Sáng 17.12, tại phiên họp 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về việc giải thể các Tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) và huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) để sáp nhập vào Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình và thành phố Hạ Long sau khi 2 huyện Kỳ Sơn và Hoành Bồ sáp nhập vào thành phố Hòa Bình và thành phố Hạ Long, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề án của Chính phủ và các địa phương trình vì sáp nhập là hoàn toàn phù hợp với thực tế.
|
Giải trình thêm, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, hiện tại, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng đề án thí điểm sáp nhập các tòa án nhân dân cấp huyện, đã báo cáo Ban Tổ chức T.Ư, Ban Nội chính T.Ư và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư.
“Tới đây sẽ báo cáo cấp cao hơn”, ông Bình cho hay và thông tin, theo đề án mà Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị, sẽ thí điểm sáp nhập 35 tòa án cấp huyện có quy mô án dưới 200 vụ/năm và có số biên chế dưới 8 người.
“Tại sao vậy? Báo cáo các đồng chí, trong khi ở các tòa thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ anh em không có người làm việc thì hiện ở 160 tòa án cấp huyện vẫn giữ nguyên biên chế là 8 người nhưng lại không có việc làm. Cho nên, tiến hành thí điểm sáp nhập để chuyển biên chế cho những nơi có nhu cầu, giảm áp lực công việc”, ông Bình giải thích và cho biết, cả 2 tòa án nhân dân huyện Kỳ Sơn và Hoành Bồ trong đề án sáp nhập huyện xã của tỉnh Quảng Ninh và Hòa Bình nằm trong đề án nên Tòa án nhân dân tối cao sẵn sàng chấp nhận.
Nói thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc sáp nhập tòa án cấp huyện mà ông Bình nói tới là theo tinh thần thành lập tòa án khu vực ở một số đơn vị cấp huyện. Tuy nhiên, trong đề án sáp nhập huyện xã của Hòa Bình và Quảng Ninh lần này trình ra Quốc hội thì không phải là thành lập tòa án liên huyện hay tòa khu vực mà là việc giải thể các tòa án của huyện Kỳ Sơn và huyện Hoành Bồ để nhập vào thành phố Hòa Bình và thành phố Hạ Long.
“Như vậy, sau khi sáp nhập thì trách nhiệm của chánh án, viện trưởng (Viện kiểm sát - phóng viên), việc sắp xếp bố trí nhân sự phải theo đơn vị mới là thành phố Hòa Bình và thành phố Hạ Long”, ông Uông Chu Lưu lưu ý và cho biết, đây là việc mới, chưa từng có song Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều tán thành theo các đề xuất của Chính phủ và địa phương.
Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan xét xử cấp thấp nhất trong hệ thống tòa án nhân dân gồm 4 cấp (Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân cấp cao; các tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các Toà án quân sự).
Toà án nhân dân cấp huyện có chánh án, 1 hoặc 2 phó chánh án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký toà án. Chánh án tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm sau khi có sự thống nhất với thường trực hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã.
|
Bình luận (0)