Báo cáo trước Quốc hội trong phiên làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo Chính phủ ước thực hiện hoàn thành cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao trong năm 2017.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2017 và kế hoạch KT-XH năm 2018, Thủ tướng cho hay trong số 13 chỉ tiêu được Quốc hội (QH) phê duyệt cho năm 2017, sẽ có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP, sau 9 tháng đã tăng 6,41% và ước cả năm đạt khoảng 6,7% - vừa tròn chỉ tiêu QH đặt ra. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỉ đồng. Bình quân GDP đầu người khoảng 2.400 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,79% trong 9 tháng và ước bình quân tăng khoảng 4% so với năm 2016, cũng đạt chỉ tiêu QH giao. Lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Sau nhiều năm, dự trữ ngoại hối đạt trên 45 tỉ USD. Bình luận về các con số này, Thủ tướng nói: “Đây là một thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao”.
Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ rõ, nền kinh tế nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém như: chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao, quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đạt thấp. “Vừa qua, phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát”, Thủ tướng nói.
Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm sẽ triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là hội họp, sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài; gắn bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính, sử dụng xe công. "Chính phủ thực hiện lộ trình phù hợp cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ, tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá", Thủ tướng khẳng định.
Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Chính phủ xác định một số chỉ tiêu KT-XH năm 2018 cần đạt, như: GDP tăng 6,5 - 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,3%...
Tránh "bong bóng" chứng khoán, bất động sản
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, tình hình KT-XH nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, ngoài một số hạn chế như báo cáo của Chính phủ nêu, theo Chủ tịch QH, thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài. Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; còn diễn ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn... "Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH", Chủ tịch QH nói.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh đồng tình rằng các giải pháp điều hành được Chính phủ thực thi đúng hướng, phù hợp với diễn biến thị trường, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, Ủy ban Kinh tế cũng đặt vấn đề Chính phủ cần đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. "Một số ý kiến cũng cho rằng báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện", báo cáo thẩm tra thận trọng.
Bên cạnh đó, có ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp khi tăng trưởng tín dụng cao, dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới kiểm soát lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế. Có những dấu hiệu cho thấy giá bất động sản tăng bất thường ở một số nơi dưới tác động của đầu cơ; đầu cơ cục bộ cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán. Cơ quan thẩm tra lưu ý, các chính sách điều hành cần tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo. Cùng với đó, Chính phủ cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.
Phát hiện tham nhũng chưa kịp thời
Sáng 23.10, QH đã nghe Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Theo đó, nhiều cử tri cho rằng việc phát hiện tham nhũng nhìn chung còn chưa kịp thời; số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức. Do đó, báo cáo của MTTQ VN kiến nghị QH, Chính phủ chú trọng đến việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, thực thi nhiệm vụ; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị tham nhũng, lãng phí. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; đồng thời, công khai kết quả xử lý cho MTTQ VN và nhân dân biết để giám sát.
Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong năm 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch; trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong nhân dân. Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1.10.2016 - 31.7.2017 đã phát hiện, khởi tố điều tra 190 vụ án, 399 bị can về tội tham nhũng và 17 vụ, 90 bị can phạm tội về chức vụ. Về nhiệm vụ năm 2018, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường phòng chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát. Tiếp tục thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với TAND tối cao, Viện KSND tối cao, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng khẳng định, một trong những nội dung trọng tâm 2018 là Chính phủ sẽ tiếp tục kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt, Chính phủ sẽ tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT.
Tán thành đề xuất tăng mức lương cơ sở trên 7%
Chiều 23.10, Quốc hội nghe báo cáo và thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, 2017 là năm thứ 3 liên tiếp ngân sách T.Ư có khả năng hụt thu, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương. Về dự toán thu ngân sách 2018, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với Chính phủ mức 6,4%, thấp hơn năm 2017 nhưng phù hợp với tăng trưởng kinh tế dự kiến 6,5 - 6,7% và các yếu tố không thuận lợi tác động đến kinh tế. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% theo Nghị quyết của QH. Tuy nhiên, đề nghị việc điều chỉnh tiền lương phải gắn liền với việc phân bổ chi trên cơ sở tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công. Ủy ban cũng khuyến cáo, tuy nợ công đến cuối 2018 vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng Chính phủ cần kiên quyết rà soát các khoản vay, bảo lãnh vay nợ... đảm bảo khống chế không vượt mức trần nợ công 65% GDP đã được QH quyết định.
Mai Hà
|
Cái gì làm nên tăng trưởng ?
Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho rằng, việc Chính phủ công bố sẽ đạt 13/13 chỉ tiêu QH giao là rất đáng quan tâm. "Nhất là tăng trưởng GDP, con số ấy là rất mừng, song không thể không tự hỏi cái gì làm nên tăng trưởng như vậy? Động lực chính nằm ở đâu? Những cái này cần được mổ xẻ thật sự khi thảo luận về KT-XH tới đây", ông Dũng nói.
Phó trưởng ban Ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, bức tranh KT-XH trong báo cáo của Chính phủ có nhiều điểm sáng, biểu hiện ở con số tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước. Với đà này, khả năng thực hiện mục tiêu 6,7% GDP tương đối khả quan. Về xuất khẩu, 5 tháng đầu nhập siêu lớn, nhưng 9 tháng đã tăng hơn 20%, cán cân thương mại thặng dư… Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát 9 tháng giữ tốt, ước cả năm giữ được 4% như chỉ tiêu QH giao. Tuy nhiên, phía sau bức tranh vẫn còn gam màu tối, chất lượng tăng trưởng có cải thiện, song còn nhiều vấn đề đáng lo như sức cạnh tranh nền kinh tế còn hạn chế; năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Đối với khu vực DN, 97% là DN vừa và nhỏ, vốn rất nhỏ, chỉ đóng góp được 6% GDP, còn khối DN nhà nước vốn mỏng, chủ yếu bằng vốn vay, trông chờ vào vốn ngân hàng, trong đó 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả là biểu hiện rõ nhất. Tăng trưởng phụ thuộc vào vốn nhiều quá, trong khi hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ, năng suất lao động còn thấp… Chính phủ đã lường trước được những khó khăn nên chỉ dám đặt mục tiêu năm 2018, GDP tăng 6,5 - 6,7%, tức bằng hoặc thấp hơn mức dự kiến có thể đạt trong năm nay.
Anh Vũ - Chí Hiếu
|
Quốc hội thảo luận miễn nhiệm Tổng thanh tra Chính phủ
Theo chương trình, chiều nay (24.10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu và chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa. Sau đó, QH sẽ thảo luận ở đoàn nội dung này. Trước đó, trong buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2018 - 2020.
Chí Hiếu
|
Bình luận (0)