“Phải làm việc để nắm bắt tâm tư và hoàn cảnh của mỗi giáo viên như thế nào. Tùy tình hình, ai khó khăn thì thỏa thuận thống nhất thời gian và số tiền cụ thể phải thu hồi hằng tháng là bao nhiêu, còn ai không khó khăn thì phải thu hồi theo quy định. Việc này phải đảm bảo không “đẩy” người lao động vào tình trạng quá khó khăn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống”, ông Kiên nói.
Trước đó, do áp dụng không đúng văn bản của địa phương và trung ương nên tại H.Bảo Lâm xảy ra việc chi tiền phụ cấp thu hút cho giáo viên bậc mầm non, tiểu học và THCS ở các xã trên địa bàn huyện sai quy định. Cụ thể năm 1998, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 1448 lấy ngân sách tỉnh chi phụ cấp thu hút bằng 40% lương cho cán bộ, giáo viên, viên chức ngành giáo dục ở các xã vùng sâu, vùng xa và khó khăn trên địa bàn nhưng không khống chế thời gian. Đến năm 2006, Nghị định 61 ra đời, Chính phủ cho cán bộ, giáo viên từ vùng thuận lợi vào vùng khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% lương, nhưng chỉ được hưởng 60 tháng (5 năm). Đến năm 2008, tỉnh Lâm Đồng có Văn bản 2886 chỉ đạo mỗi người chỉ được hưởng 60 tháng cộng dồn; đồng thời được hưởng cao nhất là 70%, ai thiếu thì được truy lĩnh. Đến tháng 9.2015, qua rà soát, H.Bảo Lâm phát hiện nhiều đơn vị chi sai và chủ yếu vượt số tháng được hưởng theo quy định, ít thì vài tháng, nhiều đến hơn 60 tháng. Số tiền đã chi cho mỗi người, ít vài trăm ngàn đồng, nhiều lên đến hơn 130 triệu đồng.
Khi phát hiện, từ năm 2015, huyện đã bắt đầu cho thu hồi dần. Cũng theo UBND H.Bảo Lâm, qua 2 lần kiểm tra tổng cộng 23 trường học trên địa bàn, phần lớn các trường đều thống nhất quan điểm và cách thực hiện thu hồi của đoàn kiểm tra, riêng một số giáo viên trên địa bàn xã Lộc Nam còn chưa đồng tình với việc “cộng dồn 60 tháng” nên mới nảy sinh khiếu nại.
Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ nhiều giáo viên không đồng tình là do ngày 5.1.2018, UBND H.Bảo Lâm ban hành văn bản yêu cầu thực hiện truy thu mỗi giáo viên trong diện bị truy thu bằng 1/3 mức lương hằng tháng cho đến khi thu đủ số tiền phải thu hồi. Cách làm này sẽ gây khó khăn cho nhiều giáo viên bởi nguồn thu chính để nuôi sống gia đình chủ yếu bằng tiền lương.
Bình luận (0)