Theo ông Nam, để giải quyết những vướng mắc trong xuất nhập khẩu ở các cửa khẩu Trung Quốc, qua trao đổi, đến nay Bộ NN-PTNT thống nhất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, định kỳ 6 tháng một lần, hai bên ngồi lại trao đổi tháo gỡ các vấn đề phát sinh và tổ chức thông tin đến các doanh nghiệp (DN). Trong nước, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng ở các vùng nguyên liệu để phục vụ kiểm soát chất lượng truy xuất nguồn gốc. “Chúng tôi giao cho cơ quan kiểm dịch địa phương thông tin thường xuyên đến các DN về yêu cầu quy định phải đáp ứng để xuất khẩu vào Trung Quốc, nếu như không tuân thủ sẽ kiên quyết không làm thủ tục xuất khẩu, vì nếu một DN vi phạm thì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nói chung”, ông Nam nói.
Chế biến thanh long xuất khẩu chính ngạch ở Tiền Giang |
công hân |
Ông Trần Thanh Nam khẳng định, một giải pháp lâu dài và căn cơ nhất mà Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu và phối hợp với các địa phương triển khai là tổ chức bài bản hệ thống logistics từ vùng trồng, đến nơi sơ chế, đóng gói, chế biến cho đến kho bãi ở biên giới để chủ động hơn trong xuất khẩu, giảm bớt áp lực tiêu thụ trong mùa vụ thu hoạch.
Trong chiều 21.12, các bộ ngành đã có buổi họp báo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía bắc”. Cập nhật từ Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), đến chiều 21.12, vẫn còn 6.198 xe nông sản đang chờ ở cửa khẩu thông quan chờ xuất sang Trung Quốc. Tại buổi họp, Tổng cục Hải quan đề xuất với các bộ để kịp thời có giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, DN, hải quan đã bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục ngoài giờ hành chính, tuyên truyền, phổ biến cho DN xuất khẩu và phối hợp các lực lượng biên phòng, công an điều tiết giao thông. Đồng thời, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng, đơn vị tại cửa khẩu phía Trung Quốc. Đặc biệt, ký kết nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch, mở rộng danh mục sản phẩm nông sản, thủy sản cũng như bổ sung danh sách DN VN được phép xuất khẩu sang thị trường này…
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tình trạng ùn ứ này đã được dự báo và cảnh báo liên tục từ trước. Bộ thường xuyên có văn bản khuyến cáo gửi các địa phương, DN về vấn đề nêu trên. Cục Xuất nhập khẩu cũng đã có văn bản khuyến cáo gửi sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các hiệp hội, ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, DN chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn. Chính Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có 3 cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến với các đối tác phía Trung Quốc từ cấp Bộ và đại sứ quán… Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, về lâu dài, DN cần tập trung chế biến sâu, xuất hàng theo đường chính ngạch, bởi những gỡ rối này chỉ mang giải pháp tình thế.
“Các DN, thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính) mới bền vững được”, Cục Xuất nhập khẩu nêu quan điểm.
Bình luận (0)