Sẽ điều chỉnh quy định về khoảng lùi, chiều cao công trình tại TP.HCM

Đình Sơn
Đình Sơn
22/05/2024 16:44 GMT+7

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo về việc rà soát, đánh giá việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn TP.HCM (được ban hành kèm Quyết định 56). Theo đó, Quyết định 56 sẽ điều chỉnh cho phù hợp thực tế, đặc biệt là quy định về khoảng lùi, chiều cao công trình...

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đến nay Sở đã nhận 18 văn bản góp ý của các đơn vị, với hơn 117 nội dung đề nghị bổ sung, làm rõ, điều chỉnh về mật độ xây dựng, tầng cao, chiều cao, khoảng lùi, các bộ phận kiến trúc công trình như ban công, mái che thang, ô văng, mái đón, tầng hầm, tầng lửng. Đồng thời các góp ý đề nghị xác định lại các khu vực có ý nghĩa quan trọng, xác định các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các khu vực dân cư xây dựng mới, xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc các công trình có chức năng hỗn hợp.

Qua đánh giá sơ bộ, quy chế quản lý kiến trúc được ban hành theo Quyết định số 56 cơ bản đã góp phần quản lý, định hướng kiến trúc đô thị thành phố cũng như bảo tồn giá trị kiến trúc truyền thống. Quy chế quản lý kiến trúc thành phố được ban hành là cơ sở giải quyết cấp giấy phép xây dựng công trình trên địa bàn (tại các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) trên cơ sở các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành.

Khu đất nhà chị Hà (ở giữa) “bỏ hoang” vì khoảng lùi và hệ số sử dụng đất quá thấp so với nhà hai bên đã xây trước đây

Khu đất nhà chị Hà (ở giữa) “bỏ hoang” vì khoảng lùi và hệ số sử dụng đất quá thấp so với nhà hai bên đã xây trước đây

ĐÌNH SƠN

Tuy nhiên, quy chế quản lý kiến trúc thành phố còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, vướng mắc cần phải xem xét điều chỉnh bổ sung và cập nhật những nội dung mới cho phù hợp thực tiễn, đồng bộ nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM trong thời gian tới.

Nhóm các vướng mắc đầu tiên các địa phương phản ánh là khoảng lùi xây dựng công trình, quy định về mái che thang, tầng lửng, cách xác định mật độ xây dựng đối với trường hợp xây dựng mới và phần cải tạo sửa chữa. Quy định về việc trổ cửa đi, cửa sổ, các bộ phận kiến trúc của công trình như ban công, ô văng… đã được quy định trong quy chế quản lý kiến trúc nhưng chưa cụ thể hoặc chưa rõ.

Nhóm các nội dung cần bổ sung vào quy chế quản lý kiến trúc thành phố như: quy định về vạt góc giao lộ và công trình để đảm bảo an toàn giao thông đô thị; bổ sung tiêu chí thân thiện môi trường để tăng hệ số sử dụng đất, quy định công trình xây dựng ngầm trong đô thị (đặc biệt khu vực trung tâm TP.HCM).

Đối với nhóm vướng mắc này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ trực tiếp hướng dẫn thực hiện trên cơ sở các đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các tiêu chuẩn xây dựng chuyên ngành.

Cùng đó sẽ nghiên cứu bổ sung vào quy chế kiến trúc thành phố để đảm bảo đồng bộ với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, như xác định các khu vực có ý nghĩa quan trọng về kiến trúc cảnh quan, khu vực yêu cầu quản lý kiến trúc đặc trưng, TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) dọc toàn tuyến xa lộ Hà Nội; kiến trúc cảnh quan dọc sông Sài Gòn, dọc rạch Xuyên Tâm; kiến trúc công trình ứng phó với biến đổi khí hậu...

Trước đó, Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ánh Quyết định số 56 quy định về khoảng lùi, độ cao công trình được cấp phép giảm so với trước khiến nhiều hộ dân không dám xây nhà vì nếu xây, nhà sẽ thấp hơn, thụt vào sâu hơn... so với các căn hộ hiện hữu. Cũng vì thế, bộ mặt khu phố cũng "lôm nhôm" hơn, đi ngược lại với mục tiêu quản lý kiến trúc ban đầu. Quy định mới này cũng được các quận huyện hiểu theo nhiều cách khác nhau, mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn cho người dân trong việc xây, sửa nhà.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.