi đã... dậy mùi mì Quảng. Chả bù hồi trước, mỗi bận về quê chỉ ăn cho đỡ nhớ. Nay, sáng nào cũng có thể ăn. Trưa “lồm” tô, tối cũng có khi “mần” tiếp một tô. Bưng tô mì mà nhớ cha ông thuở khai canh khai cư, sáng “khà” năm đồng bạc rượu, đi cày tới nửa buổi mần tô mì ứ hự, no tới chiều. Tôi không đi cày mà chỉ đi viết và đi câu. Hôm nào rảnh, sáng sớm, nhịn cơm chạy xe vô Hòa Phước để được thưởng thức tô mì Bà Mãng. Chuẩn bị về quê, trực chỉ quán mì Lực làm tô mấy ngàn. Mì quê đơn sơ hơn mì thành phố. Thích vì nhẹ bụng chứ không bởi nhẹ tiền. Mấy quán mì ở Túy Loan - nơi mệnh danh thủ đô mì Quảng - tôi cũng đã đến nhưng do nó đã bị cải biên trứng, chả, rau sống tạp lục nên không khoái mấy. Sau này có quán mì gà chỗ ngã rẽ từ Túy Loan lên thị trấn Prao với tô rau tươi nhanh trông no nê mắt nhưng riết rồi một hôm, thấy nó không được tinh tươm nên lười lên. Bữa nọ, tôi tìm ra tiệm mì đối diện bể bơi thành tích cao của thành phố. Mì ngon, rau sạch, nước nhưn ý vị. Làm hai tô, mới biết chủ tiệm là con gái ruột của bà Ngân, người nổi danh mì Quảng đường Đống Đa, có tên trong sách hướng dẫn du lịch Việt Nam.

Ở Đà Nẵng còn có mì cá lóc ngã ba Cai Lang, mì tôm thịt Yên Báy luôn đông khách điểm tâm. Cũng có mì sứa đường Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Diệu và Hòa Cường. Nghe đâu ngoài nguồn sứa biển Đà Nẵng, người ta còn phải “nhập” sứa khô từ Huế và Nha Trang. Có hôm tôi đôn đáo đưa mấy người bạn đi ăn mì sứa nhưng đến nơi, khách đông hết sứa, cô chủ cười trừ. Sứa giòn, đậu phụng bùi cộng vị thơm đặc trưng chuối chát làm nhiều người mê. Riêng bạn tôi mới gặp, tuy hết sứa, vẫn mê cái cách trò chuyện ngúc ngoắc, ưa “phản biện” của cô chủ mì xứ Quảng.

Rau sống và ớt tươi không thể thiếu!

2. Ẩm thực không biên giới, mỗi lần công tác Quảng Nam tôi thường ghé tiệm mì 37 ở Thăng Bình. Mì ngon đã đành nhưng ngon nhất vẫn là những trái ớt xanh ngăn ngắt, cắn nghe cái rụp, thơm cay cả đôi môi. Hôm nhà văn Hồ Trung Tú mới sắm chiếc Fiat, chở vô Điện Phương, tìm mì gánh Phú Chiêm. Ngồi ngó bà cụ trụng mì trụng rau vô xoong nước nhưn to bự chảng, ký ức thiếu thời đột nhiên sống động. Bánh tráng giòn, đậu phụng giã dập, rau sống như vừa mới hái, phát thèm... Nước nhưn đậm màu, ngọt lựng - đúng phong vị mì xưa - song tôi lại mất mê. Có thể do con mì không làm từ bột gạo lúa xưa.  Cũng có thể do “bụng dạ” tôi giờ đã khác, không còn thèm ngọt. Hơn chục năm “chinh chiến” lẩu mắm, hủ tiếu phương Nam chứ ít oi gì. Cách nay một năm, tôi phát hiện mì Quảng Faifo trên đường Pasteur, Đà Nẵng. Ngày khai trương, tiệm mì này lập kỷ lục với 700 thực khách! Hỏi chuyện mới biết, những lá mì óng ánh dầu phụng rin được chủ tiệm đặt hàng từ lò tráng mì truyền thống của ông Hoa ở 12 Nguyễn Thái Học, Tam Kỳ. Ông Hoa chuyên sản xuất mì pha nghệ từ gạo xuyệc trên những xứ đồng chính gốc Đại Lộc, Duy Xuyên. Rau sống với bắp chuối, chuối cây, húng duỗi, cải con được chọn từ những làng rau phố cổ Hội An. Gà số dzách, hạ sơn từ Đèo Le, Quế Sơn. Cá lóc câu hoặc lưới từ hồ to mấy mẫu ở Phú Thượng, Hòa Sơn. Tôm lấy từ những vùng nước lợ đầu biển cuối sông. Thịt bò mềm mại xuất xứ từ Cầu Mống, Mỹ Sơn. Toàn thương hiệu hàng đầu. Chưa ăn đã... nhớ! Theo tôi, cái hay của mì Quảng Faifo lúc ấy là tinh thần khoa học của 4 ông chủ trẻ có bằng đại học. Rau sống được ngâm trong nước muối sống pha loãng. Mì được xắt bằng máy do kỹ sư Lê Nguyễn Quốc Việt chế tạo, bảo đảm vệ sinh. Cái hay nữa là tiệm nhận đặt hàng qua điện thoại. Mỗi cuộc gọi khoảng 100 tô. Nhưng rồi, do Pasteur là phố chính, sau đó mỗi tháng tiệm mì buộc phải trả tiền thuê cơ sở đến 20 triệu đồng nên mấy ông chủ trẻ đành phải “bái bai”! Hiện tiệm này chuyển về đường Núi Thành, giá bình dân hơn do không còn dùng nguồn mì pha nghệ Tam Kỳ.

