Sẽ sáp nhập, giải thể 1/4 số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/04/2018 18:38 GMT+7

Theo mục tiêu quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB-XH, đến tháng 5 tới, phấn đấu cả nước chỉ còn lại 1.500 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm gần 500 cơ sở so với hiện tại.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều nay, 23.4.
Theo ông Đào Ngọc Dung, sau khi các trường cao đẳng, trung cấp được chuyển từ Bộ Giáo dục - Đào tạo về Bộ, tổng số trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà Bộ này quản lý lên tới 1.989 cơ sở.
Trong 2 năm qua, Bộ LĐ-TB-XH đã siết quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua việc tích hợp sáp nhập, chuyển đổi các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp; sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp tương đồng và giải thể các trường yếu kém. Kết quả, đến thời điểm hiện tại, cả nước còn khoảng 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (giảm 15 cơ sở).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH khẳng định, từ nay đến tháng 5, Bộ phấn đấu chỉ còn lại 1.500 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm khoảng 500 cơ sở so với thời điểm nhận bàn giao từ Bộ Giáo dục - Đào tạo.
"Đây là một vấn đề khó vì việc giải thể một trường hay tổ chức lại 1 trường phải tính toán rất nhiều chuyện, từ cơ sở vật chất, bộ máy, nuôi dưỡng thế nào", ông Dung nói, và khẳng định quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá của Bộ này trong năm 2018.
Theo ông Dung, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới theo tinh thần Nghị quyết 18 của T.Ư. Theo đó, tất cả địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tiến tới chỉ hình thành 1 trường cao đẳng, còn các trường trung cấp sẽ tiến tới tổ chức lại theo hướng trường cao đẳng sẽ dạy "đa hệ" cả cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.
Bên cạnh đó, tiếp tục tích hợp, sáp nhập, chuyển đổi các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp cấp huyện tại các địa phương thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp và rà soát lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa lĩnh vực, đa ngành nghề.
"Quan trọng là đảm bảo có người đến học trong hoàn cảnh chúng ta đang mở nhiều đại học như hiện nay", ông Dung nói và cho biết, Bộ này đã quyết liệt kết nối các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tăng cường tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.