Mì nhưn ốc bươu cũng khoái khẩu lắm

3. Hữu xạ tự nhiên hương, mì Quảng đã được các sách tua-gai ghi vào sổ tay như một địa chỉ ẩm thực đặc trưng, truyền thống của Việt Nam. Du khách trong và ngoài nước không chỉ khoái những sợi mì thanh mảnh mà còn khoái cái xuất xứ giàu văn hóa của mì. Khách nước ngoài cứ tròn mắt thú vị khi biết họ đang “ăn” lịch sử bởi mì Quảng có gốc gác Chăm. Chuyện thế nào? Trước lễ hội pháo bông Đà Nẵng, đi tìm kiếm tư liệu thực hiện ý tưởng Công viên mì Quảng, tôi được nhà thơ Phan Duy Nhân tiết lộ, ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có làng Dành - tức thôn An Ninh - chuyên làm mì giống y mì Quảng. Chuyện thật lạ lùng. Lạ lùng đến nỗi, sinh thời giáo sư sử học Trần Quốc Vượng phải cất công truy tìm gốc gác. Cuối cùng ông reo lên, chính Huyền Trân Công Chúa đã truyền dạy nghề này cho dân làng Dành. Chuyện là sau cái chết đột ngột của vua Chế Mân, Đệ nhất hoàng hậu của Chămpa là Huyền Trân được đoàn thuyền của triều đình lúc ấy đưa về Đại Việt. Sau đó, bà đi tu chứ không bị lên giàn hỏa thiêu theo chồng hoặc mất tích trên biển cùng danh tướng Trần Khắc Chung. Tại làng Dành, bà được ban 32 mẫu “ruộng vàng”. Bà dạy dân làng dệt cửi, ban lại họ 28 mẫu ruộng, trồng lúa Chiêm và làm mì Quảng. Tôi đã mang câu chuyện này kể cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Hợi, anh rất ngạc nhiên và cho biết sẽ nghiên cứu đưa vào Gala Mì Quảng dự định mở tại Sài Gòn và Đà Nẵng năm 2010. Anh Vũ Khánh Thục từ TP.HCM cũng đã bay ra gặp tôi nghe câu chuyện này và có ý định xây dựng dự án Công viên Mì Quảng tại Đà Nẵng với tất cả các lĩnh vực có liên quan món ăn dân giã mà độc đáo này. Tôi nghĩ công viên này sẽ sớm ra đời. Nhà thơ Phan Duy Nhân đắc ý: “Có thể nó nằm trong quần thể Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn...”.

4. Từ Cộng hòa Séc, nhà văn Trần Ngọc Tuấn e-mail nhờ hướng dẫn cách làm mì Quảng để anh thi thố trước những người bạn nước ngoài. Từ Mỹ, nhà văn kỹ sư Đỗ Nhật Nam gửi về tấm ảnh tô mì Quảng do cô em dâu quê Duy Xuyên làm tại Little Saigon, California. Tại Paris, nhà phê bình văn học Đặng Tiến mở diễn đàn mì Quảng qua e-mail với thân hữu trên thế giới. Tiến sĩ Huỳnh Bá Giả mỗi khi về Đà Nẵng, luôn e-mail “mì Quảng nghe”. Bạn bè trong ngành du lịch cho biết, bất kể khách trong nước hay nước ngoài, mỗi khi đến Đà Nẵng hay Quảng Nam là họ đòi mì Quảng. Nhất là khách châu Á, không ít người “lồm” một lúc 2 tô. Tại lễ hội pháo hoa Đà Nẵng mới đây, cả trăm ngàn tô mì Quảng đã “ngấm vào máu thịt” du khách. Tiệm mì Faifo (mới) trên đường Núi Thành bán “không kịp thở”. Chị Tôn Nữ Thị Dung, chủ tiệm mì Quảng Bà Ngân II, reo lên: “Đắt ghê anh ơi! Hôm qua có một ông thiếu tướng đến ăn, thích lắm”. Đắt đến nỗi, chị phải công bố hai số điện thoại nóng để 20 nhân viên mang cả trăm hộp mì đến tận nơi cho du khách.

Tôi viết bài này không vì PR cho mì Quảng, bởi chừng mực nào đó điều ấy là thừa. Nhưng viết vì yêu, vì tin cái khí chất của một miền đất ẩn chứa trong món ẩm thực đặc trưng. Bao lớp người bao huyền sử đã ra đi nhưng mì Quảng vẫn còn. Mặt khác, ẩm thực Việt Nam đâu chỉ có phở và nước mắm !? Xứ Quảng đâu chỉ có khô mè Bà Liễu, rượu Hồng Đào !? Ngày nao tôi là kẻ xa quê, ăn mì có tên quê cho đỡ thương đỡ nhớ. Ngày nay du khách trăm quê đến Đà Nẵng thưởng thức mì chính danh quê Quảng để thấm vị ân tình.

Riêng tôi, mỗi lần bưng tô mì lên, lại nhớ dáng ngồi xay bột khi xưa của mẹ mình.

Bài & ảnh: Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.